Bão lũ đi qua, xót xa ở lại

Bão lũ đi qua, xót xa ở lại

(GD&TĐ) - Dù đã có sự chuẩn bị đối phó với cơn bão số 11 song lượng mưa lớn, nước lên nhanh… đã khiến nhiều trường học ở các huyện Hương Sơn, Hương Khê, Đức Thọ, Vũ Quang (Hà Tĩnh) chịu thiệt hại nặng nề.

Nơi cơn lũ đi qua, hàng ngàn giáo viên và học sinh đang oằn mình gánh chịu và khắc phục những thiếu thốn, khó khăn về cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học, vệ sinh môi trường. Tuy nhiên, với quyết tâm cao, các thầy cô giáo và học sinh cùng các lực lượng xã hội đang tích cực khắc phục hậu quả để sớm ổn định trường lớp, hoạt động dạy học.

Nơi cơn lũ đi qua

anh 2, Miền Trung – Tây Nguyên 20 người chết, 173 người mất tích và thương vong do bão số 11 và mưa lũ.JPG
Giáo viên dọn dẹp, sửa lại đồ dùng dạy học

Một bức tranh tang thương, ngổn ngang bùn đất, cơ sở vật chất hư hại nặng nề... Đó là những gì cơn bão lũ để lại cho những ngôi trường ở các vùng đất học Hà Tĩnh. 

Mặc dù đến nay, những thiệt hại chưa được thống kê đầy đủ song tại tâm lũ Hương Sơn có 54 điểm trường thuộc tất cả các bậc học bị ngập lũ, trong đó có 40 trường ngập sâu trên 1m. Thầy Hồ Tiến Dường – Hiệu trưởng Trường THPT Lý Chính Thắng - thông tin: Tại trường, chỗ ngập sâu nhất trong nước là 2m; Các phòng học ngập 1,5m; Khu nội trú cho giáo viên sâu 1,6- 1,7m.

Thiệt hại chưa thống kê được hết song trước mắt đã có 20m tường rào bị sập đổ; 89 bộ bàn ghế bị ngập sâu trong nước. Khi nước rút đi đã để lại trường hơn 1.000 khối bùn đất với độ ngập bùn trung bình từ 7 – 10cm.

Giám đốc Trung tâm GDTX & Hướng nghiệp dạy nghề Hương Sơn – thầy Lê Văn Vỵ - cũng chia sẻ: Trường có hai cơ sở thì cơ sở dạy nghề chịu ảnh hưởng nặng nề; Khu nội trú của giáo viên bị ngập trong độ sâu 2,2m nước; Đồ dùng cá nhân của giáo viên bị hư hại hoàn toàn; 160m tường rào bị đổ sập; Nhiều máy móc trang thiết bị dạy nghề hàn, may... bị ngập hoàn toàn trong nước.

Tại các trường mầm non, toàn bộ thiết bị của các nhà trường như: chăn, màn, ga, gối, nệm, đồ dùng, đồ chơi của học sinh, thiết bị nghe, nhìn, bếp ăn... của các lớp bán trú đều bị trôi và vùi sâu trong bùn đất. 

Tại Hương Khê, Trưởng phòng giáo dục Trần Đình Hùng cho biết cũng có tới 38/65 trường bị ngập và chia cắt bởi nước lũ. 3 trường xã Phương Mỹ bị ngập sâu nhất khi tầng 1 của trường bị ngập ở mức nước tới 2m.

Đời sống của cán bộ giáo viên, học sinh các trường bị ảnh hưởng nặng. Cô Trần Thị Xuân - Hiệu trưởng Trường Mầm non Đông Hải (xã Gia Phố, Hương Khê, xót xa: “Trận lũ vừa qua, trường bị ngập sâu 2m. Vì lũ bất ngờ nên một số đồ dùng bị lũ cuốn trôi, một số bàn ghế bị hư hỏng, chăn, màn bị vùi trong bùn...”.

Tại Vũ Quang có 14/30 ngôi trường bị ngập lụt, hệ thống bồn hoa cây cảnh, bàn ghế, tủ đựng dụng cụ, đồ chơi hư hỏng, trên 400m tường rào bị đổ, hàng chục ngôi nhà công vụ, nhà xe bị tốc mái... Huyện Đức Thọ có 32 trường học ở các xã vùng trũng và vùng ngoài đê cũng đã bị ngập nước và chia cắt. 

Mưa lũ đã qua song hậu quả để lại vô cùng nặng nề, khó khăn chồng chất khó khăn cho ngành Giáo dục tại cách huyện bị ảnh hưởng. Sự khó khăn này đang rất cần nhận được sự chung tay góp sức, ủng hộ của các ngành, các cấp, nhân dân trên toàn quốc để khắc phục và trở lại bình thường.

Sớm ổn định trường lớp

Học sinh nạo vét bùn đất đọng lại sân trường
Học sinh nạo vét bùn đất đọng lại sân trường
 

Thầy Trần Đình Hùng – Trưởng phòng Giáo dục Hương Khê - cho biết, do vị trí địa lý đặc thù nên hầu như Hương Khê năm nào cũng bị ngập nước. Hiện nay, nước rút tới đâu các trường huy động tối các lực lượng giáo viên, học sinh, thanh niên tình nguyện, bộ đội biên phòng, phụ huynh học sinh... cùng tiến hành vệ sinh nạo vét bùn đất, dọn dẹp lau chùi bàn ghế, trường lớp tới đó.

Đối với các trường mầm non, các cô giáo cũng tích cực làm công tác lau dọn vệ sinh lớp học, sân trường, khung cảnh sư  phạm... Song với đặc thù học sinh mầm non bán trú mà các điều kiện về cơ sở vật chất, đồ dùng dạy học ăn uống chưa đủ đảm bảo nên nhiều trường vẫn cho học sinh tạm nghỉ học vài ngày để khử khuẩn môi trường lớp học, đồ dùng bán trú, nguồn nước sinh hoạt...

Ông Hùng cũng cho biết, để đảm bảo thời gian học tập không bị chậm so với lịch trình chung của ngành giáo dục, các trường sau khi trở lại hoạt động bình thường có kế hoạch học bù vào thứ bảy, chủ nhật.  

Cùng với không khí khẩn trương khắc phục hậu quả bão lũ, đưa các hoạt động dạy và học sớm trở lại bình thường, hầu hết các trường học trong cơn lũ vừa qua đã và đang tích cực phối hợp các lực lượng xã hội khác nhanh chóng và dốc lòng vào cuộc.

Giáo viên Trường THTP Lý Chính Thắng trong những ngày qua đã thức tới 2-3 giờ đêm để dọn dẹp cật lực phòng học, sân trường, lau dọn bàn ghế sạch sẽ để phơi khô. Nhiều giáo viên, nhà cửa đồ đạc cũng bị ngập lụt trong nước lũ, song để hoạt động trường lớp, học tập của học sinh không bị gián đoạn nhiều nên đã tạm gác việc gia đình ngày đêm bám trường, cùng đồng nghiệp khắc phục hậu quả bão lũ.

Tại Trung tâm GDTX và HNDN Hương Sơn, nếu như những ngày trong lũ toàn bộ cán bộ giáo viên dầm mình trong nước để cứu thiết bị, đồ dùng dạy học thì những ngày này lại tiếp tục ngâm chân trong bùn để nạo vét bùn đất dọn dẹp trường lớp.

Tuy nhiên, để tăng cường sức lao động với hàng loạt công việc còn khá bề bộn, nhà trường sẽ huy động toàn bộ học sinh vào cuộc ngay từ buổi học trở lại đầu tiên. Các buổi sáng, học sinh sẽ học bình thường, buổi chiều cùng lau dọn các thiết bị đồ dùng, vệ sinh trường lớp, cảnh quan xung quanh. 

Điều đặc biệt, ban lãnh đạo trung tâm cho biết: “Ngay trong buổi chào cờ đầu tiên khi các em trở lại trường sau những ngày tạm dừng học tập vì bão lũ, chúng tôi sẽ nói chuyện, dạy học sinh cách phòng tránh dịch bệnh sau mưa lũ, vệ sinh cá nhân, môi trường.

Và đặc biệt, học sinh cũng sẽ được hướng dẫn cách qua sông qua đò an toàn...”. Đây không phải là lần đầu tiên học sinh của trường được giáo dục kỹ năng này song sau lũ, nhiều nơi nước chưa rút hết, việc đến trường của học sinh còn nhiều nguy hiểm thì việc nhắc lại cũng không thừa. 

Đến nay, nhiều trường học trong vùng bão lũ của các huyện Hương Sơn, Hương Khê, Vũ Quang, Đức Thọ sau khi nước rút đã nhanh chóng tiến hành vệ sinh trường lớp để hoạt động dạy học trở lại bình thường.

Song nhiều trường nằm trong vùng nước lụt, nước chưa rút hết, địa bàn vẫn bị chia cắt thì nhiều học sinh vẫn chưa thể tới trường. Số học sinh tới trường những ngày đầu tiên sau bão lũ vẫn chưa đủ 100% quân số. Cộng thêm các điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học bị hư hại nên chắc chắn phải mất một thời gian mới có thể ổn định trở lại...

Tuy nhiên, điều đáng mừng sau bão lũ chính là tinh thần vượt khó của toàn thể cán bộ, giáo viên, học sinh. Bên cạnh đó, sự chung tay giúp sức về tinh thần, vật chất của nhiều bộ, ban ngành, chính quyền, địa phương, nhân dân trên toàn quốc đang hướng về miền Trung cũng tạo nên động lực đáng kể giúp người dân nói chung và ngành Giáo dục nói riêng vượt qua mất mát, khó khăn do thiên tai, nhanh chóng trở lại ổn định cuộc sống.

Trận lũ kinh hoàng vừa qua đã ảnh hưởng nặng nề đến các trường học trên nhiều huyện của Hà Tĩnh. Các trường bị thiệt hại nặng nề về cơ sở vật chất, nhưng may mắn tất cả thầy trò của ngành đều an toàn. Sau bão lũ, ngành Giáo dục ngổn ngang, chồng chất khó khăn. Các thầy cô giáo, học sinh mong nhận được sự hỗ trợ, giúp đỡ, sẻ chia về tinh thần, vật chất để sớm vượt qua khó khăn, đi vào ổn định sinh hoạt, hoạt động dạy - học.

Ngọc Hà

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ