Thầy trò xứ Nghệ căng mình vượt qua bão lũ

GD&TĐ - Mưa lũ liên tục những ngày qua khiến hàng trăm trường học trên địa bàn tỉnh Nghệ An thiệt hại nặng nề.

Điểm trường mầm non và tiểu học bản Hòa Sơn, xã Tà Cạ, huyện Kỳ Sơn, Nghệ An ngập trong nước lũ.
Điểm trường mầm non và tiểu học bản Hòa Sơn, xã Tà Cạ, huyện Kỳ Sơn, Nghệ An ngập trong nước lũ.

Không chỉ vậy, nhà cửa và tài sản của nhiều giáo viên còn bị lũ cuốn trôi hoàn toàn. Học sinh mắc kẹt trong vùng lũ do giao thông chia cắt.

Trước thực tế đó, lãnh đạo ngành Giáo dục Nghệ An đã có sự hỗ trợ kịp thời để giúp nhà trường, giáo viên, học sinh bớt phần nào khó khăn, cố gắng khắc phục hậu quả mưa lũ và sớm tổ chức dạy học trở lại.

Trường ngập, giáo viên bị lũ cuốn trôi nhà

“Đột ngột mất chồng, tôi cũng mất luôn trụ cột, một mình gắng gượng nuôi con. Gom góp mấy năm trời, vay mượn thêm bà con, đồng nghiệp, tôi vừa làm được ngôi nhà cấp 4 cho mẹ con yên tâm vào ở. Vậy mà chỉ được hơn 2 tháng, chưa kịp mừng đã mất hết. Mẹ con tay trắng. Giờ tôi không biết lấy gì để mà bắt đầu lại nữa”, cô Vân bật khóc.

Ngôi nhà cấp 4 tại bản Hòa Sơn (xã Tà Cạ, huyện Kỳ Sơn, Nghệ An) của cô La Thị Vân (giáo viên Trường Mầm non Bảo Nam) vừa được xây xong đã bị trận lũ sáng 2/10 đánh sập. Toàn bộ tài sản cũng bị dòng nước xiết cuốn trôi. Cách đây 6 năm, chồng cô Vân sau cơn đột quỵ bất ngờ đã ra đi mãi mãi, để lại cô với 2 con nhỏ.

Cũng ở bản Hòa Sơn (xã Tà Cạ), thầy Nguyễn Bá Cường hiện công tác tại Trường Tiểu học thị trấn Mường Xén cách nhà hơn 3km. Từ đêm hôm trước đến sáng 2/10, thầy vẫn trực ở trường chuẩn bị cho Lễ phát động hưởng ứng “Tuần lễ học tập suốt đời năm 2022”, nhưng khi nghe tin nước lũ dâng cao, thầy vội trở về nhà.

Tới bản, thầy Cường thấy nhà bà con và đồng nghiệp gần đó đang ngập sâu, nước lũ bao vây. Không kịp nghĩ, thầy ào đến cứu hộ. Khi ngoảnh nhìn về nhà, thì chính nhà thầy đã sắp không trụ nổi. “Tôi quay về, nước đã ngang ngực. Cửa nhà bị nước lũ khóa chặt, vợ con mắc kẹt bên trong. Cố gắng tìm đủ mọi vật dụng, may kịp phá được cửa, bơi vào nhà rồi đẩy vợ con ra ngoài. Còn lại để mặc lũ cuốn”, thầy Cường chưa hết bàng hoàng kể lại.

Cô La Thị Vân đứng trước ngôi nhà mới nay đã tan hoang vì lũ.

Cô La Thị Vân đứng trước ngôi nhà mới nay đã tan hoang vì lũ.

Cô giáo Vi Thị Trang công tác tại Trường Mầm non Huồi Tụ, cách xa nhà gần 40km. Chồng đi làm xa, đến khi lũ ập đến cũng không về kịp. Mình cô chỉ kịp ôm 2 con – đứa đầu học lớp 3 - chạy lũ. Còn lại tài sản, nhà cửa đều bị nước làm hư hỏng, cuốn trôi.

Trường THPT Kỳ Sơn có khoảng 100 học sinh ở trọ ở các bản Hòa Sơn, Sơn Hà, Bình Sơn 1 (xã Tà Cạ). Thầy Lê Văn Vân – Phó Hiệu trưởng Trường THPT Kỳ Sơn - cho biết: “Do khu ký túc xá của trường đang còn một số hạng mục nhỏ chưa hoàn thành nên từ đầu năm đến nay các em vẫn đang tạm ở nhà trọ. Tuy nhiên, ngay sau khi xảy ra đợt lũ quét, chúng tôi đã trao đổi với nhà đầu tư và sử dụng khu vực tầng 2 của dãy nhà KTX đã hoàn thành để đưa các em ở vùng lũ vào ở KTX.

Sáng 3/10, có gần 60 em bị mắc kẹt ở bản Sơn Hà đã được thầy cô đón ra ngoài. Bên cạnh đó, hơn 40 học sinh khác trọ vùng nguy hiểm cũng được các lực lượng chức năng giúp đỡ để đến nơi an toàn. Nhà trường đã lo nơi ăn, chốn ở và tổ chức nấu ăn cho học sinh. Tuy nhiên, hoàn cảnh của các em rất khó khăn vì đã bị trôi toàn bộ sách vở, áo quần và cần sự giúp đỡ”.

Học sinh trong vùng cô lập được giáo viên, lực lượng chức năng tìm cách đưa về trường ở nội trú để bảo đảm an toàn.

Học sinh trong vùng cô lập được giáo viên, lực lượng chức năng tìm cách đưa về trường ở nội trú để bảo đảm an toàn.

Kỳ Sơn là địa phương bị thiệt hại nặng nề nhất do ảnh hưởng của lũ ống xảy ra trong 2 ngày 1 - 2/10. Ông Phan Văn Thiết, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Kỳ Sơn - cho biết: Thống kê sơ bộ có hơn 40 nhà giáo viên trên địa bàn bị thiệt hại do lũ, tập trung chủ yếu ở Tà Cạ, Mường Típ, Mường Ải… Quan điểm của ngành trước hết là bảo đảm an toàn tính mạng cho giáo viên, học sinh. Khi lũ rút, tình hình ổn định, phòng huy động lực lượng trong ngành Giáo dục hỗ trợ đồng nghiệp. Ngành cũng sẽ đẩy mạnh quyên góp hỗ trợ gia đình giáo viên bị thiệt hại do mưa lũ, giúp các thầy cô bớt phần nào khó khăn.

Các trường học khẩn trương khắc phục hậu quả với phương châm nước rút tới đâu dọn dẹp tới đó.

Các trường học khẩn trương khắc phục hậu quả với phương châm nước rút tới đâu dọn dẹp tới đó.

Sớm đón học sinh trở lại trường

Huyện Nam Đàn (Nghệ An) là địa phương vùng hạ lưu sông Lam chịu ảnh hưởng của mưa lũ. Trước đó, học sinh toàn huyện cũng phải nghỉ học do trường học, giao thông ngập trong nước. Tuy nhiên, đến sáng 3/10, nhiều trường đã dạy học trở lại bình thường.

Riêng các trường ở khu vực 5 Nam (xã Nam Kim, Nam Cát, Trung Phúc Cường) vẫn bị ngập và địa hình bị chia cắt. Đặc biệt, năm nay nước xuống rất chậm nên việc ngập lụt có thể kéo dài và chưa biết đến khi nào học sinh mới có thể quay lại trường.

Tại huyện Quỳnh Lưu, đến sáng 3/10, qua tổng hợp, đa số các trường trên địa bàn đã đón học sinh trở lại. Riêng một số trường mầm non ở các xã Quỳnh Hồng, Quỳnh Hưng và Quỳnh Giang vẫn đang tạm thời nghỉ học vì trường bị ngập, ảnh hưởng đến an toàn của trẻ. Ông Trần Xuân Nhương - Trưởng phòng GD&ĐT huyện - cho biết: Những ngày qua, tranh thủ khi tạnh mưa, chúng tôi đã chỉ đạo các nhà trường dọn dẹp vệ sinh, khắc phục thiệt hại do mưa lũ gây ra. Hiện tại, về cơ bản đã ổn định và học sinh đã có thể trở lại trường.

Trước thực tế này, Sở GD&ĐT đã đi kiểm tra công tác khắc phục bão lụt, và hỗ trợ những trường bị thiệt hại trên địa bàn. Trong đó, huyện Thanh Chương có 6 trường mầm non và tiểu học bị ngập sâu là Trường Mầm non Nho Hòa, Mầm non Thanh Khai, Tiểu học Thanh Ngọc, Mầm non và Tiểu học Thanh Hà, Tiểu học Võ Liệt. Ngoài ra, nhiều phòng học trên toàn huyện bị hỏng, tốc mái, sập đổ bờ rào. Ước tính tổng thiệt hại của các nhà trường là 1 tỷ đồng.

Trực tiếp thăm hỏi, ông Thái Văn Thành – Giám đốc Sở GD&ĐT Nghệ An - chia sẻ với khó khăn mà các trường học và giáo viên huyện Thanh Chương đang gặp phải. Nhiệm vụ sắp tới của nhà trường sẽ rất vất vả, cần sớm tranh thủ thời tiết nắng ráo để sớm dọn vệ sinh trường lớp, ổn định lại cơ sở vật chất để học sinh có thể đi học bình thường. Đồng thời trao quà hỗ trợ, tặng máy tính cho những đơn vị bị thiệt hại nặng.

Đại diện Sở GD&ĐT Nghệ An cũng đã kịp thời vào tận nơi, trao quà động viên gia đình giáo viên bị lũ cuốn trôi hoàn toàn nhà cửa hoặc tài sản của huyện Kỳ Sơn. Trước mắt, do điều kiện mưa lũ phức tạp, mới tiếp cận được 5 gia đình giáo viên bị thiệt hại do lũ ở bản Hòa Sơn, xã Tà Cạ. Trong thời gian tới, khi có thống kê đầy đủ của huyện, ngành sẽ tiếp tục hỗ trợ cho giáo viên, học sinh.

Theo báo cáo của Sở GD&ĐT Nghệ An, từ hơn 400 trường phải nghỉ học, đến ngày 3/10 chỉ còn 169 trường. Sở cũng đã chỉ đạo các nhà trường sớm khắc phục mưa lũ, kiểm tra lại công tác đảm bảo an toàn ở các trường học và đường đến trường. Việc đi học chỉ thực hiện trở lại khi đảm bảo tuyệt đối an toàn cho phụ huynh, học sinh và giáo viên.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Thị Thu Vân - Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, TP Điện Biên Phủ (Điện Biên). Ảnh: NVCC

'Trái ngọt' từ tình yêu nghề

GD&TĐ - Hơn 20 năm công tác, cô Nguyễn Thị Thu Vân - giáo viên Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Điện Biên) có nhiều đóng góp cho sự nghiệp “trồng người”.