Sự học nơi đảo xa

Sự học nơi đảo xa

(GD&TĐ) - Giữa mênh mông biển cả với hơn chục ngày trời qua hết đảo nổi đến đảo chìm trên quần đảo Trường Sa, một trưa hè nắng cháy đặt chân lên đảo Trường Sa Lớn, lòng chợt trùng lại và tâm hồn đột nhiên dịu mát khi dưới tán bàng vuông, 5 – 6 em nhỏ quây quần bên cầu trượt nhựa, vỗ tay đồng thanh hát líu lo bài đồng dao biển đảo: Nu na nu nống/ Đánh trống phất cờ/ Biển đảo xa mờ/ Có hai quần đảo/ Hoàng Sa - Trường Sa/ Tên gọi thiết tha/ Trong lòng dân Việt…

Bước lên cầu cảng, cảnh tượng đầu tiên đập vào mắt là hình ảnh các em nhỏ đứng xếp hàng, nép vào bóng của mẹ trên cầu cảng chờ đón đoàn công tác dưới ánh nắng găy gắt bỏng rát da người, dẫu là trong buổi hoàng hôn ở Song Tử Tây hay non nửa buổi sáng hôm ghé vào Sinh Tồn và bây giờ là ở Trường Sa Lớn.

Thú thật khi đó tôi hơi khó chịu với người nào đã huy động các em nhỏ đi làm việc nghi thức này; về sau tìm hiểu mới biết nếu có đoàn công tác đến thăm đảo mà không gọi các em ra thì các em cũng tự ùa ra cầu cảng mà đón các bác, các cô chú đất liền ra thăm đảo. Một năm vui nhất là dịp nửa cuối tháng 4 đầu tháng 5 này và thời điểm tháng cuối năm khi có nhiều chuyến tàu ra thăm đảo, các em sẽ được xem văn nghệ, được nô đùa trong không khí rộn ràng như ngày hội và hơn nữa là những thùng quà bọc trong một tờ giấy đẹp đẽ để cả nhà hồi hộp bóc từng mảng băng dính mở nắp, rồi niềm vui ùa đến khi nhận được một vài món quà nho nhỏ từ đất liền gửi ra.

Chú bé Nguyễn Chinh Si: Cháu giống bộ đội hải quân chưa?
Chú bé Nguyễn Chinh Si: Cháu giống bộ đội hải quân chưa?

Bỏ quên những cái bắt tay thăm hỏi xã giao, không ai bảo ai, cánh phóng viên trẻ đều ào tới chỗ các em nhỏ, hỏi han, chụp hình. Những ánh mắt tròn xoe, những câu trả lời nhát giừng nhanh chóng được dẹp sang một bên khi mấy cậu phóng viên trẻ bắt chước các em cùng lấy que chọc vài quả tra (một loại cây trên đảo) chia nhau ăn. Đồng thời, từng gói kẹo cũng được cánh phóng viên mang ra, phân phát đều đến tay từng em nhỏ. Vậy là “ghi điểm” rồi. Các em bắt đầu líu ríu tranh nhau kể chuyện về gia đình, về các trò chơi về lớp học trên đảo.

Chú bé Nguyễn Chinh Si tỏ ra hoạt bạt như đã quen lắm với các cuộc nói chuyện với người lạ. Hãnh diện khoe bộ quần áo hải quân có đủ cả mũ mão, Si khoe cháu học lớp 1 rồi đấy, kỳ trước cháu được tiên tiến nhé, kỳ này cô Nhung bảo làm bài tốt là sẽ được học sinh giỏi cơ đấy. Cánh phóng viên trẻ đùa: Si cố gắng học giỏi để làm gì nào? Mắt cậu bé bừng sáng: Làm bộ đội hải quân, cháu còn biết bơi nữa, lớn lên là cháu xin các chú cho làm hải quân. Như sợ người nghe chưa tin “quyết tâm” của mình, Si nói thêm; cháu cũng biết chào, đi đều giống các chú bộ đội đấy. Nói rồi Si đứng phắt dậy, đội mũ ngay ngắn, giơ bàn tay nhỏ nhắn lên ngang trán chào đúng kiểu nhà binh, miệng mỉm cười vui sướng; rồi em lại thể hiện động tác đi đều, đứng nghiêm như thể khẳng định cho lời nói của mình. 

Nào chúng ta cùng ôn bài nhé
Nào chúng ta cùng ôn bài nhé

Chúng tôi đến đảo Trường Sa Lớn đúng độ các em chuẩn bị bước vào kỳ thi kết thúc năm học, nhưng nơi đây việc học hành không là ngánh nặng với các em nhỏ giống như ở các thành phố lớn. Học tập và vui chơi luôn không quyện với nhau bởi trường học đặc biệt của đảo chỉ có một cô giáo Bùi Thị Nhung phụ trách 7 em HS (lớp 5 và lớp 3 mỗi lớp có 1 em, lớp 2 và lớp 1 mỗi lớp có 2 em và mẫu giáo có 1 em). Tất cả các em cùng ngồi chung một phòng học xoay theo các hướng khác nhau để cô giáo đến với từng em  hướng dẫn các em học tập theo chương trình của mình. Em nhỏ tuổi nắn nót tập viết từng con chữ, em lớn tuổi ngồi viết chính tả, làm toán… Quan sát một lúc chúng tôi đã thấy mồ hôi chảy dòng dòng trên má cô giáo Nhung. Gọi đây là lớp học “maraton” có lẽ cũng đúng. Giáo viên cứ xoay tròn trong một diện tích không quá 20m2; xoay tròn từ mẫu giáo lớp đến lớp 5, chỉ trong một buổi dạy…

Từ lớp học này những con chữ Tổ quốc, quê hương, Trường Sa.... đã dần hình thành ý nghĩa trong trái tim của mỗi em nhỏ. Không có phố phường nhộn nhịp, không có công viên vườn thú ở đây chỉ có bố mẹ, các chú bộ đội và cô giáo, các em đến lớp không chỉ để học mà còn để vui chơi, để nghe cô giáo kể chuyện về đất nước ta rộng dài từ bắc vào nam với núi cao hùng vĩ sông dài và rừng rậm; có phố xá làng mạc với những con đường tít tắp chứ không chỉ là những lối mòn hay đường bê tông ngắn ngủn như trên đảo.

Lớp học đặc biệt của cô giáo Bùi Thị Nhung trên đảo Trường Sa Lớn
Lớp học đặc biệt của cô giáo Bùi Thị Nhung trên đảo Trường Sa Lớn

Cuộc sống trên đảo thiếu thốn và khó khăn nhưng yên bình như bao bản làng xa xôi của Tổ quốc. Các em nhỏ đang từng ngày lớn lên giữa biển trời sóng nước, chắc rằng sau này dù có đi đâu, ở đâu nhưng quãng đời tuổi thơ gắn bó với đảo xa của các em vẫn mãi là những ký ức đẹp đẽ không thể nguôi quên. Riêng tôi, người khách ghé thăm đảo, sau khi bước chân lên bờ nhanh chóng quên đi cái dập dềnh của sóng thấy Trường Sa thật gần với đất liền và nhớ mãi hình ảnh các em nhỏ chơi nhảy ô lò cò, líu ríu những câu chuyện, nhớ mãi khúc đồng giao trên đôi môi những thiên thần nhỏ trên đảo xa: Nu na no nống/Nu nống nu na/Hoàng Sa - Trường Sa…

Trường Sa - mảnh đất thiêng liêng giữa muôn trùng sóng gió đại dương Tổ quốc. Ngỡ tưởng rằng nơi cát trắng đá chìm ấy ngoài nắng rát, gió mặn chỉ có những người lính rắn rỏi, dạn dày với sóng gió mới có thể bám trụ vậy mà đối với các em nhỏ đang sinh sống trên đảo Trường Sa Lớn lại đang là nơi nuôi dưỡng những ước mơ của những tâm hồn thơ bé. Nơi ấy, ngoài sóng và gió, vẫn vang lên những tiếng cười đùa của trẻ nhỏ sau mỗi giờ học miệt mài…

Nhất Nguyên 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ