Thầy Bùi Xuân Tám là vị GS đầu ngành Lao và Bệnh Phổi của Quân đội. Ông đã sớm giác ngộ Cách mạng, tham gia kháng chiến chống Pháp từ 1947. Ông vào bộ đội từ 1950 sau đó hoạt động liên tục trong Quân đội cho đến khi nghỉ hưu.
Ông đã được Nhà nước trao tặng danh hiệu Thầy thuốc Nhân dân, giải thưởng Nhà nước về Khoa học và công nghệ, được nhận các Huân chương cao quý như: HC Kháng chiến hạng Nhất, Huân chương Chiến công hạng 3, Huân chương Quân công hạng 3 và nhiều phần thưởng cao quý khác. Nhưng phần thưởng cao quý hơn cả với ông, đó là ông đã đào tạo được một thế hệ các Thầy thuốc chuyên ngành, với nhiều GS, TS, Thạc sĩ, các tướng lĩnh và lãnh đạo của nhiều bệnh viện trong và ngoài quân đội .
Tôi vốn học ở trường ĐH Y Hà Nội. Cuối tháng 4 năm 1975, tôi được lệnh tổng động viên vào Quân đội. Tôi là một trong bốn người được giữ lại trường và nhận công tác ở Khoa A3 ( lúc đó là khoa Lao), Viện 103, ĐHQY, với quân hàm chuẩn úy. Thầy Bùi Xuân Tám là Thiếu tá, Bác sĩ, Chủ nhiệm khoa A3.
GS.Bùi Xuân Tám cùng vợ tại nhà riêng (2016) |
Cảm nhận đầu tiên của tôi khi gặp Thầy, đó là một nhà trí thức, với đôi kính trắng, vầng trán cao. Thầy rèn tôi từ nét chữ, cách ghi chép bệnh án, cách dán phiếu xét nghiệm, cách sơ kết và tổng kết bệnh án…
Đặc biệt Thầy bắt chúng tôi phải ghi lại kết quả xét nghiệm và đóng khung bằng chì đỏ trong bệnh trình để tiện theo dõi bệnh nhân (BN). Thầy quy định mỗi tuần hai buổi thông qua bệnh án. Những buổi đó Thầy thường đọc phim, kiểm tra việc kê đơn, xét nghiệm và sự theo dõi bệnh nhân. Thầy gay gắt, thậm chí mắng mỏ, khi chúng tôi sai sót.
Thầy có thói quen thích viết bút mực, nét to, chữ đậm, luôn viết đẹp và rõ ràng. Cho nên chúng tôi không ai dám viết ngoáy, viết tắt. Mà riêng tôi thì đã giữ được nét chữ chân phương của mình, cũng như phong cách làm việc nghiêm túc cho đến tận ngày nay. Và cũng cho đến nay tôi càng nhận ra rằng thầy đã dạy tôi thực hành một cách nghiêm túc và tận tâm .
Nhắc đến bác sĩ Bùi Xuân Tám, người ta thường nhớ đến người đọc phim có kinh nghiệm nhất, người có thể thông qua phim là nắm được bệnh nhân (BN). Tôi học được Thầy điều này, chính là nhờ sự rèn dũa của Thầy, ngay từ khi tôi còn trứng nước.
Như thường lệ, mỗi tuần một buổi, Thầy ở lại khoa. Những buổi đó Thầy luôn gọi tôi đưa bệnh nhân lên khoa X.quang để chiếu điện. Thường thì chiếu từ 7 đến 10 bệnh nhân, Thầy chỉ bảo cho tôi từng loại tổn thương: đâu là xơ, đâu là hang; rồi cách chiếu điện phổi. Khi về khoa, Thầy vẽ lại và ghi chép tỉ mỉ từng hình ảnh X.quang của các BN, đồng thời lấy phim chụp ra để so sánh. Gần như Thầy thuộc hết từng BN trên hình ảnh X.quang.
Cứ như vậy, tôi trưởng thành từ lúc nào không biết. Năm 1980, khi vào Sài Gòn dạy học viên thực tập tại Bệnh viện Nguyễn Tri Phương; mỗi lần khám bệnh nhân xong, tôi đã vẽ được tổn thương gần giống với hình ảnh X.quang, khi tôi đưa học viên đi chiếu điện.
Thầy Bùi Xuân Tám đã đi xa 1 năm. Trong lòng chúng tôi luôn tri ân, luôn nhớ đến thầy như một tấm gương cao quý, một nhà khoa học chân chính, một nhà giáo lão thành suốt đời cống hiến cho khoa học .
GS.TS Bùi Xuân Tám
Bác sĩ ĐH Y Hà Nội từ 1955, được phong hàm PGS (1980), GS. TS (1991).
Kinh qua các chức vụ: Chủ nhiệm khoa Lao và Bệnh phổi Viện 108 (1957 - 1963) và Viện 103 ( 1964 - 1979); Chủ nhiệm Bộ môn Phổi và Bộ môn Nội chung – HVQY (1967 – 1989); PGĐ, GĐ Bệnh viện 103 (1980 – 1989);
Chuyên viên Kỹ thuật đầu ngành Phổi của Quân đội; Ủy viên BCH Hội Lao và Bệnh Phổi Việt Nam (1985 – 2014).
Cố vấn ngành Lao và bệnh Phổi.