Thầy giáo THPT hoàn thành xuất sắc luận án tiến sĩ
Năm 2018, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội lần thứ hai tổ chức xét và trao giải thưởng Luận án tiến sĩ xuất sắc hàng năm với những tiêu chí: Kết quả bảo vệ xuất sắc với tối thiểu 6/7 thành viên Hội đồng đánh giá xếp loại xuất sắc, kết quả công bố của luận án trong tạp chí quốc tế thuộc danh mục ISI-Scopus, chất lượng uy tín của tạp chí nơi NCS công bố; Luận án bảo vệ đúng hạn.
Hai tân tiến sĩ được trao giải thưởng năm nay là Nguyễn Văn Yên, chuyên ngành Vật lý Kỹ thuật, giáo viên Trường THPT Yên Thành (Nghệ An) và Phạm Anh Tuân, chuyên ngành Khoa học Vật liệu, giảng viên Trường Đại học Điện lực. Hai người cùng 38 tuổi.
Dưới sự hướng dẫn của PGS Nguyễn Văn Hồng (Viện Vật lý Kỹ thuật) và PGS Lê Thế Vinh (Trường Đại học Tôn Đức Thắng), tân TS Nguyễn Văn Yên đã có 7 bài báo thuộc danh mục ISI với tổng chỉ số IF là gần 10.
TS Nguyễn Văn Yên chia sẻ: “Để có thành công hôm nay, tôi thấy mình là người may mắn khi được các thầy Bách khoa giỏi tận tình hướng dẫn. Hướng nghiên cứu hiện tại của tôi tập trung vào các vật liệu silicat bằng phương pháp mô phỏng động lực học.
Phương pháp này đã được nhiều nhóm nghiên cứu trên thế giới thực hiện và khẳng định về độ tin cậy. Với những kết quả đã đạt được cùng sự ủng hộ của các thầy, tôi tràn đầy động lực và niềm tin sẽ bước tiếp trên con đường khoa học mà mình đã chọn”.
TS Nguyễn Văn Yên cho biết, là giáo viên phổ thông nhưng anh đến với nghiên cứu khoa học rất tình cờ và sự tình cờ đó đem lại cho anh sự đam mê. Khi học thạc sĩ, anh bắt đầu biết đến nghiên cứu khoa học.
Đề tài mà thầy giáo Nguyễn Văn Yên chọn để nghiên cứu trong luận án tiến sĩ là cấu trúc và sự không đồng nhất động học trong vật liệu silicat ba nguyên gồm Chì silicat, Nhôm siliacat và Natri silicat (PbO.SiO2, Al2O3.2SiO2 và Na2O.2SiO2) ở trạng thái lỏng và vô định hình.
Anh cho biết, lý do lựa chọn đề tài này là do vật liệu silicat đang có tính thời sự, thu hút nhiều nghiên cứu của các nhà khoa học trên thế giới. Từ đó nghiên cứu sẽ ứng dụng sang vật liệu để sản xuất như gốm, silicat… cùng nhiều vật liệu ứng dụng khác trong thực tế.
Tranh thủ làm gia sư để có tiền đi học
Thầy giáo Nguyễn Văn Yên và gia đình |
Sinh ra và lớn lên trên mảnh đất nghèo xứ Nghệ, năm 2005, sau khi tốt nghiệp Khoa Sư phạm Vật lý - Trường Đại học Vinh, thầy Yên được nhận về công tác tại ngôi trường miền núi THPT Yên Thành 3.
Trong 13 năm công tác tại Trường THPT Yên Thành 3, thầy giáo Nguyễn Văn Yên được đánh giá là một trong những người đã làm tốt và hoàn thành công việc của mình.
Thầy Trần Đình Đô - Hiệu trưởng THPT Yên Thành 3 cho biết: Thầy Nguyễn Văn Yên là giáo viên có chuyên môn ngành Vật lý tốp đầu của trường, luôn bồi dưỡng học sinh tham gia các kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh. Thầy say mê tìm tòi, nghiên cứu những cái mới. Do đó, nhà trường luôn tạo điều kiện để thầy Yên yên tâm tham gia nghiên cứu.
Vào tháng 6/2014, khi con gái đầu được một tuổi, thầy Yên tạm xa vợ con với hành trang là một balô quần áo, tài liệu cùng vài triệu đồng ra Hà Nội học tiến sĩ. Để có chi phí trang trải cho việc nghiên cứu và tạm trú ở thủ đô, ban ngày thầy học trên lớp, ban đêm tranh thủ đi làm gia sư.
"Mỗi tối tôi dạy một hoặc hai ca cho học sinh THPT; có hôm tới khuya mới về tới phòng trọ thì lại tiếp tục nghiên cứu tài liệu. Tính ra mỗi ngày, tôi chỉ ngủ vài ba giờ, bù lại cũng kiếm thêm vài trăm nghìn" - thầy Yên nhớ lại.
Nói về kết quả hôm nay, thầy Yên thầm bày tỏ lời cảm ơn chân tình đến người vợ của mình. Chị là giáo viên đang dạy hợp đồng tại một trường cùng huyện nhưng đã chăm lo, dạy dỗ hai con trong suốt 4 năm qua để anh yên tâm dành toàn thời gian để nghiên cứu ngoài Hà Nội.
Anh cũng cảm thấy mình rất may mắn khi được ban giám hiệu, các bạn đồng nghiệp tại Trường THPT Yên Thành 3 tạo điều kiện để anh đi học liên tục. Trong thời gian làm nghiên cứu, hầu như anh không thể tham gia giảng dạy ở trường.
Thầy Yên cũng cho biết, giữa một nghiên cứu sinh là giáo viên phổ thông và một nghiên cứu sinh là giảng viên ĐH thì nghiên cứu sinh là giáo viên sẽ có bất lợi nhiều hơn.
Bất lợi thứ nhất là họ vốn “xuất phát” từ môi trường không có nghiên cứu nên không thể có sự trợ giúp của bạn bè đồng nghiệp. Thứ hai về điều kiện kinh tế, giảng viên ĐH có thể còn có sự hỗ trợ của trường ĐH nơi công tác, còn với giáo viên phổ thông thì không.
Chính vì vậy, trong 4 năm học, ngoài thời gian lên viện làm nghiên cứu, anh đều tranh thủ làm gia sư để có tiền trang trải cuộc sống. Với thầy giáo Nguyễn Văn Yên, dù khó khăn nhưng trong quá trình làm tiến sĩ, anh luôn cảm thầy mình may mắn. Đó là bên cạnh động lực, năng lực của bản thân thì anh gặp các thầy giỏi.
Khi được hỏi về tương lai, thầy Yên cho hay: Trước mắt, công việc vẫn không có gì thay đổi. Tôi sẽ cố gắng truyền thụ kiến thức cho học sinh, hoàn thành tốt công việc cho ngôi trường mà tôi đang công tác.
“Nếu có đam mê thì tất cả chúng ta đều làm được, bất kể là việc gì. Tôi muốn các bạn trẻ, học sinh hôm nay hãy phát huy hết khả năng của mình vốn có và điều quan trọng là phải có niềm đam mê thực thụ” thầy Yên chia sẻ.