Thầy giáo 8 năm dạy bơi miễn phí cho học sinh

GD&TĐ - Thầy giáo Lê Văn Tùng, giáo viên trường THCS Cẩm Trung (Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) suốt 8 năm liền dạy bơi miễn phí cho hơn 1000 học sinh ở Hà Tĩnh đã được nhiều người ngưỡng mộ, yêu mến…

Thầy giáo 8 năm dạy bơi miễn phí cho học sinh
Thầy giáo 8 năm dạy bơi miễn phí cho học sinh ảnh 1Thầy giáo 8 năm dạy bơi miễn phí cho học sinh ảnh 2Thầy giáo 8 năm dạy bơi miễn phí cho học sinh ảnh 3Thầy giáo 8 năm dạy bơi miễn phí cho học sinh ảnh 4

Trăn trở giúp trẻ nghèo học bơi

Sinh ra, lớn lên tại vùng đất nghèo của xã Cẩm Minh (Cẩm Xuyên), vượt qua khó khăn về kinh tế của gia đình Lê Văn Tùng thi đậu vào khoa Thể dục trường Đại học Vinh. Sau khi tốt nghiệp năm 2001, Tùng được phân công về giảng dạy tại trường THCS Cẩm Trung.

Quê Tùng là vùng bán sơn địa, đồi núi xen kẻ đồng bằng, đặc biệt ở đây có hệ thống các kênh, lạch, các con đập khá dày. Người dân mãi lo toan ruộng đồng, đồi bãi vì cuộc sống mưu sinh, để mặc trẻ em sáng đến lớp, chiều chăn trâu, cắt cỏ, kiếm củi. 

Hiểm nguy luôn rình rập các em từ các con sông, con suối, đặc biệt là về mùa mưa lũ. Nhiều cái chết thương tâm do bị đuối nước, nhiều chuyện buồn ở làng quê này đã ám ảnh mãi trong tâm trí của thầy Tùng ngay từ những ngày còn đi học cho tới bây giờ. 

Tùng nghĩ, mình phải làm một việc gì đó để giúp đỡ được phần nào những khó khăn cho người dân ở quê.

Đã nói là làm bằng được. Năm 2006, Tùng trình bày ý kiến muốn dạy bơi cho trẻ em trong vùng và không được bố đồng ý. Ông cụ bảo: “Con chỉ có 2 mắt, trẻ em cần học thì đông, con không thể thấy được hết hiểm nguy, lỡ có chuyện không hay thì lại mang thêm họa, nhà ta đã khó, nay con có việc làm rồi, cố bám lấy nó mà sống, không lo hết việc xã hội đâu con”.

Sau nhiều lần suy nghĩ, trăn trở, thấy lời dạy của cha không sai. Nhưng Tùng vẫn quyết tâm theo đuổi mong muốn dạy bơi cho trẻ em. 

Cuối cùng anh đã tìm ra giải pháp để vừa bảo đảm an toàn cho các em, vừa thuận lợi cho mình đó là thực hành các động tác bơi ngay trên bãi cỏ, sau đó dùng các loại xô, chậu đựng nước nước cho các em tập ngâm đầu vào trong đó để tập nín thở và làm quen với môi trường nước. 

Cách dạy bơi này, cho đến nay có lẽ chỉ có ở Tùng. Khi không còn sợ nước nữa mới cho các em ra bãi có độ sâu khoảng 30 - 40 cm sau đó sâu dần để các em thích nghi.

Lúc đầu, khi thầy Tùng trình bày ý kiến đã được Ban giám hiệu các nhà trường và chính quyền các xã lân cận ủng hộ. Nhưng khi tiếp xúc với phụ huynh học sinh, mặc dù hầu hết mọi người đều bày tỏ mong muốn cho con mình được học bơi để trang bị kỹ năng tự bảo vệ mình trước nguy cơ đuối nước, nhưng không tin thầy Tùng có thể làm được nên họ không dám cho con mình mạo hiểm.

 Với sự chuẩn bị kỹ lưỡng, được sự ủng hộ về mặt tinh thần của các tổ chức, đoàn thể, Tùng đã vận động được các gia đình để con em họ đến lớp học bơi của anh.

Thi bơi với trai làng biển để giành bãi tập cho học sinh

Sau khi được sự ủng hộ của người dân, chính quyền địa phương và nhà trường thì một khó khăn nữa đến với thầy Tùng đó là bãi tập. 

Lâu nay, thầy Tùng dùng một cát bằng phẳng để tập bơi trên bờ và diện tích mặt nước ven bờ biển cạn, đảm bảo độ an toàn để dạy bơi thực hành thuộc xã Cẩm Lĩnh nhưng lại bị các tàu thuyền hút cát chiếm lấy. 

Hơn 2 tuần Tùng cố gắng thương lượng nhưng không thành. Lúc đó, những người dân biển chuyên bán cát cứ nghĩ Tùng lấy bãi đó để phục vụ lợi ích khai thác của mình.

Sau khi giải thích, bãi đó dùng cho việc học bơi của trẻ họ rất nể phục công việc của người thanh niên này. Nhưng họ cho rằng Tùng không dạy bơi được vì quê Tùng ở vùng đồi núi. 

Thế là cuộc thi bơi để giành bãi tập bắt đầu. Tất cả tàu thuyền hút cát của những người thanh niên miền biển hôm đó đều nghỉ, tập trung sớm ở bãi sông để chứng kiến. Phần thưởng cho Tùng nếu thắng cuộc là bãi sông để tập bơi và được mời lên thuyền kết nghĩa anh em với người dân miền biển. 

Nếu Tùng thua, phải bỏ ý định chiếm nơi làm ăn của họ và đền cho mỗi thuyền 1 thùng bia. Sau 3 vòng bơi, 5 người trai làng biển phải bỏ cuộc. Bãi sông được cắm mốc, căng dây, biển báo ranh giới để Tùng làm chỗ dạy bơi cho trẻ.

Và những thành công

Không ngại vất vả, nhất là những dị nghị của một số ít người, trong 8 năm, qua, Tùng đã dạy bơi cho hàng ngàn lượt trẻ em trong và ngoài vùng. Nghe tin thầy Tùng thường xuyên mở lớp dạy bơi miễn phí, nhiều gia đình tại thị trấn Cẩm Xuyên và các huyện khác cứ mùa hè đều đưa con em về học bơi với thầy Tùng.

Tiếng lành đồn xa, các chương trình tập huấn bơi lội ở địa phương, anh đều được mời tham gia. Hiện nay, điều kiện và trang bị dụng cụ dạy bơi của Tùng cơ bản được bảo đảm hơn trước, nhưng còn thiếu thốn nhiều và thô sơ.

Các em học sinh được thầy Tùng dạy bơi miễn phí nay đều đã có kĩ năng bơi từ cơ bản đến thành thạo, có nhiều em có khả năng bơi giỏi. Việc làm của Tùng được đã làm cho đông đảo bà con nhân dân trong vùng hết sức phấn khởi, ủng hộ và hưởng ứng nhiệt tình.

Trong tình trạng nguy cơ đuối nước ở trẻ em trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh nói riêng và cả nước nói chung đã đến mức báo động thì việc làm dạy bơi miễn phí cho học sinh của thầy giáo Lê Văn Tùng trong nhiều năm vừa qua thật đáng trân trọng. 

Càng đáng trân trọng hơn khi trong thời buổi kinh tế thị trường, giữa bề bộn của cuộc sống mưu sinh, việc “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng” của thầy Tùng thật giàu ý nghĩa nhân văn.

Phần thưởng lớn nhất của thầy Tùng là giúp được các em học sinh trong vùng có khả năng tránh được nguy cơ đuối nước, nhất là những ngày học sinh nghỉ hè đi tắm biển, tắm sông và khi mùa mưa lũ về.

Và điều mong muốn lớn nhất của thầy giáo Lê Văn Tùng là làm sao có thêm nhiều mô hình như anh đã và đang làm được nhân rộng ở nhiều địa phương trong cả nước dạy trẻ biết bơi để hàng năm không còn phải nghe những tin buồn về trẻ em bị chết vì đuối nước.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tên lửa đạn đạo phi hạt nhân mới “Oreshnik” của Nga

'Mục tiêu nóng' đang chờ Oreshnik?

GD&TĐ -Nga được cho là đã biên soạn một danh sách các địa điểm quân sự quan trọng của Kiev sẽ bị nhắm mục tiêu trong giai đoạn tiếp theo của cuộc xung đột.

Truyện ngắn: Sau lưng ba

Truyện ngắn: Sau lưng ba

GD&TĐ - Ngồi sau lưng ba, tôi vui vẻ hát vu vơ mấy bài hát trên lớp cô giáo dạy. Ba tôi khen tôi hát hay, càng làm tôi hưng phấn rống cổ hát to hơn.