Thay đổi kỳ vọng

GD&TĐ - Khi Trung Quốc 'rục rịch' kế hoạch dỡ bỏ chính sách 'Zero Covid', phần còn lại của châu Á và thế giới 'háo hức' chờ đợi sự tăng trưởng mới.

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

Nhập khẩu của Trung Quốc giảm mạnh trong tháng 4 trong khi xuất khẩu tăng với tốc độ chậm là những dấu hiệu củng cố nỗi lo chung của thế giới rằng nền kinh tế của nước này đang chậm phục hồi và không như kỳ vọng.

Khi Trung Quốc “rục rịch” kế hoạch dỡ bỏ chính sách “Zero Covid”, phần còn lại của châu Á và thế giới “háo hức” chờ đợi sự tăng trưởng mới. Đông Nam Á nói riêng dự đoán làn sóng khách du lịch Trung Quốc trở lại, từ đó kích thích sự phát triển và tăng trưởng của lĩnh vực du lịch và tiêu dùng.

Sự trở lại của Trung Quốc đã kéo theo một số lợi ích. Cụ thể, trong quý I năm 2023, nền kinh tế Trung Quốc tăng trưởng nhanh hơn dự kiến nhờ việc gỡ bỏ chính sách “Zero Covid”. Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trên đà đạt hoặc vượt mục tiêu tăng trưởng cả năm 5% mà Chính phủ Trung Quốc đề ra.

Trên thực tế, việc nền kinh tế Trung Quốc có thể bùng nổ như thế giới kỳ vọng là không có. Những con số thương mại mới nhất cho thấy nước này còn một chặng đường dài để phục hồi kinh tế như trước đại dịch.

Theo thông tin từ tờ The Globe and Mail, dữ liệu hải quan tháng 4/2023 cho thấy các chuyến hàng đến Trung Quốc đã giảm 7,9% so với cùng kỳ năm ngoái, kéo dài mức giảm 1,4% một tháng trước đó.

Các dữ liệu khác cũng cho thấy xuất khẩu của Hàn Quốc sang Trung Quốc, chỉ số hàng đầu về nhập khẩu của Trung Quốc, đã giảm 26,5% trong tháng 4, đánh dấu mức giảm 10 tháng liên tiếp.

Còn xuất khẩu của Trung Quốc đạt 8,5%, giảm từ mức tăng 14,8% trong tháng 3. Mức tăng trưởng xuất khẩu sang ASEAN, khu vực đối tác xuất khẩu lớn nhất của Trung Quốc, đã giảm xuống 4,5% trong tháng 4.

Tương tự, chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) hồi tháng 4 cho thấy sự sụt giảm bất ngờ trong hoạt động sản xuất của Trung Quốc với nguyên nhân chủ yếu do hàng xuất khẩu giảm. Dù vậy, các chỉ số dịch vụ tiêu dùng tại nước này tăng vì người tiêu dùng vẫn tiếp tục chi tiêu mạnh tay cho mua sắm và du lịch.

Đây là những minh chứng rõ nhất cho thấy nền kinh tế Trung Quốc hậu Covid-19 chưa thể phục hồi nhanh như dự đoán. Điều này có thể khiến các nhà hoạch định chính sách, doanh nghiệp Trung Quốc lẫn quốc tế thận trọng hơn bởi nhiều doanh nghiệp đang trông chờ vào sự trở lại của nền kinh tế thứ 2 thế giới.

Ông Xu Tianchen, nhà kinh tế học tại Economist Intelligent Unit, nhận định: Đầu năm nay, thế giới cho rằng nhập khẩu của Trung Quốc sẽ dễ dàng vượt qua mức năm 2022 nhờ mở cửa trở lại nhưng thực tế đã không xảy ra.

Sự phục hồi sau Covid-19 của Trung Quốc diễn ra nhanh chóng và sắc nét nhưng phần lớn là khép kín và thế giới không cảm nhận được.

Trước triển vọng u ám về nhu cầu bên ngoài, các chuyên gia dự đoán xuất khẩu của Trung Quốc sẽ tiếp tục giảm sâu trước khi chạm đáy vào cuối năm nay. Còn số liệu nhập khẩu giảm chỉ ra nền kinh tế thế giới không thể trông cậy nhiều vào động cơ tăng trưởng nội địa của Trung Quốc.

Con đường phục hồi kinh tế của nền kinh tế thứ hai thế giới vẫn tiềm ẩn nhiều bất ổn. Trong bối cảnh suy thoái kinh tế toàn cầu và có thể ảnh hưởng đến trong nước, Trung Quốc phải tìm cách cứu lấy chính mình còn các doanh nghiệp và phần còn lại của thế giới có lẽ nên giảm nhẹ kỳ vọng vào “sức bật” của nền kinh tế này.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ