Thấy gì qua vụ khủng bố kinh hoàng ở Anh?

GD&TĐ - Cảnh sát Anh đã nêu tên nghi phạm vụ đánh bom đêm 22/5 (rạng sáng 23/5 theo giờ Việt Nam) phía ngoài nhà thi đấu Manchester Arena, khiến ít nhất 22 người thiệt mạng và 59 người bị thương. 

Thấy gì qua vụ khủng bố kinh hoàng ở Anh?

Nhiều người trong số đó là trẻ em và thanh niên. Đây là con số thương vong do tấn công khủng bố lớn nhất tại Anh kể từ vụ đánh bom London năm 2005.

Lộ diện kẻ tình nghi

Mặc dù chưa được các nhân viên pháp y chính thức khẳng định, nhưng nghi phạm Salman Abedi (22 tuổi) được cho là đã chết trong vụ nổ.

Cảnh sát trưởng Manchester Ian Hopkins cho biết lực lượng điều tra đang tiếp tục xác minh xem còn ai trong số những người đã chết có liên quan đến vụ tấn công hay không. Ông cũng cho biết nhiệm vụ hàng đầu của cảnh sát Anh hiện nay là xác định xem Salman Abedi hoạt động đơn độc hay là một phần của một mạng lưới khủng bố.

Mang trong mình dòng máu Liba, Salman Abedi sinh ra và lớn lên tại Anh. Thời điểm nổ ra cuộc cách mạng ở Libya năm 2011, cha của Abedi đã trở lại Libya, còn người mẹ vẫn ở lại Anh để chăm sóc bốn người con, trong đó có một cô con gái. Sau một thời gian, những người còn lại trong gia đình Abedi cũng trở về Libya, ngoại trừ Abedi và anh trai là Ismail.

Theo Akram Ben Ramadan, một người bạn thân thiết của gia đình Abedi, Abedi luôn có vẻ là một đứa bé cô độc. Dù đã vài năm không gặp lại Abedi, nhưng Ramadan vẫn nhớ rằng Abedi đã bắt đầu ăn mặc theo truyền thống Hồi giáo và để râu.

Những người láng giềng của Abedi miêu tả người thanh niên này ngày càng trở nên sùng tín và xa cách với những người xung quanh. Một người hàng xóm nhớ lại: Anh ta thường nói “chỉ có một đấng tối cao duy nhất và nhà tiên tri Mohammed là sứ giả của Người”.

Năm 2015 - 2016, Abedi là một sinh viên ngành Kinh doanh và quản lý của Trường ĐH Salford - trường ĐH lớn thứ 3 của Manchester.

Anh ta đã ghi danh cho năm học thứ hai, nhưng không đến lớp, cũng không hề tham gia bất kỳ hoạt động nào của trường. Không giống đa số sinh viên, Abedi không sống trong ký túc xá ở Salford mà sống tại Nam Manchester, một khu khá nổi tiếng đối với giới trẻ và sinh viên.

Người dân ở Whalley Range chỉ biết, Salman Abedi là nghi phạm vụ đánh bom khủng bố tại sân vận động Manchester, khi khoảng 30 cảnh sát trang bị chống bạo động, được hỗ trợ bởi 2 trực thăng, ập vào nhà Abedi.

Mức độ cảnh báo khủng bố cao nhất

Sau vụ khủng bố, lần đầu tiên trong suốt một thập kỷ, chính phủ Anh tuyên bố cảnh báo nguy cơ khủng bố lên mức cao nhất. Tất cả các cuộc vận động tranh cử đang sôi nổi ở Anh đều ngừng lại.

Theo Thủ tướng Anh Theresa May, cơ quan tình báo nước này lo ngại có nguy cơ một cuộc tấn công tiếp theo, đồng thời bà cũng cảnh báo rằng, các nhà điều tra có thể không làm giảm bớt được sự liên quan từ “một nhóm rộng lớn hơn” của những kẻ khủng bố.

Việc nâng cao mức đe dọa khủng bố có nghĩa là “không chỉ có thể có một cuộc tấn công khác mà nhiều cuộc tấn công có thể xảy ra”.

Nguy cơ này khiến chính phủ Anh buộc phải triển khai các nhân viên quân sự vũ trang hỗ trợ cảnh sát và các lực lượng an ninh khác, đặc biệt là việc giữ an ninh ở các điểm then chốt như các sự kiện hòa nhạc, thể thao.

Thủ tướng Anh phát biểu: “Tôi không muốn công chúng lo lắng quá mức, nhưng cần có phản ứng phù hợp và nhạy cảm đối với mức độ đe dọa”.

Ngày 23/5, trên kênh Telegram của mình, Tổ chức IS tuyên bố “một người lính của thượng đế” đã có thể “đặt thiết bị nổ” ở sân vận động Manchester, tuy nhiên không đưa ra được bằng chứng cụ thể nào. IS thường xuyên “nhận vơ” nhiều cuộc tấn công khủng bố mà không có sự liên kết nào được chứng minh bằng thực tế.

Tổng thống Mỹ Donald Trump bày tỏ sự phẫn nộ với vụ tấn công và cho rằng thủ phạm chỉ là “những kẻ thua cuộc”. Ông lên án: “Biết bao người trẻ đẹp đẽ, vô tội đang sống và tận hưởng cuộc sống đã bị sát hại vì những kẻ xấu xa.

Tôi sẽ không gọi chúng là ác quỷ vì đó là điều chúng muốn. Chúng sẽ nghĩ đó là một cái tên tuyệt vời. Tôi sẽ gọi chúng là những kẻ thua cuộc, đúng như bản chất. Tư tưởng độc ác này cần bị xóa sổ”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT.

Truyện ngắn: Hồi ức khó quên

GD&TĐ - Tôi từng nghĩ rằng mình có thể hóa thành một chiếc ô, chỉ dựa vào sức lực và ý chí của bản thân để che chở cho cả gia đình trước những cơn giông bão của cuộc đời.

Minh họa/INT.

Nhạc kịch Việt tự tin 'cất cánh'

GD&TĐ - Nhạc kịch 'Giấc mơ Chí Phèo' của Nhà hát Ca Múa Nhạc Thăng Long đang được khởi động bán vé cho suất công diễn cuối tháng 12.