Một số nước chi tiêu nhiều nhất cho quân sự là Mỹ, Trung Quốc và Ấn Độ. Trong khi đó chi tiêu của Nga lại giảm xuống.
“Sự gia tăng chi tiêu của Mỹ do thực hiện các chương trình mua sắm vũ khí từ năm 2017 dưới chính quyền của TT Trump” – Aude Fleurant – giám đốc chương trình Chi tiêu vũ khí (AMEX) của SIPRI cho biết trong một tuyên bố hôm qua (29/4). Chi tiêu quốc phòng của Mỹ đã tăng 4,6% năm 2018 so với năm trước đó.
AMEX nhấn mạnh rằng các số liệu toàn cầu về chi tiêu quốc phòng đáng tin cậy này chỉ mới có từ năm 1988 và năm ngoái là năm ghi nhận mức chi tiêu cao nhất.
Chi tiêu cho quân sự của Trung Quốc tiếp tục tăng lên, năm 2018 được cho là năm thứ 24 liên tiếp ngân sách quốc phòng của Bắc Kinh tăng lên và nước này đã đứng thứ 2 trên thế giới. Cùng với Mỹ, Trung Quốc chiếm gần một nửa chi tiêu quân sự toàn cầu.
Việc hiện đại hóa quân đội của Ấn Độ đã đưa nước này đứng vị trí số 4. Năm 2018, chi tiêu quốc phòng Nga giảm 3,5% so với năm 2017 và đứng ở vị trí thứ 6.
Chi tiêu quốc phòng ở Đông Âu cũng tăng lên, do “nhận thức về mối đe dọa ngày càng tăng từ Nga” – nhà nghiên cứu Pieter Wezeman của SIPRI cho biết.
Chi tiêu quốc phòng của Ba Lan tăng 9%, Ukraine tăng 21%, trong khi đó Bulgaria, Latvia, Litva và Romania, mỗi nước lần lượt tăng từ 18% đến 24%. Ngân sách quốc phòng của Thổ Nhĩ Kỳ tăng 24%, lớn nhất trong số 15 nước chi tiêu hàng đầu của Đông Âu. Tất cả các nước này đều là thành viên của NATO.
Trên toàn thế giới, chi tiêu quốc phòng trên đầu người là 239 USD.