Thay đổi phương pháp giáo dục để học sinh hạnh phúc

GD&TĐ - Đó là chia sẻ của cô Hà Thu Hiền - Giáo viên môn Toán Trường THPT Ngô Thì Nhậm (Hà Nội). Cô Hiền là một trong những giáo viên tham gia Chương trình "Thầy cô chúng ta thay đổi"

Mỗi ngày đến trường là một ngày vui
Mỗi ngày đến trường là một ngày vui

3 bí quyết chuyển hóa cảm xúc

Từ kinh nghiệm thực tế của mình và từ bài học của sư Peck Cho – một cố vấn của chương trình “Thầy cô chúng ta đã thay đổi”; cô Hà Thu Hiền đã rút ra được 3 bí quyết để chuyển hóa những cảm xúc tiêu cực.

Bí quyết 1. Học cách trở nên kiên cường. Ngay khi có những cảm xúc tiêu cực xuất hiện trong tâm trí, bạn hãy hít thở thật sâu để giúp bạn trở nên bình tĩnh hơn. Hoặc bạn nghĩ đến những điều tốt đẹp, những kỉ niệm vui vẻ. Bằng cách này những cảm xúc tiêu cực trong bạn sẽ tiêu tan. Lúc này, bạn sẽ thấy mình đủ dũng cảm, kiên cường đối mặt với rất nhiều khó khăn, thử thách.

Bí quyết 2. Học cách biết ơn. Nhiều người sẽ thấy khó hiểu, sao ở trường học, lớp học các giáo viên lại phải biết ơn? Biết ơn ai? Biết ơn điều gì? “Tôi xin hỏi trong số các thầy cô giáo, đã bao nhiêu lần các thầy cô bị ốm mà vẫn cố gắng đến trường dạy chỉ vì nghĩ đến những học trò luôn dành tình cảm yêu quý thật sự cho mình? Theo tôi đây chính là một biểu hiện của lòng biết ơn” – cô Hiền bộc bạch.

Thầy cô có thể biết ơn chính học sinh của mình, vì hàng ngày, thầy cô vẫn đang nhận lấy những năng lượng từ học sinh của mình. Chỉ có là thầy cô có nhận ra điều đó hay không thôi. Lòng biết ơn sẽ làm năng lượng tích cực trào lên trong mỗi chúng ta, làm tan biến những cảm xúc tiêu cực.

Bí quyết 3. Học cách cho đi. Thực ra triết lí “cho đi” chúng ta đã nghe rất nhiều trong cuộc sống. Sau buổi 8 thầy cô chúng tôi được nói chuyện với giáo sư Peck- Cho lần thứ hai, tôi đã hiểu rõ hơn triết lí “cho đi” trong phạm vi trường học. Cho đi là để trưởng thành hơn. Khi cho đi thì đến một lúc nào đó chúng ta sẽ nhận ra điều đó tốt cho chính mình.

Cũng giống như việc khi các thầy cô hết lòng tận tụy vì học trò thì các thầy cô đang góp phần đào tạo những thế hệ công dân tốt cho đất nước trong tương lai, vì thế cũng là tốt cho cho chính thầy cô.

Tôi xin trích lại một câu nói của giáo sư Peck Cho mà tôi rất thích, đó là: Khi bạn cho đi, bạn sẽ nghĩ cho một tương lai dài và xa hơn. Và bây giờ tôi cũng hay nói điều đó với các con và học trò của mình.

Cô Hà Thu Hiền - Giáo viên môn Toán Trường THPT Ngô Thì Nhậm khi tham gia Chương trình “Thầy cô chúng ta đã thay đổi”
 Cô Hà Thu Hiền - Giáo viên môn Toán Trường THPT Ngô Thì Nhậm khi tham gia Chương trình “Thầy cô chúng ta đã thay đổi”
Học cách sống hạnh phúc

Cô Hiền chia sẻ, cách đây hơn một năm, là thời điểm cô chưa tham gia chương trình “Thầy cô chúng ta đã thay đổi”, cô vẫn là tuýp giáo viên hiếm khi cười trong giờ dạy và khá tiết kiệm lời khen đối với trò.

“Các giờ học Toán thường căng thẳng, nhất là đối với học trò sợ môn Toán. Khi xem lại những hình ảnh về lớp học của tôi ở thời điểm đó, tôi thấy thật sự thương học trò cũ của mình vì các em đã phải trải qua nhiều giờ học Toán căng thẳng, mệt mỏi đến như vậy… chỉ vì tôi không biết cách chuyển hóa được những cảm xúc tiêu cực” – cô Hiền trao đổi và cho biết:

Sau khi tham gia Chương trình “Thầy cô chúng ta đã thay đổi” của Đài truyền hình VTV7 và Công đoàn Giáo dục Việt Nam, tôi đã nhận thức được rằng: Trong cuộc sống, ai cũng có lúc bị những cảm xúc tiêu cực xuất hiện vì rất nhiều nguyên nhân khác nhau.

“Giờ đây, mặc dù chương trình “Thầy cô chúng ta đã thay đổi” đã khép lại nhưng những bài học triết lí sâu sắc về giáo dục mà 8 giáo viên chúng tôi đã được trải nghiệm khi tham gia chương trình vẫn được chúng tôi vận dụng linh hoạt vào công việc dạy học hàng ngày, tất nhiên mức độ vận dụng có thể khác nhau.

Bản thân tôi đã biết cách chuyển hóa những cảm xúc tiêu cực, biết thay đổi một số điều ở bản thân để mình hạnh phúc hơn và để lan tỏa hạnh phúc đó sang các học sinh của mình” – cô cô Hà Thu Hiền nói và chia sẻ thật lòng:

Tôi đã học cách chấp nhận có những lỗi sai của học trò và sẽ kiên nhẫn, tận tình hướng dẫn các em cách sửa sai thay vì cáu giận như trước kia. Bởi vì tôi đã hiểu rõ Vạn vật vốn dĩ không hoàn hảo.

Tôi cũng đã học cách lắng nghe không chỉ bằng tai mà bằng cả trái tim vì tôi hiểu rằng chỉ khi thực sự Biết lắng nghe tôi mới hiểu các học trò của mình, mới có thể giúp các em một cách hiệu quả. Và khi biết lắng nghe, tôi học được nhiều điều từ cuộc sống, mới có thể thành công trong việc giáo dục con cái và học trò của mình.

Và quan trọng hơn cả, tôi đang học cách sống hạnh phúc trong từng khoảnh khắc, học cách cảm nhận hạnh phúc từ những điều bình dị nhất như ánh mắt học trò sáng lên mỗi khi hiểu bài, hay một câu nói hồn nhiên, một biểu cảm yêu thương từ các em. Sau rất nhiều trải nghiệm trong nghề, tôi đã thật sự nhận ra Hạnh phúc đến từ những điều rất nhỏ bé và bình dị chứ không phải là điều gì đó to tát, xa vời.

Bản thân tôi cũng xác định được ngoài việc tạo dựng mối quan hệ yêu thương hiểu biết lẫn nhau giữa cô và trò thì tôi cũng phải không ngừng tự tìm tòi, tự bồi dưỡng chuyên môn để ngày càng có nhiều tiết học tốt, thu hút được học trò, và đạt hiệu quả cao.

"Dẫu biết rằng hành trình thay đổi bản thân đối với bất kì ai, trong đó có tôi, chưa bao giờ là việc dễ dàng. Nhưng tôi tin rằng, từ những thay đổi nho nhỏ ban đầu của mình, tôi sẽ có đủ dũng cảm và kiên trì tiếp tục hành trình thay đổi bản thân để mỗi ngày tôi sẽ tiến gần hơn ước mơ của mình đó là ước mơ tạo ra được những tiết học Toán hạnh phúc, mà ở đó các học sinh đều thấy vui vẻ hạnh phúc mỗi khi học môn Toán" - cô Hà Thu Hiền.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ