Thế giới sẽ ra sao nếu không có muỗi?

GD&TĐ - Muỗi là loài động vật nhỏ bé, yếu ớt, dễ bị nghiền nát nhưng lại có khả năng tàn phá khủng khiếp.

Nhiều loài muỗi giúp cây thụ phấn.
Nhiều loài muỗi giúp cây thụ phấn.

Liệu loài muỗi có nên tồn tại trong khi chúng ngày càng lây nhiễm những căn bệnh nguy hiểm cho con người?

Mắt xích trong hệ sinh thái

Vào cuối tháng 8, người dân Oxford, bang Massachusetts (Mỹ), được đề nghị tuân thủ lệnh giới nghiêm buổi tối do sự xuất hiện của virus viêm não ngựa phương Đông (EEE) lây lan từ muỗi sang người. Một số người mắc bệnh đã tử vong. Chính quyền bang đã đóng cửa công viên công cộng, phun thuốc chống muỗi để kiểm soát sự lây lan của virus.

Người nhiễm virus EEE có triệu chứng giống cúm như sốt, ớn lạnh, đau cơ, nôn mửa, tiêu chảy, co giật. Virus này có thể gây ra các bệnh thần kinh nghiêm trọng như viêm não, viêm mô tủy sống. Tỷ lệ tử vong nếu nhiễm virus EEE là 30%. Dù sống sót, người bệnh cũng bị ảnh hưởng về thể chất hoặc tinh thần suốt đời. Hiện chưa có vắc-xin điều trị.

Các căn bệnh truyền nhiễm, lây lan qua muỗi, ngày càng trở nên nguy hiểm và khiến người ta đặt câu hỏi: Sẽ thế nào nếu tất cả loài muỗi biến mất? Liệu điều này có để lại hậu quả gì cho hệ sinh thái hay cho con người hay không?

Bà Ann Froschauer, chuyên gia Cục Cá và Động vật hoang dã Mỹ, nhận định: “Việc tiêu diệt toàn bộ loài muỗi có thể gây ra hậu quả mà chúng ta không thể lường trước. Vấn đề lớn nhất là chúng ta không hiểu rõ vị trí, vai trò của muỗi trong chuỗi thức ăn, mặc dù có khoảng 3,5 nghìn loài muỗi trên Trái đất”.

Nhiều nghiên cứu đã làm sáng tỏ mạng lưới thức ăn của các loài động vật có vú lớn hơn như sư tử hoặc báo. Bởi lẽ, với kích thước to lớn, chúng dễ quan sát hơn, trong khi muỗi có kích thước nhỏ bé, thường sinh sản trong các vũng nước tạm.

Điều chúng ta biết là muỗi, bất kể tuổi tác, giới tính, đều là nguồn thức ăn cho nhiều loài sinh vật như cá, rùa, chuồn chuồn, chim di cư và dơi. Hiện tại, chưa có thống kê về những loài động vật chỉ ăn muỗi nhưng ngoài tự nhiên có rất nhiều muỗi và chúng rất dễ săn. Vì vậy, chúng là nguồn thức ăn của nhiều loài động vật.

Bọ gậy, ấu trùng của muỗi, sống trong nước và là thức ăn yêu thích của nhiều loài cá. Ngoài ra, muỗi phần lớn sống trong các đầm lầy, ao hồ, vùng nước đọng, khu vực ẩm ướt nên chúng cũng là nguồn thức ăn cho ếch, chuồn chuồn, kiến, nhện, tắc kè, dơi...

Nếu tất cả muỗi biến mất, nhiều loài động vật sẽ bị giảm nguồn thức ăn, từ đó, tạo ra hiệu ứng gợn sóng làm giảm số lượng nhiều loài côn trùng, cá và chim nằm ở mắt xích cao hơn trong chuỗi thức ăn.

Hơn nữa, một số loài muỗi chỉ ăn mật hoa nên chúng trở thành loài thụ phấn chính cho các loại thực vật, trong đó có hoa lan. Muỗi tạo cơ hội cho cây lan rộng và phát triển ở nhiều nơi khác nhau. Chúng có thể không làm tốt như ong nhưng chắc chắn quan trọng với một số loài cây.

the gioi se ra sao neu khong co muoi.jpeg
Muỗi là vật trung gian gây nhiều bệnh nguy hiểm ở người.

Trung gian lây truyền bệnh

Tuy nhiên, nếu muỗi tuyệt chủng sẽ mang lại nhiều lợi ích cho hệ thống sức khỏe toàn cầu. Muỗi là nguyên nhân khiến hơn 700 nghìn người trên thế giới tử vong mỗi năm. Chúng là vật trung gian chính gây ra bệnh sốt rét. Vì vậy, nếu chúng tuyệt chủng, chắc chắn bệnh sốt rét cũng sẽ biến mất. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), hơn 600 nghìn người đã chết vì sốt rét vào năm 2022.

Muỗi cũng truyền virus sốt xuất huyết, căn bệnh cướp đi sinh mạng của 21 nghìn người mỗi năm, hay như sốt vàng da, căn bệnh gây ra 30 nghìn ca tử vong mỗi năm. Dù vậy, nếu loài muỗi biến mất sẽ gây mất cân bằng hệ sinh thái.

Loài người có thể không nhất thiết phải diệt trừ muỗi để đảo ngược tình trạng lây nhiễm bệnh tật. Trong những năm gần đây, các nhà nghiên cứu đã có những bước đột phá đầy hứa hẹn để ngăn ngừa lây nhiễm bằng cách khử trùng muỗi bằng bức xạ hoặc chỉnh sửa bộ gen của muỗi bằng công nghệ CRISPR.

Đơn cử, năm 2016, Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) sẽ sử dụng thiết bị chiếu tia gamma giống như một máy chiếu bức xạ để khống chế muỗi tại Brazil. Cụ thể, cơ quan này sẽ gây giống khoảng 12 triệu con muỗi đực trong một tuần, sau đó triệt sản chúng bằng máy chiếu bức xạ cobalt - 60. Số muỗi đực vô sinh này sẽ được thả vào các khu vực đã được xác định để giao phối với muỗi cái. Sau đó, số muỗi cái này sẽ đẻ trứng nhưng không có con.

Hơn nữa, rất khó tiêu diệt toàn bộ loài muỗi. Các nhà khoa học không chắc chắn điều gì sẽ xảy ra khi tất cả muỗi trên Trái đất không tồn tại. Vì vậy, việc chỉnh sửa gen cho loài muỗi vẫn được ưu tiên hơn cả.

Cần lưu ý không phải tất cả các loài muỗi đều gây bệnh truyền nhiễm. Ông Michael Hutchinson, nhà côn trùng học thuộc Bộ Nông nghiệp Pennsylvania, Mỹ, cho biết: “Có một số loài muỗi sống ở vùng đất ngập nước là thức ăn chủ yếu của ếch và các loài lưỡng cư khác. Chúng ta có thể ngồi trong vùng đất ngập nước mà không hề bị chúng đốt”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ