Hung thủ ám sát Robert F. Kennedy bị thôi miên?

GD&TĐ - Vào ngày 5/6/1968, Thượng nghị sĩ Hoa Kỳ Robert F. Kennedy phát biểu trước những người ủng hộ mình ở Khách sạn Ambassador, Los Angeles.

Thượng nghị sĩ Robert F. Kennedy nói chuyện trước đám đông ủng hộ mình vài phút trước khi bị ám sát.
Thượng nghị sĩ Robert F. Kennedy nói chuyện trước đám đông ủng hộ mình vài phút trước khi bị ám sát.

Tại đây, ông bị bắn nhiều phát đạn, sau đó chết ở bệnh viện. Kẻ ám sát bị bắt ngay tại hiện trường. Tuy nhiên, hắn được cho là đã bị thôi miên để thực hiện hành vi này. Thực hư ra sao? 

Lập trình thôi miên

Kẻ bắn Thượng nghị sĩ Robert Kennedy là một chiến binh người Palestine tên là Sirhan Bishara Sirhan. Trong quá trình thẩm vấn, Sirhan luôn khẳng định anh ta không còn nhớ gì về vụ nổ súng, toàn bộ sự việc là một khoảng trống, không để lại gì trong tâm trí anh ta. 

Nhà văn người Anh, Peter Evans, tác giả quyển sách nổi tiếng Nemesis và các chuyên gia khác, sau khi tìm hiểu kỹ vụ án đều tin rằng, Sirhan đã bị “lập trình thôi miên”, thông qua các kỹ thuật được hoàn thiện bởi chương trình kiểm soát tâm trí của CIA, được gọi là Bluebird, sau đó là Artichoke, và cuối cùng có tên là MK Ultra.

Theo Evans, các kỹ thuật gây ảo giác và thôi miên có thể được sử dụng để điều khiển một người hành động theo ý đồ định trước, như ăn cắp và thậm chí giết người, sau đó nạn nhân sẽ không nhớ gì cả. 

Trong cuốn sách The Search for the Manchurian Candidate (Tìm kiếm ứng cử viên người Mãn Châu), tác giả John Marks đã đề cập đến một nhà thôi miên của CIA tên là Morse Allen, người đã chỉ ra rằng, ý tưởng đáng lo ngại trên có thể mang lại hiệu quả.

Marks cho biết: Morse Allen quyết định học và thí nghiệm thôi miên ngay tại văn phòng của mình. Ông yêu cầu các thư ký trẻ tuổi của CIA ở lại sau giờ làm việc và điều khiển họ qua các bước thôi miên. Ông lệnh cho các thư ký đánh cắp các tập tin bí mật và chuyển chúng cho những người lạ.

Vào ngày 19/2/1954, Morse Allen đã thực hiện thí nghiệm cuối cùng: Tạo ra một “ứng cử viên Mãn Châu”, hay còn gọi là sát thủ được lập trình. “Nạn nhân” của Allen là một thư ký đã bị ông đưa vào trạng thái ngủ say. Sau đó, ông thôi miên một thư ký thứ hai và nói với cô ta rằng, nếu không đánh thức bạn mình, “cơn thịnh nộ của cô ấy sẽ lớn đến mức khiến cô không ngần ngại “giết người”.

Allen để lại một khẩu súng lục gần đó, mà cô thư ký không biết nó đã được lấy đạn ra. Mặc dù trước đó chưa hề biết sử dụng loại súng nào, cô ấy vẫn cầm súng và “bắn” người bạn đang ngủ của mình. Sau khi Allen đưa “kẻ giết người” ra khỏi trạng thái thôi miên, cô ta không nhớ gì về sự kiện này.

Thật sự đáng lo ngại khi tâm trí của chúng ta có thể được sử dụng ngoài ý muốn, buộc phải thực hiện một công việc tồi tệ. Nhưng điều này có thực sự xảy ra? 

Theo TS Richard Kluft, Giáo sư lâm sàng về tâm thần học tại Đại học Temple, nguyên Chủ tịch Hiệp hội Thôi miên Lâm sàng và Thực nghiệm, có rất nhiều thông tin chưa được phân loại cho thấy, các cơ quan an ninh của chính phủ Hoa Kỳ đã nghiên cứu ý tưởng sử dụng các kỹ thuật kiểm soát tâm trí, thôi miên để tạo ra “sát thủ thôi miên” và “người đưa tin thôi miên”, mặc dù người ta chưa biết phạm vi của nghiên cứu này và nó có thực sự thành công hay không. 

Sirhan Bishara Sirhan phải nhận án tù chung thân.
Sirhan Bishara Sirhan phải nhận án tù chung thân. 

Kẻ ám sát có bị thôi miên? 

Thượng nghị sĩ Robert Francis “Bobby” Kennedy (1925 - 1968) là em của John F. Kennedy, Tổng thống thứ 35 của Mỹ, người bị ám sát chết năm 1963. Thời điểm bị sát hại, Robert Kennedy có triển vọng trở thành ứng cử viên Tổng thống của đảng Dân chủ trong cuộc bầu cử năm 1968. 

Đây có phải là những gì đã xảy ra với Sirhan? Có phải anh ta bị thôi miên để bắn TNS Kennedy hay là kẻ thế mạng cho một sát thủ khác? TS Daniel Brown, Phó Giáo sư Tâm lý học Lâm sàng tại Trường Y, ĐH Harvard, người được thuê bởi luật sư William F. Pepper của Sirhan, đã gặp Sirhan trong tù vào năm 2008. Qua đó, ông đã khám phá một số chi tiết đáng lo ngại, cho thấy “sát thủ thôi miên” có khả năng là thật. 

Trong các buổi làm việc với Sirhan, ông đã thực hiện biện pháp thôi miên phạm nhân để cố gắng tìm lại mọi ký ức bị kìm nén có thể còn lẩn khuất trong tâm trí anh ta.

Bên cạnh việc đưa ra nhận định “Sirhan là một trong những người dễ bị thôi miên nhất mà tôi từng gặp”, ông còn cho rằng, anh ta dường như rơi vào một trạng thái kỳ lạ, tin rằng mình đang bắn vào các mục tiêu ở một trường bắn, chứ không phải vào người. 

Trong một buổi bị thôi miên, Sirhan nhớ lại đã nói chuyện với một cô gái mặc váy chấm bi và bị gõ nhẹ vào khuỷu tay trước khi bị màn đen bao phủ và mất trí nhớ về những gì xảy ra tiếp theo. Brown cho rằng, người phụ nữ bí ẩn trong chiếc váy chấm bi đã kích hoạt mệnh lệnh, điều khiển Sirhan thực hiện hành vi giết người.

Cô không đơn thuần trong tưởng tượng của Sirhan, một số nhân chứng khác cho biết đã nhìn thấy cô ta nói chuyện với hắn, và nhiều người đã nhìn thấy cô ta chạy khỏi hiện trường vụ án và la hét, “Chúng tôi đã bắn Kennedy!”. 

Thuyết âm mưu càng trở nên thuyết phục hơn, khi có bằng chứng cho thấy khả năng có nhiều hơn một tay súng, hơn 10 viên đạn đã được bắn ra, trong khi khẩu súng của Sirhan chỉ có 8 viên.

Đối với những người ủng hộ lý thuyết thôi miên, Sirhan chỉ được lập trình để bắn súng và thu hút sự chú ý về bản thân để kẻ sát nhân thực sự cao chạy xa bay. Sirhan có phải là vật tế thần được lập trình bằng công nghệ kiểm soát tâm trí để biến thành kẻ sát nhân? Nếu có, thì ai đứng đằng sau vụ mưu sát này? Mọi chuyện vẫn còn trong vòng bí ẩn.

Theo Mysteriousuniverse

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Lễ kết nạp đảng viên đối với anh Nguyễn Cảnh Cường (bìa trái) - Giám đốc thú y cụm trang trại 2 kiêm chuyên gia thú y của Dự án chăn nuôi bò sữa TH ở Nga.

Phía sau những ly sữa tươi sạch

GD&TĐ - Một trong những yếu tố căn bản phía sau làm nên thương hiệu sữa tươi TH chính là kinh nghiệm trong công tác xây dựng Đảng của Đảng bộ Công ty.