Thầy và trò cùng đổi mới phương pháp dạy - học

Thầy và trò cùng đổi mới phương pháp dạy - học

(GD&TĐ) - Có lẽ không phải chờ đến lúc những cảnh báo của Đoàn khảo sát thuộc Viện Hàn lâm Quốc gia Hoa Kỳ đại loại như: phương pháp dạy không hiệu quả, quá nhấn mạnh vào ghi nhớ kiến thức theo kiểu thuộc lòng, sinh viên học một cách thụ động... thì chúng ta mới nhận ra những tồn tại trong cách dạy - học ở các trường đại học của nước ta. Cách dạy - học khô khan, thụ động vẫn đang tồn tại phổ biến ở nhiều trường Đại học.

Trong lúc chờ những chiến lược vĩ mô, giải pháp đột phá... để có được những thay đổi toàn diện, thực chất về cách dạy - học hiện nay, chúng ta: người dạy - thầy, người học - trò hãy tự nhìn nhận và đánh giá lại cách dạy - học của mình. Và trở lời cho câu hỏi: chúng ta đã có sự thay đổi nào chưa?

Thầy “học”... đổi mới!

Nhà giáo được xem là nhân tố quan trọng trong đổi mới giáo dục. Đổi mới giáo dục trong việc nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên, đổi mới chương trình, giáo trình… đòi hỏi một quá trình lâu dài và có hệ thống, thì đổi mới phương pháp dạy, đánh giá chất lượng.. không còn lý do gì để trì hoãn nữa. Ở đây, điều kiện cần đó là sự quyết tâm và nhu cầu đổi mới nội tại ở mỗi người Thầy.

Quá trình đổi mới phương pháp dạy - học đang gặp trở ngại lớn bởi những lề lối, phương pháp cũ, lạc hậu... đã hằn sâu trong tâm trí, thực tiễn giảng dạy hàng chục năm…của nhiều giáo viên. Sức ỳ, tâm lý ngại thay đổi những giá trị hiện tại (đôi khi là những thói quen được lặp đi lặp lại nhiều lần), vô tình đã khiến nhiều giáo viên không có hoặc “quên” nhu cầu tự đổi mới! Đổi mới ở đây phải hiểu theo nghĩa đối lập với “dạy”, đó phải là “học”, phải “học” thực sự mới có đổi mới.

Chúng ta nói đến triết lý giáo dục mới đó là - tự học. Nhưng không thể có xã hội tự học nếu cách dạy, cách truyền đạt kiến thức, yêu cầu, đánh giá chất lượng theo kiểu rập khuôn, bị động. Không ít những giáo viên vẫn còn những yêu cầu cũ rích như: sinh viên phải có vở ghi, phải chép bài đầy đủ. Bên cạnh đó, việc “biến tấu” hình thức cách đánh giá từ bài tập “nhỏ”, bài kiểm tra... thành bài tập “lớn”, tiêu luận... cũng đặt ra nhiều vấn đề. Với cách tiếp cận và yêu cầu nội dung “quen thuộc” kiểu như nêu khái niệm, trình bày nội dung... đã gián tiếp nâng cao khả năng “cóp, xào, dán” và đạo văn trong sinh viên tăng lên. Thời gian ôn tập, trao đổi những vấn đề còn tồn tại cuối mỗi môn học lại chủ yếu dành cho việc giới hạn câu hỏi theo kiểu “câu hỏi bỏ túi” - học thuộc là OK!

Do đó, hơn ai hết những giáo viên đang hàng ngày đứng trên bục giảng cần phải thấy trách nhiệm của mình và hãy tự đổi mới. Chính sự đổi mới bắt nguồn từ các thầy, các cô -  mà bao thế hệ học trò luôn ngưỡng mộ, sẽ khơi dậy sự đổi mới, sáng tạo và hứng thú ở người học.

ảnh mang tính minh họa
 ảnh mang tính minh họa

Trò “học”... phản biện!

Khi thiết kế khung chương trình chi tiết cho các môn học, bao gồm nội dung, thời gian… hầu như người ta chỉ mới tính đến hoạt động của giáo viên (có chăng đó là thời gian để người học…trả lời câu hỏi - nếu có). Vai trò, không gian, thời gian hoạt động của người học đang bị lãng quên. Do đó rất khó để hiện thực hóa triết lý: Người học là trung tâm.

Khi đề cập đến vần đề này nhiều giáo viên cho rằng sẽ không đủ thời gian để truyền đạt hết kiến thức mà môn học, giờ học đề ra nếu còn “khoảng trống” cho người học. Tuy nhiên, kiến thức mà giáo viên (trừ những công trình nghiên cứu độc lập của giáo viên) giảng dạy hằng ngày người học có thể đọc được trong bài giảng hoặc các tài liệu tham khảo hiện có. Do đó, giáo viên không nhất thiết phải cố mà giảng hết khối kiến thức đó.

Một đồng nghiệp nữ đã kể lại một câu chuyện diễn ra trong giờ dạy triết học của cô khiến tôi bật cười và suy nghĩ. Câu chuyện bắt đầu từ việc cô chuyển từ phấn trắng bảng đen sang dạy bằng máy chiếu, mấy buổi đầu cô phát hiện sinh viên chăm chú hơn (tốt), ít nói chuyện hơn (quá tốt), nhưng sinh viên lại có vẽ suy tư(?). Và buổi học sau khi cô bước chân vào lớp, thiết bị “chiếu” đã được sinh viên xếp ngay ngắn vào... hộc bàn, lớp trưởng từ tốn, khẩn thiết: cô dạy bằng máy, tụi e chép không kịp, tụi e không có kiến thức mà kiểm tra!

Sự chủ động và vai trò của người học chỉ được nâng cao khi giáo viên không xem người học là đối tượng chỉ có nhiệm vụ tiếp thu, mà phải xem hoạt động học là hoạt động vừa có tiếp thu vừa có phản biện và thảo luận. Phải đề cao vai trò người học là người đánh giá nội dung bài giảng của giáo viên, qua đó nãy sinh những “nghi ngờ”, trao đổi, thảo luận… khiến giờ học sinh động và hiệu quả hơn. Thầy và trò sẽ bị cuốn vào cái hay và khiếm khuyết của khoa học và của từng vấn đề cụ thể.

Lời kết: Chúng ta vẫn thường nói với nhau rằng: không có phương pháp nào là “vạn năng”, chỉ có cái tâm và nhiệt huyết của người thầy là “liều thuốc” hữu hiệu để thực hiện các phương pháp dạy học hiệu quả. Nhưng cái tâm, sự nhiệt huyết của người thầy không thể là cái gì đó... chung chung, mà phải là cái cụ thể - những giờ dạy - học hiệu quả và lôi cuốn. Không có phương pháp nào “vặn năng” nhưng những phương pháp dạy - học thụ động như đọc chép (hay “chiếu” chép)...thì cần mạnh dạn từ bỏ. 

Nguyễn Xuân Cường

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Rosemarie Dehesa thường đăng video về việc cô ăn nhiều loại thực phẩm. Ảnh: Rosemarie Martin Dehesa/CNN

Lo ngại trước xu hướng mukbang

GD&TĐ - Từ 'mukbang' bắt nguồn từ sự kết hợp của các từ tiếng Hàn 'meokda', có nghĩa là ăn, và 'bangsong', có nghĩa là phát sóng.