Thầy giáo trẻ giàu lòng thiện nguyện

GD&TĐ - Đam mê âm nhạc, yêu trẻ là năng khiếu và sở thích từ nhỏ đã đưa thầy giáo Trần Văn Anh, giáo viên Trường THCS Phong Hòa, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên - Huế đến với nghề giáo. 

Thầy giáo trẻ giàu lòng thiện nguyện

Nhưng rồi, sau những lần theo các đoàn thiện nguyện đến các vùng quê nghèo làm từ thiện, sự đồng cảm một lần tạo cho thầy giáo Văn Anh niềm đam mê mới là giúp đỡ người nghèo.

“Trải nghiệm rồi tôi mới biết không chỉ có tiền mới làm từ thiện được” – Văn Anh bắt đầu trải lòng. Như một cơ duyên, khi còn là sinh viên năm 3, anh được các nhà sư mời đi hát tại các điểm thiện nguyện ở 2 huyện miền núi Nam Đông và A Lưới. Cứ thế, những ánh mắt hiền hậu, những gương mặt rạng ngời mừng rỡ khi nhận quà và nghe hát in đậm trong tâm trí và dần thu hút anh.

Là người con của quê hương Phong Điền, cha mẹ làm nông nên kinh tế gia đình cũng chật vật; tốt nghiệp được đại học là sự phấn đấu ngoài khả năng của Văn Anh. Nhưng khi ra với đời, anh nhận thấy còn nhiều người nghèo khổ hơn mình.

Hình ảnh những con người lấm lem cúi gằm mặt vào các thùng rác để nhặt phế liệu; những ngôi nhà lụp xụp không thể gọi là nhà; hay, những gia đình trong bữa cơm chỉ có một đĩa rau luộc... cứ ám ảnh và thôi thúc anh nhắc nhở mình cần làm gì đó cho người nghèo.

Công nghệ thông tin là lợi thế đầu tiên Văn Anh nắm bắt để thực hiện kế hoạch giúp đỡ người nghèo. Năm 2015, sau khi ổn định công tác tại Trường THCS Phong Hòa, anh lập địa chỉ Facebook với tên “Người đi xin” để kêu gọi dân cư mạng ủng hộ, giúp đỡ những mảnh đời kém may mắn.

Để thuyết phục được nhiều người tham gia hỗ trợ, anh viết những bài viết miêu tả từng hoàn cảnh và nêu cảm xúc của bản thân về những mẹ gia neo đơn, các em học sinh mồ côi, những gia đình có người thân mắc bệnh hiểm nghèo...

Theo chân Văn Anh, chúng tôi đến thăm căn nhà tre đã mục nát của mẹ Trần Thị Kiếm, ở thôn Phò Ninh, xã Phong An, huyện Phong Điền, một trong những người mẹ neo đơn được Văn Anh tìm nguồn hỗ trợ thường xuyên nhiều năm nay.

Đã ngoài 70 tuổi, mẹ Kiếm một mình nuôi con trai 33 tuổi bị bại não bẩm sinh. Mẹ xúc động, nói: “Khổ tui không sợ, trước chừ chỉ sợ chết trước không ai chăm con. Chừ thì yên tâm vì xã hội có những người tốt như cháu Văn Anh”.

Văn Anh cho biết: “Rong ruổi tìm nguồn hỗ trợ người nghèo, tôi nhận ra trong xã hội có nhiều những tấm lòng hảo tâm của mọi lứa tuổi, mọi tầng lớp”; chỉ tay vào danh sách để chứng minh, anh đọc tên Hồ Thị Thủy Tiên, học sinh lớp 8/1 Trường THCS Phòng Hòa, xã Phong Hòa, huyện Phong Điền: 10 nghìn đồng;

Hay Nguyễn Thành Thắng, học sinh lớp 11B1, Trường THPT Nguyễn Đình Chiểu, xã Phong An, huyện Phong Điền: 20 nghìn đồng; cũng có những con số lên đến vài chục triệu đồng nhưng lại giấu tên.

Đến nay, thầy giáo Trần Văn Anh đã lập quỹ hỗ trợ thường xuyên hơn 50 mẹ già neo đơn sống tại các huyện: Phong Điền, Nam Đông, A Lưới và thị xã Hương Trà.

Tùy theo mức độ khó khăn của từng trường hợp, giá trị mỗi phần quà từ 200 đến 500 nghìn đồng/tháng cùng nhiều nhu yếu phẩm như sữa, gạo, dầu ăn... tại mục “bao gạo nghĩa tình giúp đỡ người già neo đơn”; mục “Chung tay vì học sinh mồ côi”, hàng năm anh cũng đã tìm được hàng trăm suất quà cho các em học sinh nghèo, mồ côi học khá, giỏi vào các dịp khai giảng, tổng kết năm học, Tết Nguyên đán, Trung thu... ở các huyện: Phong Điền, Nam Đông và A Lưới (Thừa Thiên - Huế) và Hải Lăng (Quảng Trị) với trị giá từ 200 đến 300 nghìn đồng/suất cùng sách vở, quần áo, cặp sách...

Nhờ đó đã giúp hàng chục học sinh không phải bỏ học để lao động trước tuổi; riêng đợt lũ cuối năm 2017, thầy đã huy động và đến bản A Rem (Quảng Bình) tổ chức văn nghệ để trao 150 suất quà cho học sinh trị giá từ 300 nghìn đồng/suất.

Ông Nguyễn Phi Hùng, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Phong Điền bày tỏ: “Mỗi điểm đến, Văn Anh không chỉ thay mặt các nhà hảo tâm trao quà mà còn hát cho người nghèo nghe những bài hát để động viên họ người vượt qua số phận”.

Nói về những việc tiếp theo, thầy giáo Trần Văn Anh cho biết, nhiều học sinh con nhà khá giả sau những lần cùng anh trải nghiệm đã biết đam mê làm việc thiện. Điều này đang thôi thúc anh nuôi ý tưởng không chỉ giúp các em hiểu về ý nghĩa yêu thương con người, biết sẻ chia; mà còn là cách để các em giảm bớt thời gian dành cho các trò chơi điện tử, tránh những hệ lụy từ màn hình.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ