Hơn 3,2 triệu người chết vì Covid-19 toàn cầu, số ca mới mỗi ngày ở Ấn Độ có thể lên 500.000

GD&TĐ - Theo trang Worldometer, thế giới có tổng ca mắc Covid-19 là 155.811.178 ca, trong đó 832.292 ca mới. Tổng số ca tử vong là 3.254.809 ca, gồm 14.088 ca mới.

Thân nhân của một người chết vì COVID-19 than khóc bên ngoài bệnh viện dã chiến ở Mumbai, Ấn Độ,
Thân nhân của một người chết vì COVID-19 than khóc bên ngoài bệnh viện dã chiến ở Mumbai, Ấn Độ,

Tại Ấn Độ, hôm qua nhà chức trách ghi nhận số ca tử vong vì Covid-19 cao nhất trong ngày với 3.780 ca, đưa tổng số người chết vì đại dịch lên tới 226.188 người. Trong khi đó 382.315 ca mới được ghi nhận, đưa tổng số ca mắc lên 20.665.148 ca.

Số ca mắc hàng ngày ở Ấn Độ vượt 300.000 trong 2 tuần liên tiếp trong khi vắc xin bị thiếu cùng với hệ thống y tế tiếp tục quá tải. Thống đốc Ngân hàng dự trữ Ấn Độ Shaktikanta Das đã công bố các khoản vay 6,7 tỉ USD với lãi suất thấp cho các nhà sản xuất vắc xin, bệnh viện và các công ty y tế khác để khắc phục tình trạng thiếu thốn hiện nay.

Các chuyên gia cảnh báo số ca mắc ở Ấn Độ sẽ tiếp tục tăng cho tới cuối tháng 5 và có thể lên tới 500.000 ca mắc mới mỗi ngày. Tổ chức Y tế Thế giới WHO cho biết Ấn Độ chiếm 46% số ca mắc Covid-19 mới của thế giới và 1/4 số ca tử vong toàn cầu vì đại dịch này.

Tại Singapore, nhà chức trách cho biết các rạp chiếu phim, nhà thờ Hồi giáo sẽ giới hạn số lượng người tham dự ở mức 100 người nhằm đáp ứng các yêu cầu chống dịch mới và không phải thực hiện xét nghiệm trước sự kiện. Động thái này được đưa ra sau khi Bộ Y tế công bố một số biện pháp ngăn chặn sự gia tăng gần đây của các ca nhiễm Covid trong cộng đồng. Số ca mắc ở Singapore hiện là 61.268 ca, gồm 208 ca mới và số ca tử vong liên quan là 800 người.

Tại Campuchia, hôm qua Bộ Y tế công bố 938 ca mắc trong 24 giờ - cao nhất từ trước đến nay, nâng tổng số ca mắc lên lên 16.299 ca. Bộ này đã đưa ra yêu cầu người dân ở 3 tỉnh Kampong Speu, Takeo và Kampong Cham phải đeo khẩu trang mọi lúc ở nơi công cộng sau khi có số ca mắc Covid-19 mới. Bên cạnh đó, việc giãn cách xã hội cũng phải được tuân thủ nghiêm ngặt.

WHO và Đức cho biết một trung tâm giám sát toàn cầu nhằm phát hiện các mối đe dọa của đại dịch trong tương lai sẽ được thành lập tại Berlin. Nhấn mạnh rằng những thách thức như Covid-19 không thể được giải quyết bởi một quốc gia duy nhất, WHO cho biết trung tâm này sẽ nhanh chóng phân tích dữ liệu liên quan để dự đoán, phòng ngừa, chuẩn bị và ứng phó với các rủi ro trên toàn thế giới. Đức đồng ý tài trợ 36 triệu USD cho trung tâm này.

Theo CNA/Worldometer

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ