Tuy nhiên, ngay cả khi những tin tức tích cực mới nhất về một loại vaccine được công bố, trong đó có ứng cử viên vaccine Moderna cho thấy nó tạo ra khả năng miễn dịch trong ít nhất 3 tháng, một số quốc gia đã ghi nhận những kỷ lục mới về Covid-19.
Italy ghi nhận 993 ca tử vong, vượt kỷ lục trước đó trong năm là 969 khi quốc gia đầu tiên ở châu Âu này bị ảnh hưởng bởi đại dịch.
Iran, quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất Trung Đông, đã vượt qua mức một triệu ca mắc ngay cả khi chính quyền xem xét nới lỏng các hạn chế, trong khi đó Anh ghi nhận 60.000 ca tử vong.
Quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất thế giới là Mỹ đã ghi nhận số ca tử vong hàng ngày cao nhất là 2.731 người kể từ tháng 3, khi số bệnh nhân Covid-19 nhập viện đã vượt con số 100.000 lần đầu tiên. Giám đốc Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Mỹ cảnh báo rằng thời điểm khó khăn sẽ ở tháng 1 và tháng 2 tới và số người chết khi đó có thể lên tới 450.000 người.
Cuộc đua vaccine
Đại dịch cho thấy có rất ít dấu hiệu thể hiện nó đang chậm lại khi có hơn 10.000 ca tử vong mới được ghi nhận trên toàn thế giới mỗi ngày kể từ 24/11 - một tỷ lệ chưa từng đạt tới trước đây, theo thống kê của hãng tin AFP.
Khi thế giới mệt mỏi với những hạn chế khiến kinh tế tê liệt, sự chú ý đã chuyển sang một cuộc đua tìm vaccine.
Hôm 2/12, Anh đã trở thành quốc gia phương Tây đầu tiên phê duyệt vaccine Covid-19 để sử dụng cho cộng đồng, gây áp lực cho các quốc gia khác trong việc mau chóng làm theo. Tuy nhiên, nhà khoa học hàng đầu về bệnh truyền nhiễm của Mỹ Anthony Fauci cho biết Anh đã “vội vàng” trong quá trình phê duyệt của mình. “Công bằng mà nói với rất nhiều người bạn ở Anh của tôi, họ đã chạy quanh góc của một cuộc đua marathon và tham gia nó ở chặng cuối cùng” – ông nói với hãng tin CBS.
Cũng vào hôm qua, một nghiên cứu cho thấy vaccine Moderna, gần đây đã được chứng minh có hiệu quả 94%, khiến hệ thống miễn dịch tạo ra các kháng thể mạnh tồn tại trong ít nhất 3 tháng.
Với dự đoán về các loại vaccine như vậy sẽ được chấp thuận, Pháp đã thông báo vaccine của mình sẽ được cấp miễn phí và bắt đầu được sử dụng vào tháng 1 tại các nhà hưu trí, tháng 2 sẽ dùng cho 14 triệu người có nguy cơ và phần còn lại của dân số sẽ được tiêm vào mùa xuân. Pháp cũng đang thương tiếc nhân vật cấp cao mới nhất của họ không chống lại được virus corona là cựu TT Valery Giscard d’Estaing khi ông qua đời ở tuổi 94.
Chính phủ Bỉ cho biết họ dự định tiêm vaccine cho những người dễ bị tổn thương nhất vào tháng giêng.
Vaccine không thể đảo ngược được tổn thất
Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres cảnh báo rằng ngay cả khi vaccine nhanh chóng được phê duyệt, thế giới vẫn phải chống chọi với dư chấn của đại dịch. Trong một hội nghị thượng đỉnh đặc biệt về Covid-19, ông nói rằng mọi người “đừng tự lừa mình”.
Ông Guterres nhắc lại lời kêu gọi của mình rằng vaccine được coi là “hàng hóa công cộng toàn cầu” được chia sẻ khắp thế giới.
Hơn 180 quốc gia đã tham gia Covax - một sáng kiến hợp tác toàn cầu của WHO nhằm làm việc với các nhà sản xuất để phân phối vaccine một cách công bằng.
Tuy nhiên, Nam Phi, quốc gia bị ảnh hưởng nặng nhất châu lục, đã bỏ lỡ thời hạn thanh toán Covax ban đầu - truyền thông địa phương cho biết hôm qua.
Ngay cả khi giả sử đã có vaccine thành công, nhiều quốc gia đang chuẩn bị cho cuộc chiến tiếp theo: thuyết phục những người còn hoài nghi rằng họ nên tiêm chủng. Các cựu TT Mỹ như Barack Obama, Georgie W Bush và Bill Clinton đã tình nguyện chụp một loại vaccine trước ống kính nếu nó giúp nâng cao lòng tin của công chúng.