Thay “đồng phục” cho taxi Hà Nội?

GD&TĐ - Sở GTVT Hà Nội đang tổ chức lấy ý kiến đóng góp từ các cơ quan, doanh nghiệp và cá nhân về quy chế Quản lý hoạt động kinh doanh vận tải hành khách bằng xe taxi trên địa bàn TP Hà Nội. Theo đó, sẽ quản lý taxi theo vùng hoạt động và nhận biết bằng màu sơn thống nhất. Sau khi lấy ý kiến, dự thảo quy chế sẽ được trình UBND TP Hà Nội phê duyệt và triển khai trong năm 2019. Tuy nhiên, vẫn còn những ý kiến trái chiều.

Ý tưởng thống nhất màu sơn và họa tiết cho taxi tại Hà Nội đã được đưa ra nhiều lần
Ý tưởng thống nhất màu sơn và họa tiết cho taxi tại Hà Nội đã được đưa ra nhiều lần

Quản lý theo vùng và màu sơn

Theo đó, các nội dung được Sở GTVT TP Hà Nội lấy ý kiến bao gồm: Quản lý taxi theo vùng hoạt động và nhận biết bằng màu sơn thống nhất. Đối với vùng hoạt động, toàn bộ taxi tại Hà Nội sẽ được chia làm 2 vùng, trong đó, vùng 1 bao gồm địa giới hành chính tại các quận và vùng 2 bao gồm địa giới hành chính tại các huyện, thị xã.

Để thực hiện theo quy định mới này, chủ doanh nghiệp phải đáp ứng được đầy đủ các quy định của pháp luật hiện hành, như: Đăng ký, đăng kiểm phương tiện còn thời hạn; đáp ứng tiêu chuẩn khí thải; bảo đảm các quy định về niêm yết trên phương tiện, phòng chống cháy nổ, lắp đặt thiết bị thông tin liên lạc, phù hiệu, hộp đèn, đồng hồ tính cước, thiết bị in hóa đơn; niêm yết các quy định về bảo đảm trật tự an toàn giao thông, hướng dẫn thông tin hành khách; xe có lắp đặt thiết bị giám sát hành trình GPS. Đặc biệt, điểm mới của dự thảo quy chế lần này vừa được bổ sung, là để chuẩn bị cho việc thành phố triển khai thu phí vào nội đô sắp tới, toàn bộ xe taxi trên địa bàn thành phố phải lắp đặt thiết bị thu phí tự động…

Về màu sơn, dự thảo quy chế thống nhất thiết kế 5 màu cơ bản (vàng, đỏ, trắng, xanh, ghi). Từ năm 2019 - 2025, xe taxi thay mới, tăng thêm sẽ áp dụng màu sơn chung. Từ năm 2026, thống nhất áp dụng màu sơn chung đối với xe taxi hoạt động trên địa bàn thành phố. Các doanh nghiệp taxi được lựa chọn một trong các màu trên và đăng ký thương hiệu riêng của mình. Thời gian để Sở GTVT Hà Nội thực hiện lấy ý kiến về dự thảo quy chế sẽ xong trước ngày 22/9.

Còn ý kiến trái chiều

Chiều 26/8, trao đổi với Báo GD&TĐ, Chủ tịch Hiệp hội taxi Hà Nội Nguyễn Công Hùng cho rằng, đối với Thủ đô Hà Nội thì điều này rất cần thiết. Ở các nước như: Hàn Quốc, Singapore, Nga... người ta đều quản lý taxi theo màu và có quy chuẩn chung về màu sơn.

“Điều này cũng phù hợp Nghị định 86 về điều kiện kinh doanh vận tải bằng ô tô đã ban hành trước đây. Đó là các doành nghiệp vận tải taxi phải có nhận diện bằng màu sơn, logo. Hiệp hội đã tham gia với TP Hà Nội về việc sử dụng 5 màu sơn chủ đạo. Việc thống nhất 5 màu sơn là để tạo sự chuyên nghiệp, văn minh, loại bỏ taxi dù. Cùng với đó việc phân vùng để các đơn vị quen hoạt động ở vùng nào thì đăng ký hoạt động ở vùng đó không di chuyển xe rộng, không dừng đỗ nhiều, giảm ùn tắc giao thông. Hiện, Hà Nội làm dần từng bước để thống nhất một mô hình quản lý”, ông Nguyễn Công Hùng bày tỏ quan điểm.

Nhất trí việc Hà Nội cần phải có quy chế quản lý taxi, tuy nhiên, Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội Bùi Danh Liên cho rằng, chưa nói đến việc sơn tốn kém, ở thời buổi công nghệ phát triển, người ta quản lý taxi nói riêng, vận tải nói chung bằng công nghệ, không ai đi ra đường để giám sát từng xe theo màu sơn, biển số hoặc tem nhãn dán trên xe như thế nào. Cùng với đó, ngoài tuân thủ Luật Giao thông, taxi đang phải chịu ràng buộc của 17 thủ tục (giấy phép con). Nếu thêm màu sơn và phân vùng là tăng thêm 2 loại thủ tục không cần thiết.

Trước đó, sau khi hoàn thành lấy ý kiến các sở, ngành và tổ chức, hiệp hội nghề nghiệp (bước 1), UBND TP Hà Nội đã xin ý kiến Bộ GTVT về dự thảo quy chế quản lý taxi để chuẩn bị triển khai thực hiện vào năm 2019. Tuy nhiên, trong văn bản gửi UBND TP Hà Nội về nội dung trên, Bộ GTVT đã không đồng tình với việc Hà Nội yêu cầu các xe taxi phải sơn đồng màu. Bộ GTVT cho rằng, taxi không giống xe buýt hay vận tải hành khách công cộng để “đồng phục” về màu. Vì bản chất của taxi là hoạt động theo thị trường và để tồn tại được phải xây dựng thương hiệu, bản sắc thậm chí màu sơn riêng để khẳng định tên tuổi. Từ thực tế này, cơ quan quản lý cần áp dụng các quy định của Nhà nước để quản taxi có hiệu quả, không nên phát sinh thêm những thủ tục, điều lệ riêng.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ