Thay đổi xuất xứ hàng hóa, gây thất thoát: Nguyên Giám đốc Sở Y tế Long An tiếp tục bị truy tố

GD&TĐ - Dù biết rõ các thiết bị được nhà thầu nhập về để thi công lắp đặt đã bị thay đổi xuất xứ hàng hóa và model so với hợp đồng nhưng bị can Lê Thanh Liêm - nguyên Giám đốc Sở Y tế tỉnh Long An vẫn ký kết gây thất thoát ngân sách Nhà nước và quyết toán thừa khối lượng so với thực tế.

Một phần cáo trạng của Viện KSND tỉnh Long An truy tố ông Lê Thanh Liêm. Ảnh: Như Ý
Một phần cáo trạng của Viện KSND tỉnh Long An truy tố ông Lê Thanh Liêm. Ảnh: Như Ý

Gây thất thoát hơn 900 triệu đồng?

Theo đó, Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Long An đã ban hành cáo trạng quyết định truy tố ra trước tòa để xét xử bị can Lê Thanh Liêm - nguyên Giám đốc Sở Y tế tỉnh Long An, về tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.

Cụ thể, sau khi cơ quan CSĐT Công an tỉnh Long An có kết luận điều tra bổ sung từ phán quyết của phiên tòa sơ thẩm lần trước, Viện KSND tỉnh Long An đã tống đạt cáo trạng, tiếp tục truy tố nguyên Giám đốc Sở Y tế tỉnh Long An Lê Thanh Liêm.

Cáo trạng của Viện KSND tỉnh Long An dựa trên bản Kết luận điều tra bổ sung của Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Long An ký. Trước đó, tại phiên xét xử sơ thẩm ngày 13/8, TAND tỉnh Long An tuyên trả hồ sơ để điều tra bổ sung.

Theo cáo trạng, bị can Lê Thanh Liêm trong quá trình giữ chức vụ Giám đốc Sở Y tế đã được giao làm chủ đầu tư xây dựng tòa nhà 4 cơ quan của Sở Y tế Long An (Trung tâm Kiểm nghiệm Dược phẩm - Mỹ phẩm, Trung tâm Giám định Y khoa, Trung tâm Pháp y và Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm).

Dù biết rõ các thiết bị trong gói thầu cung cấp và lắp đặt hệ thống camera giám sát an ninh được nhà thầu đưa về để lắp đặt đã bị thay đổi về xuất xứ hàng hóa và model so với hợp đồng đã ký kết, nhưng ông Liêm không chỉ đạo điều chỉnh đơn giá khi ký phụ lục hợp đồng, vẫn thanh toán 100% so với hợp đồng ban đầu, gây thất thoát ngân sách Nhà nước vào thời điểm năm 2014 với số tiền hơn 911 triệu đồng.

Cụ thể trong gói thầu cung cấp và lắp đặt hệ thống camera giám sát an ninh, ông Liêm biết các thiết bị được nhà thầu là Công ty Đông Nam Á nhập về đã bị thay đổi về xuất xứ hàng hóa và model so với hợp đồng nhưng không chỉ đạo thực hiện tham khảo lại giá, không phê duyệt điều chỉnh lại dự toán gây thất thoát 871 triệu đồng; thanh toán thừa khối lượng dây cáp mạng và ổ cứng lưu trữ so với thực tế thi công 40 triệu đồng.

UBND tỉnh Long An đã kết luận thanh tra xác định gói thầu còn đang thực hiện, chưa được phê duyệt quyết toán và giao Sở Y tế lập hồ sơ báo cáo thẩm tra để trình UBND tỉnh phê duyệt.

Sau khi ông Liêm bị khởi tố thì gói thầu này mới được phê duyệt quyết toán. Điều này ông Liêm cho rằng chưa gây hậu quả theo hành vi “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”.

Vụ án kéo dài nhiều năm, ông Liêm từng bị ngăn chặn xuất cảnh tại sân bay, trong khi 1 ngày trước UBND tỉnh Long An đã đồng ý cho ông đi xuất cảnh du lịch. Vụ việc này, Tỉnh ủy Long An cũng đã phê bình công an tỉnh. Ngoài ra, Tỉnh ủy Long An cũng từng có ý kiến xử lý vụ việc. Tuy nhiên, vụ án vẫn kéo dài từ năm 2017 cho đến nay.

Trao đổi với báo chí, ông Liêm cho biết điều ông bức xúc nhất là trước đây, ông bị truy tố từ việc cơ quan cảnh sát điều tra dựa vào 2 bản giám định của Sở Tài chính tỉnh Long An về giá trị của các thiết bị y tế.

Tuy nhiên, đã gần 3 năm từ ngày bị khởi tố, ông đã gửi rất nhiều đơn tố cáo về việc có dấu hiệu làm không đúng quy định 2 bản giám định này, gây sai lệch hồ sơ vụ án nhưng không được cơ quan có thẩm quyền trả lời. Tuy vậy, trong bản cáo trạng lần này lại lược bỏ 2 bản giám định này, thay bằng các văn bản kết luận giám định mới hơn.

Hàng xuất xứ Nhật Bản đổi thành Trung Quốc?

Theo hồ sơ vụ án, ngày 25/1/2014, Sở Y tế Long An có văn bản xin chủ trương tiến hành thi công gói thầu cung cấp, lắp đặt hệ thống camera an ninh thuộc công trình tòa nhà 4 cơ quan và được UBND tỉnh Long An đồng ý cho chủ trương phát sinh gói thầu trên. Ngày 28/3/2014, Công ty Cổ phần Thông tin và Thẩm định giá Miền Nam thực hiện chứng thư thẩm định giá để làm cơ sở chỉ định thầu.

Kết quả thẩm định giá hệ thống thiết bị camera là 1,92 tỷ đồng với tiêu chuẩn, nhãn hiệu, model, xuất xứ hàng hóa và số lượng đúng theo yêu cầu thiết bị của Sở Y tế Long An. Trong đó, các thiết bị camera quay nét, camera cố định, đầu ghi kỹ thuật số mang nhãn hiệu SONY, xuất xứ Nhật Bản; màn hình tivi, ổ cứng lưu trữ có xuất xứ từ Mỹ và dây cáp mạng có xuất xứ Đài Loan.

Sau đó, bị can Lê Thanh Liêm (Giám đốc Sở Y tế Long An) đã ký quyết định chỉ định thầu cho Công ty TNHH TM-DV Đông Nam Á với giá trị hợp đồng 1,92 tỷ đồng. Đầu tháng 7/2014, Công ty TNHH TM-DV Đông Nam Á nhập thiết bị về chân công trình để đưa vào thi công thì ông Nguyễn Hữu Phong, nhân viên giám sát phát hiện xuất xứ và model ghi trên nhãn mác các thiết bị nhập về không trùng khớp với hợp đồng ký kết.

Cụ thể, camera quay nét xuất xứ Nhật Bản được thay đổi sang xuất xứ Trung Quốc, đầu ghi kỹ thuật số được thay đổi sang xuất xứ Đài Loan, màn hình tivi được thay đổi xuất xứ Malaysia và ổ cứng lưu trữ xuất xứ Mỹ được thay đổi sang xuất xứ Thái Lan. Trước sự việc, ông Phong yêu cầu dừng thi công và thông báo cho cấp quản lý biết sự việc. Sau đó, ông Liêm yêu cầu dừng thi công để tiến hành kiểm tra lại.

Vài ngày sau đó, bị can Lê Thanh Liêm lại chỉ đạo cho nhà thầu thi công với thực tế các thiết bị nhập về đã bị thay đổi xuất xứ hàng hóa và model. Tuy nhiên, khi xác lập biên bản nghiệm thu hàng hóa về tới chân công trình ngày 15/7/2014 và biên bản nghiệm thu bàn giao khối lượng hoàn thành đưa vào sử dụng ngày 17/9/2014, mặc dù các thiết bị đã thay đổi xuất xứ, model nhưng vẫn được ghi xuất xứ như hợp đồng ban đầu.

Theo kết luận giám định của Sở Tài chính ngày 21/3/2017, đối với gói thầu cung cấp và lắp đặt camera giám sát an ninh tại tòa nhà 4 cơ quan, chủ đầu tư nghiệm thu, quyết toán thừa khối lượng so với thực tế 2.436/3.500 mét dây cáp mạng và thừa 1.000/3.000GB dung lượng ổ cứng cho nhà thầu trị giá 35,8 triệu đồng.

Khi ký Phụ lục hợp đồng để thay đổi xuất xứ, model, chủ đầu tư và nhà thầu thi công thỏa thuận giữ nguyên giá trị hợp đồng ban đầu, không thực hiện tham khảo lại giá, đồng thời không phê duyệt điều chỉnh lại dự toán để làm cơ sở điều chỉnh lại giá trị hợp đồng. Do không xem xét, điều chỉnh lại đơn giá thiết bị nên chủ đầu tư đã thanh toán cho nhà thầu cao hơn thực tế thi công số tiền gần 700 triệu đồng.

Ngoài ra, tại kết luận giám định bổ sung sau này của Sở Tài chính xác định số tiền ngân sách Nhà nước thất thoát cao hơn so với số tiền đã kết luận năm 2017 và cao hơn 176,7 triệu đồng. Như vậy, tổng số tiền ngân sách Nhà nước bị thất thoát qua thực hiện gói thầu cung cấp, lắp đặt hệ thống camera giám sát an ninh tại tòa nhà 4 cơ quan do Sở Y tế làm chủ đầu tư là hơn 911 triệu đồng.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Quán ăn đông kín khách, nhân viên phải làm việc liên tục. Ảnh: Nhật Minh

Hàng quán mở xuyên Tết: Cơ hội thu nhập cao

GD&TĐ - Trước nhu cầu ăn uống, vui chơi, gặp mặt đầu năm của người dân tăng cao, hầu hết nhà hàng, quán cà phê mở xuyên kỳ nghỉ đều đối mặt nguy cơ rơi vào trạng thái quá tải