Thầy giáo đeo đuổi ước mong nâng cao chất lượng giáo dục quê hương 'xứ Nhãn'

GD&TĐ - Là trưởng khoa Cơ khí, Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật Hưng Yên, PGS.TS Trần Thế Văn không ngừng đổi mới giảng dạy, thúc đẩy giảng viên làm NCKH.

PGS.TS Trần Thế Văn, Trưởng khoa Cơ khí tại Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Hưng Yên. Ảnh: NVCC.
PGS.TS Trần Thế Văn, Trưởng khoa Cơ khí tại Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Hưng Yên. Ảnh: NVCC.

PGS.TS Trần Thế Văn, 39 tuổi, hiện là Trưởng khoa Cơ khí tại Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Hưng Yên, tỉnh Hưng Yên.

Mong muốn phát triển quê hương

Tốt nghiệp Trường THPT Kim Động, PGS.TS Trần Thế Văn thi đỗ vào Đại học Bách khoa Hà Nội. Sau khi tốt nghiệp đại học, thầy trở về công tác tại Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Hưng Yên. Năm 2010, thầy Văn trúng tuyển cao học Đại học Bách Khoa Hà Nội, ngành Công nghệ Chế tạo máy và nhận bằng thạc sĩ năm 2012.

Năm 2012, thầy Văn nhận được học bổng Nghiên cứu sinh ngành Cơ khí và Hàng không tại Đại học Phùng Giáp (FengChia University), Đài Loan, Trung Quốc và tốt nghiệp Tiến sĩ vào năm 2015 với 03 bài báo công bố trên tạp chí quốc tế uy tín Q1 và nhiều báo cáo tại các hội thảo quốc tế. Sau đó, thầy tiếp tục làm nghiên cứu sau Tiến sĩ tại Đại học Quốc gia Trung ương (National Central University), Đài Loan, Trung Quốc.

Năm 2016, thầy Văn trở về quê hương và công tác tại Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Hưng Yên. Sau nhiều nỗ lực, cố gắng làm việc, giảng dạy và nghiên cứu khoa học, đến năm 2019, thầy Văn được phong hàm Phó Giáo sư với gần 30 bài báo được công bố trên các tạp chí uy tín trong và ngoài nước. Tháng 7 vừa qua, thầy nhận công tác tại vị trí Trưởng khoa Cơ khí, Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Hưng Yên.

Thầy Văn bộc bạch: “Làm nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực Cơ khí có nhiều khó khăn, thách thức và ít người theo đuổi lĩnh vực này. Trong quá trình trau dồi chuyên môn tại Đài Loan, tôi may mắn có cơ hội được gặp gỡ và theo học một giáo sư nổi tiếng, từng theo học Mỹ. Thầy được mệnh danh là ‘Vua Bánh răng của Đài Loan-King of the Gears’. Sự chỉ bảo, dẫn dắt của thầy và các thầy cô giáo khác đã truyền cảm hứng, động lực để tôi phấn đấu”.

PGS.TS Trần Thế Văn tham dự hội nghị khoa học toàn quốc. Ảnh: NVCC.

PGS.TS Trần Thế Văn tham dự hội nghị khoa học toàn quốc. Ảnh: NVCC.

Trở về làm giảng viên tại Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Hưng Yên, thầy Văn chia sẻ một phần vì yêu nghề giảng dạy, một phần vì yêu trường và yêu quê hương “xứ Nhãn”. Thầy mong muốn góp một phần công sức của mình cho sự phát triển của quê hương, nhất là trong lĩnh vực Cơ khí và Cơ khí tự động hóa.

Được cử đi học ở nước ngoài, hơn nữa mong muốn mang những công nghệ hiện đại về giảng dạy, PGS.TS Trần Thế Văn luôn cố gắng truyền cảm hứng học tập và chuẩn bị những tiết dạy hiệu quả, sinh động cho sinh viên. Thầy Văn chia sẻ, do đầu vào của trường không cao như nhiều trường khác cùng chuyên môn đào tạo, nên điều đầu tiên thầy quan tâm về bài giảng là giúp sinh viên dễ hiểu, dễ nhớ và dễ thực hành.

Trong chương trình đào tạo, ở phần lý thuyết, thầy Văn tăng cường đưa các phần mềm thiết kế phân tích, mô phỏng hệ thống, phần mềm hỗ trợ thực hành ảo, phần mềm lập trình... và ứng dụng công nghệ thông tin mang lại những hình ảnh 3D, hình ảnh đa chiều. Điều này góp phần giúp bài giảng trở nên sinh động, sinh viên có cái nhìn trực quan, cụ thể.

Dù chưa được tiếp xúc trực tiếp với máy móc hoặc xuống phòng thực hành, nhưng khi đã hiểu và nắm bắt tốt lý thuyết, các em sẽ nhanh chóng bắt nhịp khi thực hành, thực tại các Trung tâm thực hành của trường cũng như tại các nhà máy sản xuất.

Theo thầy Văn, thế hệ sinh viên hiện nay rất năng động, sáng tạo nên người thầy cũng phải tích cực đổi mới, ứng dụng công nghệ thông tin để tạo động lực cho các em nâng cao trình độ chuyên môn. Cơ khí cũng là lĩnh vực có nhiều thay đổi trong xu thế hiện đại hoá nên đào tạo sinh viên lĩnh vực này cũng cần sự đổi mới.

PGS.TS Trần Thế Văn tích cực đổi mới, sáng tạo trong phương pháp giảng dạy. Ảnh: NVCC.

PGS.TS Trần Thế Văn tích cực đổi mới, sáng tạo trong phương pháp giảng dạy. Ảnh: NVCC.

Tạo động lực để giảng viên nghiên cứu khoa học

Thu hút sinh viên theo học lĩnh vực Cơ khí cũng là điều được PGS.TS Trần Thế Văn quan tâm. Theo thầy Văn, việc thu hút sinh viên cần tập trung phát triển các nguồn lực.

Từ năm 2012, Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Hưng Yên đã cử giảng viên đi học trình độ thạc sĩ, tiến sĩ nhằm xây dựng đội ngũ giáo viên có trình độ cao, góp phần nâng cao chất lượng giảng dạy của nhà trường. Đến nay, hơn 60% giảng viên của Khoa Cơ khí, Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Hưng Yên có trình độ tiến sĩ.

Tỉnh Hưng Yên có 10 khu công nghiệp, tổng diện tích khoảng 2.500 ha. Hiện có bảy khu công nghiệp đi vào hoạt động tiếp nhận 435 dự án đầu tư trong và ngoài nước, với tổng vốn đầu tư hơn 25 nghìn tỷ đồng và 4 tỷ USD. Nhu cầu nhân lực chất lượng cao ngay trên địa bàn tỉnh là cơ hội rất tốt đối với sinh viên nhà trường nói chung và khoa cơ khí nói riêng.

Bên cạnh đó, cơ hội việc làm sau khi tốt nghiệp cũng cần được quan tâm, Trường đóng trên địa bàn tỉnh Hưng Yên là tỉnh thuộc vùng đồng bằng Bắc Bộ, thuộc tam giác kinh tế trọng điểm Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh. Hưng Yên phía bắc giáp tỉnh Bắc Ninh, phía đông giáp tỉnh Hải Dương, phía tây giáp thủ đô Hà Nội và Hà Nam, phía nam giáp tỉnh Thái Bình.

Ngoài ra, khoa Cơ khí nói riêng và Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Hưng Yên nói chung luôn quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, hướng đến mục tiêu người học sau khi tốt nghiệp có thể làm việc luôn theo nhu cầu của doanh nghiệp không cần doanh nghiệp đào tạo lại.

Do đó, nhà trường và khoa đã tăng cường đầu tư, bổ sung các thiết bị máy móc hiện đại như các hệ thống Robot công nghiệp, trung tâm gia công CNC, Hệ thống máy đo quét 3D tiên tiến, phục vụ học tập và thực hành, nghiên cứu của sinh viên và giảng viên.

Trên cương vị trưởng khoa, PGS.TS Trần Thế Văn còn mong muốn có thể khuyến khích, thúc đẩy giảng viên, sinh viên làm nghiên cứu khoa học nhằm góp phần trau dồi chuyên môn và kiến thức.

Theo PGS.TS Văn, cần tạo động lực cho giảng viên phấn đấu ngoài giảng dạy tốt còn có đam mê làm nghiên cứu khoa học. Người quản lý cũng cần đặt ra đề bài cho giảng viên trong khoa để cùng nhau tìm ra giải pháp nghiên cứu; thúc đẩy môi trường làm việc nhóm, sự phối hợp giữa giảng viên với giảng viên, giảng viên với sinh viên.

Chia sẻ về những dự định trong thời gian tới, PGS.TS Trần Thế Văn khẳng định tiếp tục thực hiện tốt công tác giảng dạy, nghiên cứu và quản lý. Trong đó, có định hướng mở rộng các chương trình đào tạo lĩnh vực Cơ khí và Cơ khí tự động hóa đạt tiêu chuẩn kiểm định quốc gia và quốc tế. Đồng thời, đưa các ngành đào tạo lĩnh vực Cơ khí và Cơ khí tự động hóa của trường lọt tốp trong các chương trình đào tạo tốt nhất trong cả nước.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

MIT miễn học phí cho sinh viên đến từ gia đình thu nhập thấp.

MIT miễn học phí cho sinh viên

GD&TĐ - Từ học kỳ mùa Thu năm 2025, Viện Công nghệ Massachusetts (MIT), sẽ miễn học phí cho sinh viên thuộc gia đình có thu nhập dưới 200 nghìn USD.

Người bệnh nhập viện trong tình trạng đau tức ngực dữ dội, khó thở. Ảnh: BVCC

Nhồi máu cơ tim sau tập thể hình

GD&TĐ - Các bác sĩ Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện E đã cứu sống một nam thanh niên (32 tuổi) nhập viện do nhồi máu cơ tim cấp.