Thay đổi nhận thức đã nâng cao hiệu quả công tác thanh tra

GD&TĐ - Đó là nhận định của Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Mạnh Hùng về thành công trong công tác đổi mới hoạt động thanh tra của các Sở GD&ĐT trong năm học vừa qua.    

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Mạnh Hùng phát biểu chỉ đạo tại hội nghị
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Mạnh Hùng phát biểu chỉ đạo tại hội nghị

Theo Thứ trưởng Phạm Mạnh Hùng, chính sự thay đổi về nhận thức của các cấp lãnh đạo, từng cá nhân làm công tác thanh tra đã và đang góp phần tác động đến sự thay đổi của ngành giáo dục.  

Công tác thanh tra không được chủ quan, lơ là

Đánh giá về kết quả của công tác thanh tra năm học 2015 - 2016, Thứ trưởng Phạm Mạnh Hùng cho rằng đã có sự chuyển biến rất rõ rệt. Chính sự thay đổi trong nhận thức của các cấp lãnh đạo, đã mang lại “làn gió mới” cho hoạt động thanh tra của ngành trong năm học vừa qua, không chỉ thể hiện ở số vụ thanh tra, công tác xử lý đơn thư tố cáo, mà còn ở chính vị thế, vai trò và tầm quan trọng của công tác thanh tra trong suy nghĩ, trong quản trị của từng cán bộ quản lý.

“Một người làm công tác quản lý mà không nhận thức rõ, đầy đủ vai trò, tầm quan trọng của hoạt động thanh tra đến hoạt động chung của đơn vị thì đó thật sự là một sai lầm rất lớn. Người quản lý đó sẽ khó có thể quản trị thành công nếu xem nhẹ vai trò của hoạt động này”- Thứ trưởng Phạm Mạnh Hùng nhấn mạnh.

Thứ trưởng cũng lưu ý các cán bộ làm công tác thanh tra không được chủ quan, lơ là. Đặc biệt phải thường xuyên bồi dưỡng, nâng cao nghiệp vụ cho công tác thanh tra. Các cấp lãnh đạo cần phải quán triệt và nhận thức một cách sâu sắc, đầy đủ hơn nữa về hoạt động thanh tra của ngành. Để từ đó tạo điều kiện cho các thanh tra cơ sở hoạt động hiệu quả.

Bên cạnh việc chỉ rõ nhiệm vụ mà các thanh tra viên cần thay đổi, để công tác thanh tra được tốt, hiệu quả, chuẩn xác hơn, Thứ trưởng đề nghị các Sở GD&ĐT cần tiếp tục đẩy mạnh thanh tra trách nhiệm của thủ trưởng các đơn vị trường học trong việc thụ lý, xử lý các khiếu nại tố cáo.

Đặc biệt, thanh tra Sở GD&ĐT cần hỗ trợ, phối hợp với thanh tra Bộ GD&ĐT thanh tra mạnh mẽ hơn nữa tại các cơ sở giáo dục đại học, nhằm giúp xử lý các đơn thư tố cáo tốt hơn, giúp ngành giáo dục phát triển ổn định và tốt hơn.

Đồng tình với nhận định của Thứ trưởng Phạm Mạnh Hùng, TS Phạm Thị Hằng - Giám đốc sở GD&ĐT tỉnh Thanh Hóa - cho rằng để công tác thanh tra, hoạt động của các thanh tra viên trực thuộc các Sở GD&ĐT làm việc hiệu quả, ngoài việc nâng cao yêu cầu và trách nhiệm của người làm công tác thanh tra, thì việc tăng cường tự thanh tra, kiểm tra đi đôi với tăng quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các cơ sở giáo dục cũng sẽ giúp hoạt động đổi mới thanh tra nặng từ thanh tra chuyên môn sang thanh tra quản lý được hiệu quả hơn.  

Đông đảo các đại biểu dự hội nghị
Đông đảo các đại biểu dự hội nghị 

Hoạt động thanh tra vẫn cần phải gỡ nhiều hạn chế

Đại diện Thanh tra Sở GD&ĐT thành phố Hà Nội cho rằng, ngoài các vấn đề thuộc về chuyên môn hay nhận thức của một bộ phận nhỏ thanh tra viên khiến công tác thanh tra một vài nơi chưa hiệu quả thì chính sự thiếu hụt đội ngũ nhân lực, cộng tác viên tại các cơ sở giáo dục, phòng giáo dục đã và đang khiến hoạt động đổi mới công tác thanh tra theo Nghị định 42/2013/NĐ-CP và Thông tư 39/2013/TT-BGDĐT của Sở ít nhiều khó khăn.

Nhìn nhận về những hạn chế của lực lượng thanh tra, bên cạnh những thành tựu đã đạt được, ông Tống Duy Hiến - Phó chánh Thanh tra Bộ GD&ĐT - cũng chỉ ra nhiều hạn chế mà lực lượng thanh tra cần khắc phục để hoạt động thanh tra năm 2016-2017 được tốt hơn như: Kế hoạch thanh tra của một số Sở GD&ĐT chưa bao quát được hoạt động thanh tra của ngành; các hoạt động thanh tra còn dàn trải, chưa tập trung nhiệm vụ trọng tâm, chưa giải quyết những vấn đề bức xúc trong dư luận, các kế hoạch thanh tra vẫn có sự chồng chéo, chưa phù hợp với đặc thù của ngành… khiến hoạt động thanh tra ở một số đơn vị chưa hiệu quả.

“Trong năm 2015-2016, Thanh tra Bộ GD&ĐT đã chuyển 164 đơn cho UBND tỉnh, huyện, sở GD&ĐT, phòng giáo dục đào tạo các tỉnh thành. Nhưng chỉ có 18 địa phương có báo cáo phản hồi thông tin về kết quả xử lý đơn thư theo quy định…. Điều này khiến công tác xử lý sau thanh tra theo Nghị định số 33/2015/NĐ-CP chưa thật sự hiệu quả, khiến hiệu quả của công tác thanh tra, và sự tác động của kết luận thanh tra lên hệ thống giáo dục tại địa phương chưa mạnh mẽ” - ông Hiến chỉ rõ.

Thanh tra sở GD&ĐT tỉnh Gia Lai cũng thẳng thắn chỉ ra nhiều tồn tại địa phương đang gặp phải và cần tháo gỡ như: Số lượng thanh tra chuyên trách còn quá ít, địa bàn rộng nền công tác thanh tra không đảm bảo duy trì thường xuyên và kịp thời.

Bên cạnh đó, việc phối hợp giữa Thanh tra Sở với Thanh tra tỉnh và Thanh tra huyện trong tập huấn nghiệp vụ thanh tra hành chính, chuyên ngành còn nhiều vướng mắc và khó khăn. Ngoài ra, sự chồng chéo trong việc thực hiện nhiệm vụ giữa sự chỉ đạo hoạt động thanh tra của Bộ GD&ĐT với tỉnh vẫn còn nhiều khiến việc thực hiện kế hoạch thanh tra thường bị động.

Nhìn nhận về những hạn chế còn đang tồn tại của hoạt động thanh tra, Thứ trưởng Phạm Mạnh Hùng đề nghị các cá nhân đang thực hiện nhiệm vụ thanh tra không chỉ đề xuất, kiến nghị các giải pháp xử phạt mà cần phải chủ động và có nhiều hơn nữa các kiến nghị về những bất cập trong cơ chế chính sách trong quá trình thanh tra.

“Các đồng chí là những người hiểu nhất, nhìn thấy rõ nhất những bất cập còn đang tồn tại trong hoạt động thanh tra tại các cơ sở. Vì vậy, ngoài nhiệm vụ thanh tra, các đồng chí cần phải đề xuất, kiến nghị chỉnh sửa, thay đổi những chính sách gì chưa hoàn thiện, chưa đầy đủ, chưa chính xác, thậm chí ranh giới đúng - sai chưa minh định, rõ ràng…để chúng ta có giải pháp thay đổi, giúp hoạt động của công tác thanh tra được dân chủ, đúng luật và hiệu quả hơn” - Thứ trưởng Phạm Mạnh Hùng nhấn mạnh.

Trong năm 2015-2016, các Sở GD&ĐT đã tiến hành thanh tra 801 cuộc thanh tra hành chính (chủ yếu là thanh tra việc thực hiện quy định về tổ chức, biên chế), tiến hành 1.347 cuộc thanh tra về quản lý dạy thêm, học thêm, các khoản thu - chi đầu năm học.
Tổng số đơn thư các Sở GD&ĐT đã nhận được là 2.432, trong đó có 1.563 đơn đủ điều kiện, 1.514 đơn đã được giải quyết theo thẩm quyền, 49 đơn đang giải quyết.
Một số vụ việc kéo dài đã được xử lý dứt điểm như vụ việc tố cáo hiệu trưởng, phó hiệu trưởng trường Mầm non tại Vĩnh Phúc kéo dài từ năm 2009 đến nay, hay vụ Sở GD&ĐT tỉnh Nam định giải quyết dứt điểm vụ việc tố cáo hiệu trưởng tại Trường THPT Xuân Trường kèo dài 2 năm.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ