Katherine Johnson: Nữ anh hùng thầm lặng của NASA

GD&TĐ - Katherine Johnson, nhà toán học tiên phong của NASA, mới đây đã được Hiệp hội Địa lý Quốc gia Mỹ trao Huân chương Hubbard, ghi nhận những đóng góp của bà trong chương trình khám phá vũ trụ.

Katherine Johnson làm việc tại Trung tâm nghiên cứu Langley của NASA năm 1962.
Katherine Johnson làm việc tại Trung tâm nghiên cứu Langley của NASA năm 1962.

Tiên phong trong sứ mệnh không gian

Rất lâu trước khi công nghệ hiện đại ra đời, Katherine Johnson được biết đến như một “cỗ máy tính”. Bà đã tính toán quỹ đạo bay hoàn toàn thủ công cho chương trình không gian của Mỹ, giúp các phi hành gia lên vũ trụ và quay trở về an toàn.

Nhiều người tin rằng, không có bộ óc thông minh của Johnson, chưa chắc John Glenn đã đi tiên phong trong các sứ mệnh không gian và Neil Armstrong có thể không trở thành con người đầu tiên đặt chân lên bề mặt của Mặt trăng.

Do những đóng góp to lớn trong quá trình khám phá không gian, Katherine Johnson - nhà nữ toán học qua đời vào tháng 2/2020 ở tuổi 101 - đã được tặng thưởng Huân chương Hubbard của Hiệp hội Địa lý Quốc gia năm 2020.

Năm 1969, các phi hành gia trên tàu Apollo 11 đã được trao giải thưởng tương tự. Giờ đây, sau 51 năm, công việc xuất sắc góp phần thực hiện thành công sứ mệnh này mới được tôn vinh.

“Chúng tôi rất vinh dự được trao tặng bà Katherine Johnson Huân chương Hubbard. Đây là sự công nhận cao nhất của Hiệp hội Địa lý Quốc gia cho những đóng góp phi thường của bà trong các lĩnh vực khoa học và khám phá”, Giám đốc điều hành Hiệp hội Địa lý Quốc gia, Jill Tiefenthaler, phát biểu trong buổi lễ vinh danh này, “50 năm trước, các phi hành gia của tàu Apollo 11 đã được trao Huân chương và giờ đây chúng tôi rất vinh dự được công nhận nhà toán học có những tính toán chính xác cho việc thực hiện các chuyến bay đó. Di sản về khám phá, cải tiến và truyền cảm hứng của Katherine sống mãi”.

Nguồn cảm hứng đó tồn tại trong Kavita Gupta, một giáo viên hóa học tại Trường Trung học Monta Vista, ở Cupertino, California. Gupta nói, Johnson là người anh hùng của cô. “Katherine Johnson, chiếc máy tính con người, người phụ nữ Mỹ gốc Phi thứ ba có bằng Tiến sĩ, người đã giúp NASA đưa một phi hành gia lên quỹ đạo và sau đó giúp đưa một người khác lên Mặt trăng, đã truyền cảm hứng cho tôi với di sản tiên phong của bà, giúp tôi phá vỡ các rào cản và thách thức trong vai trò một giáo viên và một phụ nữ da màu”, Gupta nói.

Johnson nằm trong nhóm phụ nữ da đen được mô tả là những “máy tính người” làm việc tại NASA, sau đó bà được triệu tập vào Ủy ban Cố vấn Quốc gia về Hàng không, tính toán quỹ đạo chuyến bay vũ trụ hoàn toàn. Công việc đặc biệt của bà với tư cách là một nhà toán học đã hướng dẫn sứ mệnh năm 1961, đưa Alan B. Shepherd trở thành người Mỹ đầu tiên vào không gian.

Một năm sau, kỹ năng tính toán của bà đã giúp John Glenn trở thành người Mỹ đầu tiên vào quỹ đạo Trái đất. Đáng chú ý nhất là vào năm 1969, bà đã tính toán quỹ đạo chính xác đưa tàu Apollo 11 lên Mặt trăng, một trong những kỳ công khoa học vĩ đại nhất của Mỹ.

Người truyền cảm hứng

Johnson nhận Huân chương Tự do của tổng thống do TT Barack Obama trao vào năm 2015.
Johnson nhận Huân chương Tự do của tổng thống do TT Barack Obama trao vào năm 2015. 

Johnson sinh ngày 26/8/1918, tại White Sulphur Springs, Tây Virginia, Mỹ, vào trung học khi mới 10 tuổi. Tốt nghiệp sau 4 năm học, bà vào Trường ĐH bang Tây Virginia và hoàn thành chương trình đại học lúc 18 tuổi.

Johnson may mắn được tiếp cận các trường học và nền giáo dục ngoài tầm với của hầu hết người Mỹ gốc Phi vào thời điểm đó. Tại quê hương của bà, White Sulfur Springs, học sinh da đen trong hệ thống giáo dục tách biệt không thể học quá lớp sáu. Bởi vì điều này, cha của Johnson quyết định chuyển cả gia đình đi xa hơn 200km, đến thị trấn Institute, cũng ở West Virginia để anh chị em của bà được nhận một nền giáo dục đầy đủ.

Năm 1939, Johnson trở thành người phụ nữ da đen đầu tiên theo học Cao học và nhận bằng Thạc sĩ Toán học tại Đại học Tây Virginia. Năm 1952, bà gia nhập NASA và nhóm các nhà toán học phụ nữ da đen ở đây.

Năm 1939, Johnson kết hôn với James Francis Goble và có ba cô con gái. Jame chết vì khối u não vào năm 1956. Ba năm sau, bà kết hôn với James A. Johnson, một sĩ quan quân đội Hoa Kỳ, cựu binh trong Chiến tranh Triều Tiên. Họ sống với nhau trong 60 năm, cho đến khi ông qua đời vào tháng 3/2019 ở tuổi 93.

Cả hai cô con gái còn sống của Johnson đều tiếp bước mẹ, trở thành nhà toán học. Joylette Hylick bắt đầu làm việc cho NASA sau khi tốt nghiệp Đại học Hampton năm 1962, Kathy Moore đã có 33 năm làm giáo viên toán và chuyên gia tư vấn tâm ký. Con gái thứ ba, Constance Goble Garcia, qua đời năm 2010.

Những nỗ lực của Johnson đã mở ra cánh cửa cho những người khác và đặt nền móng cho các nữ phi hành gia, như Christina Koch, người phụ nữ giữ kỷ lục về chuyến bay vào không gian một mình dài nhất, sau khi hoàn thành nhiệm vụ đầu tiên trên Trạm Vũ trụ Quốc tế vào tháng 3 năm 2019. Sau đó, vào tháng 10, Koch và Jessica Meir đã thực hiện chuyến đi bộ trong không gian toàn nữ đầu tiên.

“Khi tôi nghĩ về những trải nghiệm của mình và của Katherine Johnson, tôi hoàn toàn kinh ngạc”, Koch nói, “Bà ấy đã vượt qua rất nhiều định kiến công khai, rất nhiều thử thách hơn những gì tôi từng phải đối mặt”.

Cựu quản trị viên NASA, phi hành gia, Charlie F. Bolden nói rằng, khi lớn lên, và thậm chí sau này trong sự nghiệp của mình, ông không hề nghe nói về Katherine Johnson. “Khi Tổng thống Obama quyết định trao Huân chương Tự do của tổng thống cho bà ấy, tôi quyết định phải có mặt. Tôi đã rơi nước mắt trong suốt buổi lễ, bởi vì đây là một nhân vật mang tính biểu tượng mà cuối cùng tôi đã có cơ hội gặp gỡ”.

Năm 2017, NASA đã dành riêng một tòa nhà để vinh danh bà, đó là Cơ sở Nghiên cứu Tính toán Katherine G. Johnson tại Trung tâm nghiên cứu Langley ở Hampton, Virginia.

Công việc và di sản của Johnson đã ảnh hưởng lớn đến những trẻ em da đen khao khát trở thành nhà khoa học hoặc tham gia vào các lĩnh vực Khoa học, Công nghệ, Kỹ thuật và Toán học, được gọi là STEM.

Theo Nationalgeographic

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ