Vượt định kiến
Thầy Lưu Quang Anh (sinh năm 1991) – giáo viên Trường Mầm non A Thị trấn Bình Mỹ (Bình Lục, Hà Nam) vào nghề và nhận công tác tại trường từ năm 2013. Sau gần chục năm gắn bó với giáo dục mầm non, thầy Quang Anh có nhiều kỷ niệm bên những ánh mắt thơ ngây của trẻ mỗi khi tới trường.
Kể về hành trình đến với nghề, thầy Quang Anh nói: Mẹ tôi công tác trong ngành Giáo dục nên bản thân sớm được gia đình định hướng theo nghề sư phạm. Tuy nhiên, việc nộp hồ sơ và học ngành giáo dục mầm non lại là sự lựa chọn của cá nhân.
Khi hay tin, gia đình và người thân đều cảm thấy bất ngờ, thậm chí can ngăn và khuyên Quang Anh nên suy nghĩ lại. Dạy trẻ tiểu học đã rất vất vả, áp lực mà lại còn chọn giáo dục mầm non, liệu có đủ kiên nhẫn, sức chịu đựng để làm tròn vai hay không?
“Lúc đó tôi cũng khá áp lực bởi hàng loạt lý do mà mọi người nêu ra. Bố mẹ, người thân đều lo lắng thì mới khuyên mình như vậy. Nhưng tôi luôn tâm niệm, chỉ cần có lòng kiên trì, nỗ lực cố gắng thì mọi khó khăn đều có thể vượt qua. Khi mới vào nghề, tôi cũng nhận thấy để chăm sóc, nuôi dưỡng một đứa trẻ mới công phu, cẩn thận đến mức nào. Các bậc phụ huynh đã tin tưởng, trao gửi các em tới trường thì hơn ai hết, mình là giáo viên càng phải nâng niu, yêu thương trẻ như chính con đẻ của mình. Một khi mình yêu mến thì trẻ cũng sẽ quý lại mình.
Phương pháp dạy trẻ cũng phải có nhiều cách khác nhau nhưng tuyệt đối không phải là bằng đòn roi, dọa dẫm. Giáo viên cần hòa đồng, phân tích cho trẻ cái đúng cái sai, có những lúc vui vẻ nhưng đôi khi cũng phải nghiêm túc mới đem lại hiệu quả. Các công việc như dỗ trẻ đi ngủ, bón thức ăn hay làm vệ sinh cá nhân mình vẫn phải tập luyện để dần vào nếp”, thầy Quang Anh tâm sự.
Mặc dù vậy, thầy giáo trẻ thừa nhận mình cũng gặp phải những khó khăn nhất định, nhất là khi mới vào nghề. Đã có lúc, Quang Anh muốn bỏ nghề vì lương thấp, áp lực nhiều. Tuy nhiên, với sự động viên, giúp đỡ tận tình của ban giám hiệu cũng như đồng nghiệp, trẻ dần quen và có thiện cảm với thầy giáo. Điểm thuận lợi mà thầy cảm nhận được chính là môi trường làm việc toàn nữ giới nên rất thân thiện, mọi người cùng quan tâm, giúp đỡ nhau trong công việc.
Nhờ đó, tình yêu nghề cũng như trình độ chuyên môn, tay nghề của thầy Quang Anh ngày càng được khẳng định. Ngoài ra, điều thôi thúc thầy gắn bó với nghề chính là tấm gương của nhiều thế hệ nhà giáo, đặc biệt là các cô giáo mầm non đã sống và làm việc, gắn bó, tâm huyết, hy sinh với nghề từ những năm tháng khó khăn, vất vả.
Bén duyên vợ chồng
Một điều khá đặc biệt, theo thầy Lưu Quang Anh, là vào ngành mầm non “lãi” được cô vợ. Sau khoảng 6 năm công tác, thầy giáo trẻ đã bén duyên với đồng nghiệp tại trường. Cả hai cùng làm trong ngành nên thấu hiểu sự vất vả của nghề và dễ cảm thông cho nhau.
Hơn nữa, vợ chồng cùng làm việc và gắn bó với mái trường nên càng thêm yêu nghề, yêu người chứ không còn chút tư tưởng nào là muốn bỏ hay chuyển nghề cả. Thông qua những giờ lên lớp và các hội thi giáo viên giỏi cấp trường, cấp huyện, thầy Quang Anh liên tiếp gặt hái được thành công và tự khẳng định mình thông qua thành tích ở từng cuộc thi. Thầy đã nhiều năm đạt danh hiệu giáo viên dạy giỏi cấp trường, 3 năm cấp huyện và 1 năm cấp tỉnh.
“Để đạt được các danh hiệu trên, tôi cảm thấy rất vui mừng. Điều quan trọng là bản thân mình phải thực sự cố gắng, nỗ lực không ngừng học hỏi và lắng nghe mọi người xung quanh, động viên từ gia đình, đặc biệt là hỗ trợ của đồng nghiệp”, thầy Lưu Quang Anh cho hay.
Có 3 cháu học tại Trường Mầm non A thị trấn Bình Mỹ, bà Hoàng Thị Khánh nhận xét: Thầy Quang Anh rất nhiệt tình với học sinh và niềm nở với phụ huynh. Mỗi ngày đưa trẻ ra lớp, thầy đều ân cần đón cháu rồi khi ra về, thầy cũng mặc quần áo, buộc tóc cho trẻ rất thành thục. Ở nhà chăm cháu đã rất mệt mỏi mà ở lớp mấy chục cháu, thầy giáo vẫn trông nom và dạy trẻ các kỹ năng cơ bản. Đàn ông chọn “nghề trái giới” mà làm được như vậy rất hiếm nên phụ huynh rất tin tưởng, quý mến thầy.