Israel công bố kế hoạch về “thẻ xanh”, WHO cảnh báo suy giảm sức khỏe tâm thần do Covid-19

GD&TĐ - Theo Worldometer, thế giới có 193.351.706 ca mắc, gồm 547.056 ca mới. Số ca tử vong là 4.150.571 ca, gồm 8.484 ca mới.

Tại một khu nghĩa trang ở Indonesia trong mùa dịch Covid-19.
Tại một khu nghĩa trang ở Indonesia trong mùa dịch Covid-19.

Israel hôm qua công bố kế hoạch có tên “thẻ xanh”, chỉ cho phép những người được coi là miễn dịch với Covid-19 hoặc gần đây có kết quả xét nghiệm âm tính mới được vào một số không gian công cộng như nhà hàng, phòng tập thể dục và giáo đường Do Thái. Động thái này được đưa ra sau khi số ca mắc Covid-19 tăng lên.

Chính phủ đã loại bỏ hầu hết các hạn chế về Covid-19 sau một đợt tiêm chủng nhanh giúp giảm ca mắc và tử vong. Tuy nhiên, một số biện pháp đã được khôi phục bao gồm đeo khẩu trang trong nhà và khắt khe hơn đối với người nhập cảnh. Thủ tướng Bennett cho biết chính phủ muốn người Israel học cách sống chung với virus.

Hơn 56% trong dân số 9,3 triệu người Israel đã được tiêm chủng đầy đủ, số ca mắc Covid-19 nặng hiện thấp hơn so với các đợt lây nhiễm trước đây.

Ấn Độ hôm qua bác bỏ các nghiên cứu gần đây cho rằng hàng triệu người đã chết ở nước này vì Covid-19, gấp nhiều lần so với con số chính thức là gần 420.000 người. Tuy nhiên, một số bang của Ấn Độ đang “điều chỉnh” dữ liệu của họ sau đợt gia tăng số ca mắc đột biến vào tháng 4 và 5.

Hôm 20/7, một nghiên cứu của Mỹ cho thấy Ấn Độ có từ 3,4 triệu đến 4,7 triệu ca tử vong vì Covid-19, gấp 8 đến 11 lần so với con số chính thức. Tuy nhiên Ấn Độ cho biết giả định này “không dựa trên sự thật và hoàn toàn ngụy biện”.

Thái Lan hôm qua ghi nhận 13.655 ca mắc mới – một kỷ lục trong 2 ngày liên tiếp, nâng tổng số ca mắc lên 453.132 ca. Bên cạnh đó, số ca tử vong trong ngày là 87, đưa tổng số ca tử vong tại đây lên 3.697 ca. Thái Lan hiện đang chiến đấu với đợt bùng phát dịch mới khiến số ca mắc và tử vong lập kỷ lục mới gần như hàng ngày.

Người đứng đầu Viện Vắc xin Quốc gia Thái Lan đã xin lỗi việc triển khai chậm và cho biết sẽ tham gia với Liên hợp quốc để nhận vắc xin tài trợ vào năm sau. Thái Lan hiện là quốc gia duy nhất ở Đông Nam Á không tham gia chương trình chia sẻ vắc xin COVAX của WHO vì cho rằng mình là quốc gia có thu nhập trung bình, nên không nhận vắc xin miễn phí từ chương trình này.

Malaysia hôm qua ghi nhận 13.000 ca mắc Covid-19 mới, đây được xem là ca mắc hàng ngày cao thứ 2 kể từ khi đại dịch bắt đầu. Tổng giám đốc y tế Noor Hisham Abdullah cho biết 66,1% số ca mắc mới không có triệu chứng, trong đó 43,3% có triệu chứng nhẹ. Số người bị viêm phổi chiếm 1% số ca mới, 0,5% cần hỗ trợ oxy và 0,1% (13 ca) nặng, cần máy thở.

Bên cạnh đó số ca tử vong vì Covid-19 trong 24 giờ qua tại Malaysia là 134 ca, nâng tổng số ca tử vong vì đại dịch ở đây lên 7.574 ca.

WHO hôm qua thúc giục Indonesia thực hiện một quy trình chống dịch chặt chẽ và rộng rãi hơn để chống lại các ca mắc và tử vong do Covid-19 gia tăng. Trong khi đó, vài ngày trước, Tổng thống Indonesia ra lệnh nới lỏng các hạn chế khi thấy số ca mắc có dấu hiệu giảm. Tuy nhiên, các nhà dịch tễ học cho biết đây là do việc xét nghiệm giảm đi.

Indonesia đã trở thành một trong những tâm điểm của đại dịch toàn cầu trong những tuần gần đây với số ca mắc Covid-19 tăng gấp 5 lần trong 5 tuần. Trong tuần này, số ca tử vong trong ngày cao mức kỷ lục thế giới là hơn 1.400 ca.

Trong một diễn biến khác, WHO cho biết tác động sức khỏe tâm thần do đại dịch gây ra sẽ “lâu dài và sâu rộng” khi các chuyên gia và nhà lãnh đạo kêu gọi cần có hành động đối với những căng thẳng liên quan đến đại dịch. Trong một tuyên bố, WHO nói rằng “những lo lắng xung quanh việc lây nhiễm virus, tác động tâm lý của lệnh phong tỏa và tự cô lập” đã góp phần vào cuộc khủng hoảng sức khỏe tâm thần, cùng với những căng thẳng liên quan đến thất nghiệp, lo lắng tài chính và sự xa lánh xã hội.

Giám đốc WHO ở khu vực châu Âu Hans Kluge cho biết sức khỏe tâm thần nên được coi là “quyền cơ bản của con người” và nhấn mạnh Covid-19 đã tàn phá cuộc sống như thế nào.

Ông cho biết “đại dịch đã làm rung chuyển thế giới. Hơn 4 triệu sinh mạng đã mất đi trên toàn cầu, sinh kế bị hủy hoại, các gia đình và cộng đồng buộc phải chia lìa, các doanh nghiệp bị phá sản và mọi người bị tước mất các cơ hội”.

WHO kêu gọi tăng cường các dịch vụ sức khỏe tâm thần nói chung và cải thiện khả năng tiếp cận dịch vụ chăm sóc thông qua công nghệ. Các dịch vụ hỗ trợ tâm lý cần cải thiện ở các trường học, nơi làm việc và cho những người ở tuyến đầu chống Covid-19.

Theo Hải Yến

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ