Người thoát nạn tàu chìm: "Chúng tôi tìm đường sống trong xác tàu"

Tàu 2 nghìn tấn chở hàng ra Trường Sa đang neo tránh biển động đã bất ngờ bị sóng đánh chìm ở luồng Soài Rạp (huyện Cần Giờ, TPHCM) khiến 16 người kẹt bên trong, mò tìm đường thoát.

Hai thuyền viên được cứu đưa về Cần Giờ trong đêm. Ảnh: Hải Hiếu
Hai thuyền viên được cứu đưa về Cần Giờ trong đêm. Ảnh: Hải Hiếu

Rạng sáng 31/10, 2 trong số 11 thuyền viên thoát nạn trong vụ tàu Hoàng Phúc 18 chìm ở sông Soài Rạp (giáp ranh TPHCM và Tiền Giang) được đưa về Đồn Biên phòng Long Hòa, huyện Cần Giờ. Những người còn lại được về Vũng Tàu. Năm người khác vẫn mất tích.

Trấn tĩnh sau khi được quân y biên phòng chăm sóc, anh Trần Minh Sang (30 tuổi, quê Khánh Hòa) cho biết, tàu vỏ thép trọng tải 2.000 tấn chở 700 tấn đá và máy móc xuất phát sáng 28/10 từ cảng đá ở huyện Long Thành (Đồng Nai) đi đảo Trường Sa.

Tàu đi được 70 hải lý thì gặp sóng lớn nên thuyền trưởng quyết định quay lại neo đậu ở phao số 5, gần vị trí cồn Bầu, chờ thời tiết thuận lợi tiếp tục hành trình.

20 giờ ngày 30/10, tàu đang đậu cách bờ biển Cần Giờ 7 hải lý, 16 thuyền viên vừa ăn xong bữa cơm tối chuẩn bị đi ngủ. Nhiều con sống to dồn dập ập đến, làm ba máy xúc và xe tải để trên tàu bị đẩy về mạn phải. Tàu nghiêng dần. Thêm một con sóng lớn đánh phủ qua khiến tàu lật úp.

"Tôi cùng ba người khác đang ngồi trong phòng ăn thì nghe tiếng la hét từ phía trên "tàu bị lật rồi, anh em nhảy đi". Điện tắt tối om. Tàu nghiêng nên không có cách nào chạy nhanh ra được" - Anh Sang kể.

Mọi người mạnh ai nấy lần mò đường. Tôi vịn vào từng vật trên tàu có thể bám víu được để giữ thăng bằng. Cố bước thật nhanh để thoát ra nhưng không kịp".

Bị nhấn chìm cùng con tàu, anh Sang cố ngoi lên mặt nước nhưng đầu anh đụng phải thành tàu lật úp phía trên đang nhấn xuống. Tiếp tục lặn ngụp, 2 phút sau anh tìm được đường thoát. 

"Tôi tưởng chết rồi. May mắn, tôi mò được dây cứu hỏa của tàu nên lần ra ngoài. Nếu chậm vài giây nữa tôi đã hết hơi và buông xuôi" - Anh Sang nhớ lại.

Ngóc đầu lên thở vài giây, anh Sang phát hiện chân vịt của tàu còn nổi nên bơi đến đu bám cùng một đồng nghiệp khác. Sau một giờ, người mệt lả vì chống chọi với những con sóng to liên tục ập đến, cả hai được chiếc xà lan đậu gần đó phát hiện, quăng áo phao và dây cứu.

Vẻ mặt thất thần, thuyền viên Hoàng Văn Biên (29 tuổi, quê Hà Tĩnh) cho biết, chỉ trong vòng 2 phút tàu đã lật úp. Anh bị vỏ tàu trùm giữ lại không nhảy ra ngoài được.

"Nước ọc ọc chảy xiết vào, tôi cố bám lấy cửa. Một lúc sau nước đầy khoang tàu mới đẩy tôi nổi lên được, đu bám vào chân vịt. Nếu nước cứ chảy vào chừng 30 giây nữa chắc tôi chịu không nổi", anh Biên kể lại giây phút sinh tử.

Cùng với hai thuyền viên này, 9 người khác kịp thoát ra ngoài bơi qua được xà lan cùng công ty đang đậu tránh sóng cách đó 50 m. Sau khi thoát chết, hai người đứng trên xà lan dùng đèn pin vẫy tàu cá đang đánh bắt cách đó đến nhờ giúp đỡ tìm những người mất tích nhưng thành.

Vị trí tàu bị nạn. Ảnh: Hải Hiếu

Vị trí tàu bị nạn. Ảnh: Hải Hiếu

Đại tá Lê Ngọc Hùng, Tham mưu trưởng Bộ đội Biên Phòng TP HCM cho biết, rút kinh nghiệm từ vụ chìm ca nô khiến 9 người chết trên vùng biển Cần Giờ 2 năm trước, ngay sau khi nhận tin, đơn vị nhanh chóng huy động cứu hộ của Cảnh sát PCCC, Kiểm ngư, Biên phòng và các tàu cá ngư dân hoạt động quanh vùng hỗ trợ tìm kiếm.

"Tại hiện trường bây giờ thời tiết đang rất xấu, gió mạnh gây khó khăn cho việc cứu nạn. Chúng tôi sẽ nỗ lực tìm kiếm những người mất tích đến khi nào thấy được tất cả" - Ông Hùng nói và cho biết sáng 31/10, 6 tàu cứu hộ tiếp tục triển khai mở rộng phạm vi tìm kiếm khoảng 6 hải lý, quanh khu vực tàu Hoàng Phúc 18 gặp nạn.

Theo vnexpress.net

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Thí sinh dự thi đánh giá năng lực do Đại học Quốc gia TPHCM tổ chức năm 2024. Ảnh: VNU-HCM

Trường ĐH KHXH&NV TPHCM tuyển mới 3 ngành

GD&TĐ - Kinh doanh thương mại Hàn Quốc, Quốc tế học và Nghệ thuật học lần đầu được Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐH Quốc gia TPHCM tuyển sinh.