Thay đổi không gian trong văn tả cảnh lớp 5

GD&TĐ - Văn tả cảnh trong phân môn Tập làm văn lớp 5 là dùng lời nói có hình ảnh và cảm xúc, làm cho người nghe, người đọc hình dung một cách rõ nét, cụ thể về người, vật, cảnh vật, sự việc như nó vốn có trong đời sống.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Một bài văn miêu tả hay không những phải thể hiện rõ nét, chính xác, sinh động đối tượng, mà còn thể hiện được trí tưởng tượng, cảm xúc và đánh giá của người viết đối với đối tượng được tả.

Tiết học không bảng đen, phấn trắng

Để viết một bài văn tả cảnh cần thực hiện các bước sau: Xác định yêu cầu đề bài; quan sát, tìm ý; lập dàn ý; dựng đoạn mở bài, kết bài và viết bài văn hoàn chỉnh.

Trong các bước trên, bước quyết định thành công của bài văn thường là: Bước quan sát và tìm ý. Học sinh muốn viết được bài văn hay, sống động phải có sự quan sát trực tiếp đối tượng miêu tả và ghi chép cụ thể, chi tiết những đặc điểm mình miêu tả.

Muốn thế, học sinh phải có hứng thú, cảm xúc với đối tượng. Vì thế, thay đổi không gian lớp học là phương pháp trực tiếp nhất, dễ tạo cảm xúc và khuyến khích sự tò mò, khám phá cho các em nhiều nhất.

Không bảng đen, không phấn trắng nhưng đó lại là những tiết học giúp học sinh sảng khoái hơn, thực tế hơn, mới mẻ hơn, hứng thú hơn, yêu thích môn học hơn. Nhưng để tổ chức hoạt động học ngoài trời đạt hiệu quả không phải là việc dễ dàng. Nó đòi hỏi giáo viên phải làm việc gấp nhiều lần so với những giờ học thông thường.

Trước hết, giáo viên hướng dẫn học sinh đọc kĩ đề bài để xác định đối tượng miêu tả, từ đó định hướng, giao nhiệm vụ quan sát.

Muốn quan sát có hiệu quả, phải có tính mục đích, người quan sát phải có cách nghĩ, cách cảm của riêng mình. Giáo viên cần hướng dẫn học sinh quan sát trực tiếp đối tượng miêu tả bằng nhiều giác quan khác nhau như thị giác, thính giác, vị giác, khứu giác, xúc giác... nhằm giúp các em nhận biết về cảnh đầy đủ và chính xác, các chi tiết cần cụ thể, nổi bật, gây ấn tượng, không phải là những chi tiết rời rạc, tản mạn, mang tính chất liệt kê.

Để tả cảnh, cần xác định vị trí quan sát, thời điểm quan sát, trình tự và nội dung quan sát. Quan sát phải luôn gắn với việc tìm ý và tìm từ ngữ để diễn tả. Để giúp quan sát và tìm ý, với mỗi đề bài cần có một hệ thống câu hỏi gợi ý nội dung quan sát và các ý cần xác lập.

Hướng dẫn ghi chép những điều quan sát được. Giáo viên có thể tạo ra sự mới mẻ trong cách ghi chép bằng sơ đồ tư duy. Nếu vận dụng cách ghi chép theo cách này còn giúp giáo viên và học sinh tiết kiệm được thời gian vì tận dụng các từ khóa, nâng cao khả năng ghi nhớ đặc biệt còn tiết kiệm được thời gian lập dàn ý.

Trong quá trình chia sẻ, nếu học sinh nhận được các ý kiến đóng góp của các bạn hay từ phía giáo viên thì cũng có thể bổ sung dễ dàng vào nội dung bài viết của mình.

Chia sẻ, trình bày kết quả quan sát, ghi chép. Để khắc phục không gian loãng, giảm bớt sự chú ý của học sinh, giáo viên có thể cho học sinh trở về lớp học để chia sẻ kết quả quan sát của mình.

Từ hoạt động chia sẻ, học sinh sẽ rèn được năng lực thuyết trình, trình bày ý tưởng, năng lực nhận xét, đánh giá bạn để có chất liệu làm bài đa dạng, phong phú. Nếu học sinh không thực hiện tốt bước quan sát và tìm ý sẽ không có chất liệu để làm văn, từ đó học sinh sẽ không có hứng thú làm bài hoặc sao chép từ những bài văn mẫu.

Sau đây, tôi xin minh họa bước sử dụng không gian ngoài lớp học trong hoạt động quan sát, tìm ý khi dạy bài LUYỆN TẬP TẢ CẢNH (Tuần 4) 

I. YÊU CẦU CẦN ĐẠT

- Lập được dàn ý cho bài văn tả ngôi trường đủ ba phần: Mở bài, thân bài, kết bài; biết lựa chọn được những nét nổi bật để tả ngôi trường.

- Dựa vào dàn ý viết được một đoạn văn miêu tả hoàn chỉnh, sắp xếp các chi tiết hợp lí.

- Bỗi dưỡng lòng yêu thích viết văn tả cảnh.

- Năng lực:

+ Năng lực tự chủ và tự học, năng lực giao tiếp và hợp tác, năng lực giải quyết vấn đề và sáng tạo.

+ Năng lực văn học, năng lực ngôn ngữ, năng lực thẩm mĩ, năng lực thuyết trình.

- Phẩm chất: Học sinh cảm nhận được vẻ đẹp của ngôi trường thân yêu đã gắn bó với em suốt cấp học, giáo dục bảo vệ cảnh quan xanh, sạch, đẹp.

II. ĐỒ DÙNG DẠY HỌC

- Giáo viên: Bài giảng, tivi, máy tính.

- Học sinh: Bút dạ, bảng nhóm, vở bài tập Tiếng Việt.

III. CÁC HOẠT ĐỘNG DẠY HỌC

1. Hoạt động mở đầu: (3 phút)

Giáo viên nêu nhiệm vụ tiết học: Dựa vào kết quả quan sát về trường học để lập dàn ý cho bài văn tả trường học, viết một đoạn văn trong bài này.

Để quan sát được toàn cảnh ngôi trường thân yêu các em đang được học, cô sẽ tổ chức cho chúng ta quan sát: Vị trí, toàn cảnh, các dãy phòng học, sân trường, cảnh quan ngôi trường.

2. Hoạt động thực hành: (30 phút)

Bài tập 1: Quan sát trường em. Từ những điều quan sát được lập dàn ý cho bài văn miêu tả ngôi trường.

Mục tiêu: Lập được dàn ý cho bài văn tả ngôi trường đủ ba phần: Mở bài, thân bài, kết bài; biết lựa chọn được những nét nổi bật để tả ngôi trường.

Cách tiến hành:

Bước 1: Tổ chức cho học sinh quan sát, thu thập thông tin ngôi trường các em đang học.

Trong quá trình dẫn học sinh quan sát, giáo viên giới thiệu trường vinh dự nằm trên làng khoa bảng Đông Thái (tốp 10 làng khoa bảng của cả nước), bên bến Tam Soa hiền hòa thơ mộng, nơi gặp nhau giữa 3 con sông Ngàn Sâu, Ngàn Phố và sông La.

Học sinh được quan sát toàn cảnh ngôi trường, cổng, sân, vườn hoa, thảm cỏ, các dãy phòng học, khu hiệu bộ, khu bán trú, các dãy phòng chức năng.

Bước 2: Hướng dẫn ghi chép những điều quan sát được. Giáo viên hướng dẫn học sinh ghi chép bằng sơ đồ tư duy.

Bước 3: Học sinh chia sẻ, trình bày kết quả quan sát và ghi chép.

Sau khi học sinh hoàn thành phần ghi chép nhanh, các em sẽ chia sẻ trước lớp về ý tưởng của mình và lắng nghe góp ý của bạn. Đây là bước giáo viên chú trọng vào phát triển năng lực thuyết trình cho học sinh.

Học sinh nghe cô và bạn góp ý, học sinh chỉnh sửa, bổ sung hoàn thiện chất liệu, ngữ liệu cho bài làm của mình.

Giáo viên lưu ý: Bài làm tập làm văn là sản phẩm cá nhân, mỗi bạn có cách nhìn riêng, cách diễn đạt riêng. Trong miêu tả cần thể hiện được tình cảm gắn bó với cảnh vật, với thầy cô, bè bạn, cần thể hiện được lòng biết ơn sâu sắc đối với  mái trường.

Ngay trong quan sát, mỗi em phải tìm ra cái mới, cái riêng, cái độc đáo, ai cũng miêu tả giống nhau thì gây cảm giác nhàm chán. Giáo viên khuyến khích học sinh làm mới cách đặt câu, dùng từ, sử dụng các biện pháp nghệ thuật so sánh và nhân hóa trong khi làm bài.

Bước 4: Học sinh làm việc cá nhân hoàn thành dàn bài.

Ví dụ ảnh 1: Ghi chép từng phần của cảnh từ khái quát đến cụ thể.
Ví dụ ảnh 1: Ghi chép từng phần của cảnh từ khái quát đến cụ thể.

Ví dụ minh họa:

Mở bài:

+ Ngôi nhà thứ hai đã gắn bó với em hơn bốn năm qua là Trường Tiểu học Tùng Ảnh.

+ Ngôi trường khang trang nhìn ra sân vận động Chợ Hạ, trước mặt là dòng sông La hiền hòa thơ mộng.

Thân bài:

- Khái quát:

+ Nhìn từ xa: Ngôi trường khang trang, rộng rãi dưới những hàng  cây cổ  thụ.

- Tả từng phần của trường.

+ Trường: Tường sơn màu vàng thật sang trọng.

+ Cổng trường sơn màu xanh đậm.

+ Sân trường đổ bê tông, lát gạch kiên cố.

+ Bàng, phượng, hoa sữa như cái ô khổng lồ che mát sân trường, bồn hoa thảm cỏ được chăm sóc cẩn thận, đua nhau khoe sắc, ong bướm bay lượn dập dờn.

+Dãy phòng học: 3 dãy nhà tầng xếp thành hình chữ U các phòng học rộng rãi, thoáng mát, có đèn điện, quạt trần, cửa sổ và cửa ra vào sơn màu xanh rất đẹp.

+ Bàn ghế: Ngay ngắn gọn gàng.

+ Thư viện: Có nhiều sách báo.

- Hoạt động trên sân trường: Trước đây, giờ chơi sân trường náo nhiệt, tưng bừng, chúng em nô đùa vui chơi thoải mái. Những năm gần đây, do dịch Covid sân trường cũng trở nên buồn bã.

Kết bài:

Em yêu quý, tự hào về trường. Em xin hứa sẽ học tập thật tốt để viết tiếp truyền thống vẻ vang của nhà trường.

Ví dụ ảnh 2: Ghi chép theo nội dung chính của cảnh.
Ví dụ ảnh 2: Ghi chép theo nội dung chính của cảnh.

Bài tập 2: Chọn viết một đoạn theo dàn ý trên.

- Giáo viên yêu cầu học sinh đọc yêu cầu bài tập.

- Một số học sinh chia sẻ trước lớp đoạn mình sẽ lựa chọn để viết

- Học sinh làm việc cá nhân: Viết một đoạn phần thân bài.

- Giáo viên mời một số em đọc bài viết, các bạn chia sẻ, góp ý.

3. Hoạt động vận dụng, trải nghiệm: (5 phút)

- Trong đoạn văn em vừa viết thì em thích nhất hình ảnh nào? Vì sao?

- Học sinh nêu cảm nhận, chia sẻ cảm xúc sau tiết học.

Thay đổi không gian lớp học là tạo điều kiện đưa học sinh đến gần với thiên nhiên, hiểu biết về thiên nhiên, từ đó có ý thức bảo vệ thiên nhiên và môi trường sống xung quanh.

Hoạt động ngoài lớp còn là cơ hội để các em bộc lộ cá tính, năng khiếu, sở trường, đồng thời có tác dụng hình thành thói quen hợp tác, tương trợ, học hỏi lẫn nhau; giúp học sinh có thói quen quan sát, biết phát hiện những điều mới mẻ, thú vị về thế giới xung quanh; biết truyền những rung cảm của mình vào đối tượng miêu tả; biết sử dụng những từ ngữ có giá trị biểu cảm, những câu văn sáng rõ về nội dung, chân thực về tình cảm.

Một bài văn hay là một bài văn mà khi đọc, người đọc hình dung trước mắt mình: Con người, cảnh vật, sự vật… cụ thể, sống động như nó vẫn tồn tại trong cuộc sống. Qua đó, bồi dưỡng cho các em tình yêu đối với trường lớp, yêu cỏ cây hoa lá, yêu quê hương đất nước; tích lũy vốn sống, vốn ngôn ngữ và tư duy văn học.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ