Hiểu người học
Thạc sĩ Đoàn Thị Vương cho rằng, giáo viên cần chú ý đến những hiểu biết không đầy đủ hoặc chưa chính xác mà người học mang tới lớp học. Nếu không quan tâm đến thực tế này sẽ luôn có một “độ vênh”, không hòa nhập, không ăn khớp giữa người học và kiến thức giảng viên truyền đạt.
Theo thạc sĩ Đoàn Thị Vương, có nhiều bằng chứng cho thầy việc học trở lên hiệu quả hơn khi giảng viên chú ý đến các kiến thức hiện có của người học. Đây chính là điểm khởi đầu cho bài giảng.
“Kiến thức của bất kỳ môn học nào cũng đều phải được hiện hình sinh động dưới góc độ khoa học chuyên ngành mà người học đang được đào tạo.
Một bài giảng Logic học đại cương ở lớp dành cho học sinh khoa Tâm lý giáo dục sẽ không thể giống với bài giảng Logic học đại cương dành cho sinh viên khoa Quản lý giáo dục.
Hay như trong môi trường đào tạo theo tín chỉ, mỗi lớp học gồm sinh viên với đặc trưng chuyên ngành riêng biết, kiến thức truyền đạt hay ví dụ minh họa cần phải được xây dựng sao cho ăn nhập tối đa” - thạc sĩ Đoàn Thị Vương lưu ý.
Để người học tham gia xây dựng nội quy lớp học
Thay đổi thứ hai được thạc sĩ Đoàn Thị Vương nhắc tới là người quản lý lớp học đừng nên một mình thiết lập các quy tắc, nội quy lớp học mà hãy để người học cùng tham gia.
Để thực hiện điều này, ở những buổi học đầu tiên, giảng viên hãy thử phỏng vấn, hoặc tạo một bài tập yêu cầu người học tự đưa ra những nội quy mà họ mong muốn đối với những hành vi của họ trên lớp; những mong muốn cụ thể đối với sự thưởng - phạt.
Tất nhiên, để việc này không đi quá giới hạn, giảng viên cần thỏa thuận trước rằng, các nội dung sẽ được trao đổi để cân nhắc xem mong muốn nào hợp lý so với lợi ích chung của lớp học.
Lựa chọn đối tượng để quan tâm trong thời gian đầu
Thay đổi thứ ba, theo thạc sĩ Đoàn Thị Vương, đó là giảng viên đừng kỳ vọng tất cả các sinh viên trong lớp đều thích môn học của mình ngay trong những buổi học đầu tiên.
Do đó, đừng áp dụng tất cả các biện pháp đối với 100% sinh viên trong lớp, hay ít nhất là một nửa số đó.
Hãy chỉ áp dụng các biện pháp mà thầy cô cho là cần thiết với khoảng 20% sinh viên trong lớp học.
Kèm theo đó là những phần thưởng thật xứng đáng ngay tức thời đối với những hoạt động tích cực của họ trên lớp. Cơ chế lây lan tâm lý sẽ giúp người dạy thay đổi dần dần 80% còn lại.
Giúp người học tham gia quá trình học một cách tự nhiên
Cuối cùng, thạc sĩ Đoàn Thị Vương cho rằng, đừng bao giờ nghĩ rằng người học “phải” học môn này. Thay vào đó, hãy tìm cách khuyến khích người học tham gia vào quá trình học tập một cách tự nhiên và thích thú.
Người học chỉ tham gia tự nhiên vào quá trình học khi họ hiểu rằng, kiến thức của học phần này thực sự có ích đối với bản thân. Điều này càng cụ thể bao nhiêu thì người học càng tự nguyện tham gia môn học bấy nhiêu.
Hãy để người học thấy được họ sẽ có được điều gì, có được năng lực gì khi học xong kiến thức này; hoặc trước đó, hãy chỉ ra những kỹ năng cần thiết để đảm bảo có thể học được bài học mới.
“Người thầy sẽ không còn giống như ông đồ ngày xưa, ngồi trên một chiếc sập, tay cầm gậy và gõ vào đầu học trò, quát tháo “học đi”.
Kiến thức phải làm sao sống động, những ví dụ phải ăn nhập với chính tình huống xảy ra trong cuộc sống thường ngày của người học. Khi nào có những điều đó, người học sẽ khắc thấy mình là một chủ thể thực sự” - thạc sĩ Đoàn Thị Vương chia sẻ.