Thay đổi tư duy và cách chống dịch theo hướng quản lý rủi ro

GD&TĐ - Tại kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XV, nhiều đại biểu đưa ra một số giải pháp về phòng chống dịch, khôi phục kinh tế, sản xuất.

Đại biểu Mai Thị Phương Hoa (đoàn Nam Định).
Đại biểu Mai Thị Phương Hoa (đoàn Nam Định).

Duy trì hoạt động xã hội, hiệu quả kinh tế sẽ phát triển ổn định

Đại biểu Nguyễn Văn Cảnh (đoàn Bình Định) đề nghị trong thời gian tới cần phải quy định hết sức cụ thể các nội dung đã nêu trong Nghị quyết số 128. Áp dụng an toàn, thuận lợi cho từng cá nhân, từng loại hình kinh doanh trong từng cấp độ dịch cụ thể.

Ông Cảnh cho rằng, các doanh nghiệp hay hộ kinh doanh có điều kiện tài chính, cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực khác nhau, nếu quy định điều kiện để mỗi cơ sở được hoạt động trong vùng xanh, vùng vàng, vùng cam thậm chí là vùng đỏ thì các dịch vụ luôn được duy trì. Bởi sẽ luôn có doanh nghiệp, hộ kinh doanh đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch ở các cấp độ, hoạt động sản xuất, cung cấp các dịch vụ ở trạng thái bình thường mới.

Đại biểu đoàn Bình Định nêu ví dụ, từng điều kiện cụ thể trong lĩnh vực ăn uống ở vùng xanh, mở 100% thị trường, vùng vàng 50%, vùng cam 30% với các quy định nghiêm ngặt hơn như chỉ phục vụ cho gia đình ngồi ở phòng riêng, nhân viên phải đeo khẩu trang và cả kính chống giọt bắn.  

Như vậy, việc tăng, giảm công suất phục vụ dễ dàng thực hiện hơn nhiều so với việc ngừng hoạt động tất cả rồi mở lại. Vì chuỗi cung ứng có tính dây chuyền liên quan đến nhiều đơn vị, lĩnh vực đã đứt gãy thì nối lại rất khó, sẽ tốn kém nhiều thời gian và chi phí hơn.

“Vì vậy bình thường mới có nghĩa là mọi người dân, doanh nghiệp vẫn sinh hoạt, học tập, lao động bình thường ở tất cả các cấp độ dịch theo các tiêu chí đã được quy định cụ thể đối với từng loại hình sản xuất kinh doanh dịch vụ ở từng cấp độ. Nhà nước chỉ can thiệp đột xuất khi số lượng ca nhiễm được thống kê một cách khoa học, vượt quá khả năng thu dung” – đại biểu Nguyễn Văn Cảnh nhấn mạnh.

Cũng theo ông Cảnh, các quy định 5K hiện nay đang được áp dụng chung cho mọi cá nhân, không phân biệt nhóm. Trong khi việc phân chia nhóm trong sinh hoạt cộng đồng sẽ giúp phòng, chống dịch hiệu quả hơn.

Ông Cảnh phân tích, có thể phân nhóm gia đình, nhóm cặp đôi, nhóm học sinh, nhóm du lịch, nhóm cùng cơ quan. Ví dụ sắp tới nới lỏng hơn cho ngành du lịch, một nhóm khách du lịch đến một khách sạn, một nhà hàng ở vùng vàng thì họ không phải giữ khoảng cách với nhau như các khách vãng lai. Họ có thể ngồi sát nhau và nhà hàng sẽ sắp xếp để họ ngồi cách xa các nhóm khác, như vậy vẫn sẽ an toàn hơn để mọi người và nhà hàng và đều ngồi cách nhau 2m. Nguy cơ lây nhiễm giữa các nhóm hay với khách vãng lai sẽ rất cao, mà hiệu quả sử dụng mặt bằng của nhà hàng cũng giảm đi.

“Tôi ví dụ taxi 5 chỗ quy định chở một người phía sau, nếu gia đình 3 người đi 3 xe thì nguy cơ lây nhiễm với các lái xe sẽ tăng 3 lần so với việc 3 người trong gia đình đi cùng một xe. Các hoạt động xã hội được duy trì ổn định thì hiệu quả tự nhiên của kinh tế sẽ phát triển ổn định” – ông Cảnh nói.

Cần thực hiện 6 mục tiêu lớn, gồm 1 tăng, 2 giảm, 3 bảo đảm

Đại biểu Mai Thị Phương Hoa (đoàn Nam Định) cho biết, các biện pháp phòng, chống dịch mặc dù có những việc chưa từng có trong tiền lệ, vừa làm, vừa rút kinh nghiệm nhưng là hợp lý, phù hợp cho từng giai đoạn bảo đảm yêu cầu chung. Với những nỗ lực cố gắng vượt bậc, có sự đồng lòng nhất trí của người dân đã giúp nhiều địa phương chuyển sang trạng thái bình thường mới. Tuy nhiên, trong công tác phòng, chống dịch vẫn có điểm hạn chế.

“Thời gian tới, trước tình hình dịch bệnh vẫn diễn biến khó khăn, khó lường, tôi ủng hộ quan điểm của Thủ tướng, đó là phải thay đổi tư duy và cách chống dịch theo hướng quản lý rủi ro chứ không theo đuổi chính sách không COVID” – đại biểu Mai Thị Phương Hoa nói.

Theo đại biểu này, nhiều quốc gia trên thế giới cũng xác định cần thích ứng an toàn và lâu dài với COVID-19. Vì vậy, trước mắt cần thực hiện nghiêm Nghị quyết số 128 của Chính phủ về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19. Đồng thời, cần khẩn trương hoàn thiện chiến lược tổng thể, ứng phó hiệu quả đại dịch COVID-19 trong tình hình mới.

Theo đó, cần thực hiện 6 mục tiêu lớn, gồm 1 tăng, 2 giảm, 3 bảo đảm. Cụ thể đó là tăng tỷ lệ bao phủ vắc xin, giảm tỷ lệ người mắc COVID-19, giảm tỷ lệ tử vong vì COVID-19.

Bảo đảm phục hồi kinh tế - xã hội gắn với tình hình kiểm soát dịch bệnh. Bảo đảm tốt hơn an sinh xã hội, xử lý hiệu quả một số vấn đề mới phát sinh như sức khỏe tinh thần của người dân, đặc biệt là đối với học sinh, sinh viên. Bên cạnh đó là tình trạng thiếu lương thực ở một bộ phận người dân nghèo, tình trạng gia tăng người vô gia cư tại một số thành phố lớn,...

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Rosemarie Dehesa thường đăng video về việc cô ăn nhiều loại thực phẩm. Ảnh: Rosemarie Martin Dehesa/CNN

Lo ngại trước xu hướng mukbang

GD&TĐ - Từ 'mukbang' bắt nguồn từ sự kết hợp của các từ tiếng Hàn 'meokda', có nghĩa là ăn, và 'bangsong', có nghĩa là phát sóng.

Giới trẻ Trung Quốc bình thường hóa ly hôn như hẹn hò. Ảnh: Edition.cnn.com

Bùng nổ chụp ảnh... ly hôn

GD&TĐ - Nếu tỷ lệ kết hôn ở Trung Quốc đang ngày càng giảm mạnh thì tỷ lệ ly hôn lại gia tăng nhanh.