Việc làm nhỏ, ý nghĩa lớn
Chuyển về công tác tại Trường Tiểu học Mê Linh (quận 3, TPHCM) được 7 năm, cũng là ngần ấy thời gian thầy hiệu trưởng Nguyễn Văn Hùng luôn có mặt từ sáng sớm để đón các em học sinh vào trường. Những câu nói như: “Nào con nhấc chân lên cao khỏi trúng bô xe”, “Nào con từ từ thôi. Con chào mẹ đi”, “Ôi thầy chào con. Con ăn sáng gì rồi? Để thầy giúp con đeo ba lô” đã trở thành quen thuộc với các em học sinh.
Theo đó, mỗi sáng đầu tuần, thầy đều tham gia sinh hoạt với học sinh, lồng ghép nhiều câu chuyện vui để dạy bảo các em: không xả rác bữa bãi; đi đường nhớ đội nón bảo hiểm; biết yêu thương mọi người; phòng chống tai nạn, bệnh tật; tự chăm sóc bản thân… Đặc biệt, thầy có quy định, khi muốn gặp thầy, học sinh sẽ đến phòng thầy gõ cửa 3 tiếng sẽ được đón vào và có thể trò chuyện bất cứ vấn đề gì với thầy. Phòng thầy hiệu trưởng cũng là phòng đọc sách nên các em rất thích thú khi vừa đọc sách vừa được thầy chỉ dạy nhiều điều.
Em Trương Võ Ngọc, lớp 5A chia sẻ: Con thích hình ảnh thầy đón học sinh. Nếu sáng nào con đến sớm quá, thầy chưa đến, con nói mẹ là chở con đi trễ một tí, tầm 7h kém để được gặp thầy ngoài cổng. Thầy rất hiền, quan tâm tụi con giống như người cha vậy. Nhiều bạn gặp người lớn chưa chủ động chào, thầy là người chào trước. Khi tụi con chào thầy, thầy dặn thêm “con gặp thầy, con chào, thầy thấy rất vui, nhưng thầy sẽ vui hơn nếu con gặp chú bảo vệ con cũng chào. Vì mình gặp người lớn mà, đúng không?”.
Em Hồng Như lớp 5B kể thêm, mỗi lần vào phòng đọc sách, khi gặp thầy ở đó, thầy đều trò chuyện và hỏi sao tụi con lại thích đọc cuốn này cuốn kia và dặn “Các con đọc sách để lĩnh hội tri thức thông qua trí não, nhưng cũng cần đọc bằng trái tim, hiểu và cảm nhận nó”.
Phụ huynh Ngô Thị Thu Hằng có con học khối 2 chia sẻ: Hồi đầu đưa cháu đi học, tôi chưa biết thầy cứ tưởng thầy là giám thị hay bảo vệ ra để hỗ trợ học sinh lên xuống xe, hỗ trợ điều tiết giao thông trước cổng trường, trông thầy rất niềm nở. Sau này về bé nói “đó là thầy hiệu trưởng của con” thì vợ chồng tôi khá bất ngờ. Cảm thấy việc làm của thầy dù rất đời thường nhưng ý nghĩa vô cùng.
Để học sinh luôn yêu trường lớp
Trong căn phòng nhỏ nhắn, không gắn máy lạnh, thầy Nguyễn Văn Hùng chia sẻ với chúng tôi nhiều điều về mong ước của thầy với ngôi trường, với các em học sinh. Khi về trường, ổn định tổ chức và cải thiện một phần về cơ sở vật chất xong, thầy nghĩ ngay đến việc sẽ đón các em học sinh ở cổng để tình thầy trò thêm gắn kết và quan trọng hơn là để các em cảm nhận được niềm vui khi mỗi buổi sáng đặt chân đến ngôi trường mình học. “Tôi nghĩ mình cứ cho đi yêu thương, sẽ nhận lại yêu thương. Tôi muốn các con đặt chân đến ngôi trường với niềm hứng khởi, được đón nhận những điều tốt đẹp nhất, bắt đầu bằng những việc nhỏ như thế” - thầy Hùng cho biết.
Từ việc làm của thầy hiệu trưởng, nhiều giáo viên của trường cũng đã có những thay đổi tích cực khi bắt đầu buổi sáng cùng nhau ra sân trường chào học sinh, thể hiện sự quan tâm tới các em, khiến phụ huynh rất tin tưởng khi gửi con em học tại ngôi trường này.
Thầy Hùng cũng cho biết thêm: “Sau những lần đưa con tới trường, nhiều phụ huynh khi biết tôi là hiệu trưởng đã tranh thủ thời gian ít ỏi lúc đó để trao đổi về chuyện học của con và có những góp ý với trường”. Thêm vào đó, mỗi ngày thầy cô trong trường đều dạy các em chuyện giữ vệ sinh, tính lễ phép, việc đội nón bảo hiểm và tự mang ba lô, tự xuống xe… cho nên việc thầy ra cổng đón học sinh cũng là cách quan sát xem học trò của mình thực hiện những bài học trên ra sao. Ngoài ra, ngay gần cổng trường có một bến xe buýt, cũng có lúc ách tắc giao thông, nhiều phụ huynh nữ chở 2 con đi học, tay lái yếu, học sinh xuống xe lúc cao điểm sẽ khó khăn nên sự xuất hiện của bảo vệ trường, của thầy cũng là một giải pháp hỗ trợ các em.
Trao đổi với các em trong phòng đọc sách |
Không chỉ đón trò ở cổng trường, phòng hiệu trưởng của thầy Hùng vừa là nơi tiếp phụ huynh vừa là phòng đọc sách luôn rộng cửa đón học sinh vào. “Các em vào đọc sách, nhiều em trò chuyện với tôi về sách, về lý do tại sao đọc sách và hé mở những sở thích, tâm tư tình cảm... Qua đó mình cũng hiểu học trò hơn, hiểu các em muốn gì, cần gì”.