Cách làm, giải pháp trong công tác bồi dưỡng đội ngũ được Giám đốc Sở GD&ĐT Phú Thọ Nguyễn Minh Tường trao đổi với báo Giáo dục và Thời đại.
- Ngành GD-ĐT Phú Thọ có tự tin vào đội ngũ trong công cuộc đổi mới giáo dục? đặc biệt khi triển khai chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới sắp tới?
Trong suốt chiều dài lịch sử dân tộc, người thầy luôn giữ vai trò, vị trí quan trọng trong đời sống xã hội của đất nước. Thực hiện việc đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT, trước mắt là chương trình và sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới, với các thầy giáo, cô giáo hiện nay, không chỉ giỏi chuyên môn, nghiệp vụ, tâm huyết, gắn bó với nghề mà cần thường xuyên đổi mới, sáng tạo trong hoạt động giáo dục.
Hiện nay, đội ngũ giáo viên Phú Thọ cơ bản đủ về số lượng; 100% giáo viên có trình độ đạt chuẩn về trình độ đào tạo, trong đó tỷ lệ trên chuẩn ở mầm non là 58,8%; tiểu học 82,5%; THCS 73,4%; THPT 11,3% và GDTX là 5,8%. Tỷ lệ giảng viên các trường đại học có trình độ thạc sỹ trở lên đạt 74%; tỷ lệ giáo viên có trình độ đại học trở lên tại các trường cao đẳng đạt 94,5%, trung cấp đạt 95,5%.
Các thầy giáo, cô giáo trên quê hương đất Tổ hôm nay đã, đang là lực lượng tiên phong, đi đầu và chắc chắn sẽ thành công trong công cuộc đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT, đặc biệt là khi triển khai chương trình, sách giáo khoa mới theo tinh thần Nghị quyết số 29/NQ-TW, để sự nghiệp trồng người trên quê hương đất Tổ vẫn mãi được chắp cánh, góp phần xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.
- Bồi dưỡng đội ngũ là công việc ngành Giáo dục đặc biệt chú trọng hiện nay, tuy nhiên kết quả vẫn còn nhiều trăn trở. Phú Thọ đã triển khai công tác này như thế nào, ông có thể chia sẻ một số bài học từ địa phương?
Nâng cao chất lượng giáo viên được xem là yếu tố then chốt, trọng tâm của công cuộc đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục hiện nay. Từ nhận thức đó, ngành Giáo dục Phú Thọ xác định và thực hiện tốt việc bồi dưỡng phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục chuẩn bị thực hiện chương trình, sách giáo khoa phổ thông mới. Xây dựng quy hoạch, kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục gắn với nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh, quốc phòng và hội nhập quốc tế.
Trong năm học 2017 - 2018, ngành GD-ĐT Phú Thọ đã mở trên 192 lớp tập huấn, bồi dưỡng cấp tỉnh, cấp huyện nhằm nâng cao nhận thức, tư tưởng chính trị, năng lực chuyên môn nghiệp vụ cho trên 19.838 lượt nhà giáo và CBQL giáo dục; đặc biệt là tập huấn, bồi dưỡng về đổi mới phương pháp dạy học, đổi mới kiểm tra đánh giá, thực hiện chuyển mạnh quá trình giáo dục từ chủ yếu trang bị kiến thức sang phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất người học và hướng tới xu thế Cách mạng công nghiệp 4.0.
Để thực hiện có hiệu quả công tác bồi dưỡng đội ngũ, ngay từ đầu năm học, ngành đã có kế hoạch chung về công tác này, với các nội dung cụ thể như: Nâng cao năng lực đội ngũ nhằm nâng cao chất lượng công tác quản lý giáo dục trong bối cảnh đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT; nâng cao năng lực đặc biệt là năng lực quản trị nhà trường; tiếp cận cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 trong lĩnh vực giáo dục; đổi mới phương pháp dạy học theo hướng phát triển năng lực các môn học; bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm; công tác truyền thông trong ngành giáo dục…
Báo cáo viên, giảng viên của các lớp tập huấn là các nhà khoa học đầu ngành, các giảng viên, giáo sư, tiến sĩ đang công tác tại các cơ quan quản lý giáo dục hoặc các cơ sở giáo dục đại học, tập đoàn có uy tín hàng đầu ở Việt Nam. Kết thúc tập huấn, học viên được đánh giá thông qua phần thực hành, bài kiểm tra hoặc bài thu hoạch.
- Theo ông, đâu là giải pháp quan trọng giúp nâng cao hơn nữa hiệu quả, chất lượng bồi dưỡng giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục, đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT hiện nay?
Tôi cho rằng, để nâng cao hơn nữa kết quả, chất lượng bồi dưỡng giáo viên, trước hết cần chủ động khảo sát, đánh giá lại năng lực của người giáo viên một cách chính xác, khách quan. Đối chiếu với yêu cầu của chương trình giáo dục mới để thấy rõ cái đang cần và đang thiếu của giáo viên, từ đó xác định nội dung cần bồi dưỡng cho giáo viên và xây dựng chương trình bồi dưỡng cho sát hợp với nhu cầu thực tiễn.
Trên cơ sở kết quả khảo sát, đánh giá, tiến hành biên soạn các tài liệu bồi dưỡng giáo viên theo từng nội dung hoặc chủ đề để giáo viên tự học, tự bồi dưỡng tại cơ sở. Xã hội càng phát triển, giáo dục đào tạo cũng phát triển theo, đòi hỏi ngày càng cao hơn phẩm chất năng lực của đội ngũ giáo viên. Tự học, tự bồi dưỡng là phương thức tốt nhất giúp người giáo viên tiến bộ, trưởng thành, có đủ phẩm chất và năng lực chuyên môn nghiệp vụ, hoàn thành nhiệm vụ giáo dục đào tạo được giao.
Trong công tác bồi dưỡng giáo viên, các trường Đại học sư phạm trọng điểm phải là lực lượng chủ yếu trong các đợt tập huấn, bồi dưỡng để đảm bảo chất lượng của đội quân “chuyên nghiệp” đi dạy nghề, tránh tình trạng để các trường sư phạm “đứng ngoài cuộc nhìn vào” hoặc chỉ được mời tham gia. Tiến hành liên kết với các trường sư phạm hoặc mời các chuyên gia, các giảng viên có trình độ cao để trực tiếp bồi dưỡng, tập huấn cho giáo viên.
Khi xây dựng kế hoạch bồi dưỡng cần bố trí, sắp xếp hợp lý để duy trì hiệu quả hoạt động của các cơ sở giáo dục phổ thông.
Cùng với đó, đẩy mạnh hoạt động sinh hoạt chuyên môn (qua dự giờ, thao giảng...) theo cụm trường, liên trường để tạo diễn đàn cho giáo viên chia sẻ, học hỏi kinh nghiệm và tự bồi dưỡng lẫn nhau.
Đổi mới mạnh mẽ phương pháp đào tạo giáo viên theo tinh thần “đổi mới sư phạm phải đi trước một bước” sẽ là giải pháp có tính chiến lược cho mục tiêu xây dựng đội ngũ nhà giáo cho tương lai, nhằm đáp ứng kịp thời những yêu cầu của tiến trình đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục.
Giáo viên là những người trực tiếp giảng dạy, giáo dục, hướng dẫn và truyền thụ kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm cho học sinh. Bởi vậy, xây dựng được đội ngũ giáo viên có đủ phẩm chất và năng lực sẽ là yếu tố then chốt quyết định sự thành công của công cuộc đổi mới giáo dục.
- Xin cảm ơn ông!
Trong năm học 2017-2018, ngành GD-ĐT Phú Thọ đã mở trên 192 lớp tập huấn, bồi dưỡng cấp tỉnh, cấp huyện nhằm nâng cao nhận thức, tư tưởng chính trị, năng lực chuyên môn nghiệp vụ cho trên 19.838 lượt nhà giáo và CBQL giáo dục; đặc biệt là tập huấn, bồi dưỡng về đổi mới phương pháp dạy học, đổi mới kiểm tra đánh giá, thực hiện chuyển mạnh quá trình giáo dục từ chủ yếu trang bị kiến thức sang phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất người học và hướng tới xu thế Cách mạng công nghiệp 4.0.