Thầy giáo nặng lòng với biển đảo

Các tác phẩm thơ của thầy Chiến luôn thể hiện tình yêu quê hương, đặc biệt là tình yêu với biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Là giảng viên Trường Cao đẳng Sư phạm Kiên Giang, thầy Tạ Đình Chiến còn có niềm đam mê thơ ca cháy bỏng.
Là giảng viên Trường Cao đẳng Sư phạm Kiên Giang, thầy Tạ Đình Chiến còn có niềm đam mê thơ ca cháy bỏng.

Sinh ra và lớn lên trên quê hương miền biển thuộc huyện Tiền Hải (Thái Bình), từ khi ngồi trên ghế nhà trường, thầy Chiến đã yêu thích thơ của Xuân Diệu, Tố Hữu, Huy Cận... qua những bài giảng của thầy cô. 

Thầy Chiến nhớ lại: "Vì yêu thích thơ ca, có hôm tôi trốn học, rong ruổi dọc theo bờ biển để ngắm biển cả bao la, để trải lòng với sóng nước dạt dào của biển và... để làm thơ. 

Năm 1978, sau khi tốt nghiệp trung học phổ thông, tôi vào Kiên Giang. Miền quê với bạt ngàn rừng tràm U Minh và biển, đảo rộng mênh mông đã níu chân tôi ở lại đến bây giờ".

Gần 40 năm gắn bó với mảnh đất Kiên Giang, thầy Chiến đã sáng tác rất nhiều thơ về tình yêu quê hương đất nước, nhất là về biển, đảo. 

Trong tuyển tập thơ Nơi hò hẹn những dòng sông do Nhà Xuất bản Trẻ xuất bản năm 2014, thầy giáo kiêm thi sĩ Tạ Đình Chiến đã viết về mảnh đất Kiên Giang: “Nơi này mảnh đất thân yêu/Yêu sông Rạch Sỏi nắng chiều lung linh/Xuồng ghe bến nước dập dềnh/Dừa xanh tỏa bóng dòng kênh ngọt ngào (Nơi hò hẹn những dòng sông).

Thơ của Tạ Đình Chiến rất chân phương. Chẳng hạn, khi ngắm nhìn hoàng hôn xuống trên biển Hà Tiên, nhà thơ có những vần thơ: “Hoàng hôn tím chìm dần trên biển/Bóng con thuyền thấp thoáng ngoài khơi/Mây lơ đễnh theo chim về núi/Sóng đa tình ru mãi khúc nhạc yêu (Ráng chiều Hà Tiên).
Các tác phẩm thơ của thầy Chiến đã thể hiện tình yêu biể̉n đảo của Tổ quốc, sự biết ơn những người hy sinh vì Tổ quốc trên vùng biển: “Bao nhiêu người đã từng nghe, từng kể/Về một đoàn tàu không số, không tên/Nhưng đã có mấy ai biết đến/Đấy là một đoàn tàu có số, có tên/Lữ đoàn 125 ngày ấy ra đời/Chở vũ khí chi viện cho tiền tuyến/Làm nên đường Hồ Chí Minh trên biển/Chiến tranh nhân dân thần thánh diệu kỳ/Các con tàu phải xóa số mình đi/Giữ bí mật trước khi rời bến/Xuyên màn đêm, tung mình trên sóng biển/Tiếng gọi thiêng liêng! Thẳng tiến ra chiến trường… (Khúc tưởng niệm người lính tàu không số).
Mỗi khi có dịp ra đảo, thầy Chiến lại có những vần thơ tha thiết nhớ mong: “Chiều nay trên bến cảng/Gió xuân về mơn man/Tà áo ai tha thướt/Lung linh trong nắng vàng…/Cánh hải âu mê mãi/Sóng thân tàu xôn xao/Anh giờ ở nơi nao/Thổ Châu hay Bắc đảo?/Mỗi khi nghe đài báo/Gió mạnh ngoài khơi xa/Là lòng em se lạnh/Gởi nhớ về đảo xanh/Em nguyện ở bên anh/Canh giữ trời trên biển/Nơi biên cương hải đảo/Cho Tổ quốc bình yên (Chiều xuân nhớ đảo). Hay: “Phú Quốc rộn ràng xuân/Cánh mai vàng sắc nắng/biển bạc sóng hôn tàu/Du khách chen bước nhau/Xuống Hàm Ninh, An Thới/Sân bay đang đón đợi/Người xa quê về nhà/Dương Đông ngập sắc hoa/tàu về đầy tôm cá/Dương Tơ vui hối hả/Những công trình mới xây… (Phú Quốc vào xuân).

Thơ của nhà giáo Tạ Đình Chiến có hình ảnh của biển, của những địa danh trên các hòn đảo thân yêu trên vùng biển Tây Nam Tổ quốc. Thơ của thầy đã được đăng trên Báo Kiên Giang, tập san Chiêu Anh Các của Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Kiên Giang, Đặc san Văn hóa, Thể thao và Du lịch Kiên Giang và một số tờ báo Trung ương. 

Các tác phẩm thơ của thầy Chiến thể hiện tình cảm sâu lắng của một người con đất Bắc đối với miền đất phương Nam. Hàng năm, mỗi khi có đợt thi sáng tác thơ cấp tỉnh, thầy Chiến đều tham gia và đoạt giải cao.

Nhà thơ Tạ Đình Chiến có những vần thơ dạt dào tình yêu với biển, đảo quê hương như: “Lại Sơn chiều về thấp thoáng tàu ghe/Bãi Giếng xôn xao, sóng nước vỗ về/Tiếng trẻ thơ râm ran ngôi trường nhỏ/Cờ đỏ tung bay trong gió rộn ràng/Cuộc sống xứ hòn giờ đã khang trang/Nghĩa Đảng tình dân mang niềm vui mới..." (Chiều trên đảo Lại Sơn). 

Hay trong bài thơ Sắc hương đảo ngọc, nhà thơ Tạ Đình Chiến bày tỏ cảm xúc chân thành: “Về thăm đảo ngọc cuối trời Nam/Giữa mùa hoa sim tím mênh mang/Mấy cô thôn nữ trên đồi vắng/Hái trái sim tím cả chiều vàng/Tím Hàm Ninh/Tím sang Cửa Cạn/Tràn Dương Đông - bát ngát Gành Dầu/Du khách về đâu trong chiều tím?/Nghe đâu đây… hương rượu ngọt ngào”. 

Còn ở tác phẩm Bắc đảo chiều xuân đăng trên báo Xuân Ất Mùi Kiên Giang 2015, nhà thơ lại có cảm xúc êm đềm, sâu lắng: “Anh đến quê em, Gành Dầu - Bắc đảo/Giữa chiều xuân, nghe biển hát dạt dào/Gió rì rào bên ngọn phi lao/Như bản tình ca ngọt ngào xao xuyến…“.

Khi được hỏi đã có bao nhiêu bài thơ, thầy Chiến không nhớ hết. Thầy chỉ nhớ mình đã có tuyể̉n tập thơ Nơi hò hẹn những dòng sông với gần 100 bài thơ được xuất bản năm 2014 và nhiều bài thơ in chung trong tập thơ Mắt bão, xuất bản năm 1998. 

Thơ của nhà giáo Tạ Đình Chiến trải dài từ vùng U Minh Thượng, đến Giang Thành, Hà Tiên, Kiên Lương, Phú Quốc… Biển, đảo Kiên Giang sẽ mãi là nguồn chất liệu, khơi gợi cảm xúc để nhà giáo Tạ Đình Chiến tiếp tục cho ra đời những vần thơ chan chứa tình yêu quê hương, đất nước.

Theo baotintuc.vn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ