Thầy, trò yên tâm với đề thi tham khảo

GD&TĐ - Sau khi Bộ GD&ĐT công bố bộ đề thi tham khảo THPT quốc gia năm 2017, thầy trò các trường THPT đã tập trung nghiên cứu để có hướng ôn tập phù hợp nhất. Theo đánh giá của nhiều giáo viên, hiện thầy trò đã yên tâm vì đề thi tham khảo là tài liệu căn bản nhất để các trường dựa vào đó ôn tập cho học sinh…

Thầy, trò yên tâm với đề thi tham khảo

Ông Ninh Thành Viên - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Kiên Giang: “Đề thi tham khảo là tài liệu căn bản nhất để thầy, trò ôn tập”

Để chuẩn bị cho Kỳ thi THPT quốc gia năm 2017, ngành Giáo dục Kiên Giang đã có bước chuẩn bị cho thầy, trò từ rất sớm. Trong đó chú ý triển khai tốt việc dạy, học, tuyên truyền, đảm bảo chương trình và bám sát vào các đề thi tham khảo.

Qua các đợt công bố đề thi tham khảo, thầy trò các trường đều nghiêm túc triển khai giải đề, đánh giá và rút kinh nghiệm. Sau đó là tập trung vào công tác dạy, học, ôn tập theo những nội dung định hướng của đề thi và của Bộ GD&ĐT.

Bộ GD&ĐT công bố đề thi tham khảo vào thời điểm này là rất thuận lợi, thầy trò hay tin rất vui mừng. Do năm nay kỳ thi có nhiều thay đổi, đặc biệt là thay đổi ở các môn thi nên Bộ công bố sớm dạng đề thi tham khảo giúp thầy cô và học sinh yên tâm hơn. Từ đó sẽ có cách dạy, cách học phù hợp nhất để giúp học trò thi đạt kết quả.

Trên cơ sở tiếp cận các đề thi minh họa trước đây và định hướng ôn tập, nay có bộ đề thi tham khảo thì thầy trò sẽ tập trung vào những định hướng mà đề yêu cầu.

Do có bước chuẩn bị từ sớm, ôn tập đảm bảo theo chương trình nên theo ghi nhận của chúng tôi, khi Bộ công bố đề thi tham khảo thì thầy trò ở Kiên Giang không bất ngờ.

Dự kiến các em học sinh lớp 12 sẽ được thi thử trên cơ sở đề thi tham khảo sau ngày 20/5. Qua việc thi này, các trường sẽ tiến hành đánh giá năng lực của học sinh lớp 12 và xem xét kết quả thi của các em để có kế hoạch ôn tập giai đoạn nước rút.

Qua nghiên cứu, đề thi tham khảo vừa được công bố vẫn bám sát chương trình lớp 12 như đã định hướng. Đặc biệt, các đề thi nhấn mạnh hơn yêu cầu học sinh phải vận dụng tư duy chứ không đơn thuần học thuộc lòng.

Đồng thời, độ phân hóa của đề giữa học sinh trung bình, khá và giỏi cũng thể hiện rõ. Tính phân hóa như vậy để đáp ứng hai mục tiêu, vừa xét tốt nghiệp phổ thông vừa để xét tuyển đại học. Với cách ra đề khoa học này sẽ giúp cho các trường đại học có thể tuyển những thí sinh giỏi, đáp ứng yêu cầu đầu vào…

Ví dụ ở các môn thi đều có phần câu hỏi dạng suy luận, phải tư duy, đòi hỏi học sinh phải biết kiến thức thực tiễn. Những câu hỏi dạng này không phải để phân loại khá giỏi mà chủ yếu kiến thức không nằm trong sách vở hay học thuộc lòng mà yêu cầu tính tư duy phải cao.

Chúng tôi có lời khuyên đến thầy cô giáo và các em học sinh rằng: Đề thi tham khảo là tài liệu căn bản nhất để các trường dựa vào đó ôn tập cho học sinh. Thầy trò cần bình tĩnh, tự tin, ôn tập thật tốt để đạt kết quả cao trong kỳ thi sắp tới.

Thầy Võ Đức Chỉnh - Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Việt Hồng (TP Cần Thơ): “Thầy trò rất vui”

Đó là chia sẻ của thầy Võ Đức Chỉnh khi được hỏi về đề thi tham khảo vừa được Bộ GD&ĐT công bố.

Sau khi có trong tay đề thi tham khảo, những giáo viên đang giảng dạy lớp 12 và các em HS đã thở phào nhẹ nhõm. Theo nhiều giáo viên và học sinh cho biết, đề thi không quá khó, lượng kiến thức vừa sức và tính phân loại cao. Đề đã bám sát chương trình chủ yếu ở lớp 12 và theo định hướng như Bộ đã hướng dẫn từ trước.

Sau khi xem các đề thi, chúng tôi đánh giá dạng cấu trúc đề theo mức độ từ dễ đến khó, trong đó có những câu vừa sức để thí sinh kiếm điểm xét tốt nghiệp THPT.

Càng về sau, những câu hỏi càng tăng độ khó để phân loại thí sinh, đặc biệt là những câu hỏi liên hệ thực tế hoặc phải hiểu bài, có thực hành, thí nghiệm mới làm được.

Đề thi môn Tiếng Anh học sinh cho rằng hơi khó, nhất là ở phần bài đọc hiểu với nhiều tình huống và có nhiều từ mới. Bài này học sinh học trung bình, học yếu khó có thể đạt điểm trung bình.

Ở môn Sử nhiều em học sinh cho rằng các em rất vui vì đề yêu cầu chủ yếu là hiểu bài chứ không bắt học thuộc lòng số liệu, ngày, tháng và sự kiện.

Môn Địa cũng vậy, học sinh có thể dựa vào Atlat để giải đề và kiếm điểm. Riêng môn Giáo dục công dân yêu cầu thí sinh phải hiểu vấn đề một cách chắc chắn và có kiến thức vững ở nhiều lĩnh vực mới hoàn thành tốt…

Năm nay, Bộ GD&ĐT công bố đề thi tham khảo sớm giúp ích thầy trò rất nhiều, tránh tình trạng vừa ôn thi vừa lo lắng không biết cấu trúc đề ra sao.

Với dạng đề thi Bộ vừa công bố, thầy trò nhà trường sẽ tập trung nghiên cứu đề thật kỹ để có hướng ôn tập phù hợp… Chúng tôi hy vọng đề thi chính thức năm nay sẽ tiếp tục phát huy những ưu điểm của đề thi các năm trước.

So với hai lần công bố trước đó, bộ đề thi tham khảo lần này của Bộ GD&ĐT sát nhất với đề thi chính thức. Kỳ thi đang đến gần, việc công bố đề tham khảo sẽ giúp các giáo viên dạy khối 12 có thêm rất nhiều gợi ý về hướng xây dựng, biên soạn các đề ôn luyện.

Đây cũng là một căn cứ để khẳng định rằng, cần phải nỗ lực ôn tập tốt, học sinh không thể học tủ, học vẹt lại càng không thể ghi nhớ kiến thức một cách máy móc để kiếm điểm…

Em Nguyễn Văn Huy - HS Trường THPT Tân Hồng (Đồng Tháp): “Yên tâm vì đã có đề thi tham khảo”

Em và các bạn cùng trường đang vào giai đoạn ôn thi “nước rút” để chuẩn bị cho Kỳ thi THPT quốc gia sắp tới. Mặc dù đã được nhà trường, thầy cô tận tình giảng dạy, khuyến khích, động viên nhưng em và các bạn cũng có phần lo lắng khi chưa biết dạng đề thi năm nay ra sao. Đặc biệt là cấu trúc đề thi năm nay có nhiều thay đổi so với các năm trước.

Sau khi hay tin Bộ GD&ĐT công bố đề thi tham khảo vào chiều 14/5, em và các bạn liền mở mạng ra xem và tiến hành giải đề thử. Em và các bạn đánh giá chung đề thi tham khảo bám sát chương trình lớp 12, lượng kiến thức được phân bổ rộng trong suốt chương trình học.

Dạng đề thi này đòi hỏi học sinh phải học đều và nắm chắc kiến thức; chuyện học đoán mò, học tủ thì không thể hoàn thành bài thi được.

Em chọn thi theo tổ hợp môn Khoa học tự nhiên nên đề thi tham khảo tổ hợp này em rất quan tâm. Ở môn Hóa, đề thi có nội dung phần lớn gói gọn ở kiến thức lớp 12, cũng có một chút liên đới đến kiến thức lớp 11. Đ

ề có 24 câu về cơ bản, trong đó có 7 bài tính toán. Phần câu còn lại nâng cao cũng có 7 bài tập tính toán, nếu học sinh khá có thể giải quyết thêm 6 câu ở phần này và khả năng lấy được điểm 7,5.

Đối với các học sinh giỏi làm bài tốt có thể đạt 9 điểm. Độ phân hóa đề rõ rệt, nếu học sinh trung bình muốn đạt 6 điểm trọn vẹn thì phải nắm vững kiến thức một chút.

Ở môn Vật lý, đề thi tham khảo có độ phân hoá rõ rệt theo 3 mức độ. Học sinh trung bình khá nếu bám sách giáo khoa có thể dễ dàng đạt mức 6,5 điểm; từ câu 25 - 35 dành cho học sinh khá giỏi cũng có thể đạt 7 - 8 điểm. Những phần kiến thức còn lại là “cực khó” và chỉ những học sinh học giỏi Lý thực sự mới có thể giải được để đạt 9 - 10 điểm.

Riêng môn Sinh đề hơi khó, đề thi có ít câu cơ bản để thí sinh kiếm điểm trung bình để công nhận tốt nghiệp. Qua nghiên cứu đề thi, em thấy những câu cơ bản trong đề thi môn Sinh cũng không dễ, tức là phải suy nghĩ, tính toán rồi mới chọn đáp án đúng được.

Sau khi Bộ GD&ĐT công bố đề thi tham khảo, em và các bạn cảm thấy yên tâm hơn và đang tập trung ôn tập thật tốt để vượt qua kỳ thi sắp tới.

Em mong muốn dạng cấu trúc đề thi chính thức sẽ giống với đề thi này; sẽ tiếp tục có những câu hỏi hay, yêu cầu thí sinh vận dụng để giải quyết chứ không phải học thuộc lòng là làm được.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ