Cụ thể, giáo viên (GV) vẫn dạy theo một khuôn mẫu nhất định, còn thuyết trình nhiều, chưa chú ý thúc đẩy năng lực và tư duy sáng tạo của HS.
Do đó, bài làm của HS còn đơn điệu, nội dung sơ sài, khuôn mẫu, sáo rỗng; hình ảnh chưa chọn lọc, còn mang tính chất liệt kê; diễn đạt còn vụng về... Các biện pháp tu từ như: so sánh, nhân hóa, ẩn dụ, hoán dụ… chưa có hoặc ít được đưa vào bài văn.
Cô Tống Thị Lan Anh cho rằng, việc rèn các kĩ năng khi làm văn miêu tả, gắn lý thuyết với thực hành là vô cùng cần thiết giúp học sinh có thể đưa được những rung cảm thực sự từ thực tế cuộc sống vào trong mỗi bài văn.
Kĩ năng quan sát, ghi chép
Theo cô Lan Anh, kĩ năng này thường bị HS bỏ qua nên khi làm bài các em thiếu vốn sống thực tế, bài văn nghèo về nội dung ý nghĩa, thiếu sức thuyết phục.
Để rèn HS kĩ năng này, trước hết giáo viên cần hướng dẫn và chỉ ra các ví dụ cụ thể cho HS học tập. Ví dụ, kinh nghiệm của nhà văn Vũ Tú Nam là: Tôi say mê chơi các loài dế từ ngày ấy, để bốn mươi năm sau tôi có đủ tình yêu và hiểu biết để viết Dế chọi và Ong bắt dế...
Để hướng dẫn HS quan sát, cô Lan Anh giao cho các nhóm HS tìm hiểu một số đối tượng như: Cánh đồng lúa quê hương, dòng sông quê em, một danh lam thắng cảnh,... cùng yêu sưu tầm các tư liệu khác nhau như hình ảnh, tranh vẽ, bài viết, các đoạn phim,...
Sau khi HS trình bày các kết quả của mình, giáo viên có thể bổ sung một số tư liệu trình chiếu trên Power Point rồi nêu vấn đề để các em nhận thấy có thể quan sát đối tượng miêu tả trong nhiều hoàn cảnh như trên đường đi học; qua trò chơi; đi tham quan, du lịch, dã ngoại, về quê; trên truyền hình, sách báo, các tác phẩm văn học nghệ thuật; qua lời kể của người khác...
Muốn như vậy, học sinh phải tập quan sát thực sự, quan sát nhiều lần và bằng các giác quan khác nhau, bằng tâm hồn và cảm xúc của các em, bằng tình yêu thiên nhiên, loài vật...
Khi quan sát, phải chú ý đến bố cục, đường nét, màu sắc, hình ảnh của cảnh và đặt ra những câu hỏi để tự lí giải và quan trọng là phải tìm được chi tiết trọng tâm, nét nổi bật, nét riêng của từng sự vật cụ thể; không nên quan sát và chọn chi tiết miêu tả một cách tràn lan mang tính liệt kê.
Nếu là một danh lam thắng cảnh, một di tích lịch sử thì cần làm nổi bật giá trị về lịch sử, văn hóa.... Điều đó giúp các em có thể vận dụng tích hợp với kiến thức của các môn học như Mĩ thuật, Lịch sử, Địa lí,...
Tất cả những điều học sinh quan sát ghi nhận được cần chép lại vào một cuốn sổ tay. Không cần chép dài dòng, mà chỉ điểm qua những nét chính, ngắn gọn.
Sẽ rất thành công nếu khi quan sát các em có những phát hiện bất ngờ thú vị. Những phát hiện này sẽ là điều kiện giúp cho bài làm của các em thêm sáng tạo, độc đáo.
Kĩ năng tưởng tượng
Để hướng dẫn HS có được những kĩ năng này, khi dạy cô Lan Anh cho biết mình thường chỉ cho HS thấy được vai trò của trí tưởng tượng là rất lớn.
Nó không chỉ là yếu tố tạo nên sự phong phú cho các hình ảnh trong bức tranh miêu tả mà còn giúp cho HS tìm được những từ ngữ và biện pháp nghệ thuật phù hợp để bài văn tả hấp dẫn hơn.
Thường để rèn luyện kĩ năng này, ban đầu giáo viên có thể cho HS trao đổi, đặt câu hỏi so sánh hai đoạn văn để làm rõ vai trò của kĩ năng tưởng tượng trong miêu tả.
Sau đó, tôi thường đưa ra các bài tập rèn kĩ năng tưởng tượng cho HS để tăng cường tính chủ động và tư duy học tập; nâng cao năng lực sử dụng ngôn ngữ, năng lực sáng tạo của HS.
Trong các bài tập này, giáo viên yêu cầu HS phải biết tự viết sáng tạo, biết tìm điểm mới, điểm riêng, không nên lặp lại các hình ảnh so sánh đã quá cũ, quá sáo mòn.
Sau khi hướng dẫn HS làm những dạng bài tập đó, căn cứ vào từng đối tượng HS, giáo viên đưa ra yêu cầu phù hợp để các em rèn kĩ năng tưởng tượng. Và trong quá trình rèn luyện cho HS, tôi đã thấy các em phát huy được trí tưởng tượng của mình.
Kĩ năng so sánh
Chất lượng của bài miêu tả là “nói ít gợi nhiều”, chi tiết đưa ra không cần nhiều nhưng phải gợi được cảm giác mãnh liệt nhất, những hình ảnh sinh động hiện lên trước mắt người đọc, khiến họ nhìn rất rõ và rất có ấn tượng.
Đương nhiên cảm xúc mạnh đó, hình ảnh sắc nét đó phải thể hiện được lý tưởng thẩm mĩ cao đẹp của thời đại, phải hướng tới cái chân - thiện - mĩ, nâng cao tâm hồn và nhân cách con người.
Yếu tố tạo nên chất lượng trên là cái chi tiết “có góc cạnh, sinh động” thể hiện được “Cái thần, cái hồn, cái dáng vẻ đặc biệt của con người, con vật, hoa trái”… Cái chi tiết này có được do chất lượng của sự quan sát và cách chọn lọc, các em phải tìm ra những gì “chân thật nhưng lại ít được chú ý”, những gì giúp người đọc “nhìn rất rõ và rất có ấn tượng”, các chi tiết có tính chất tạo hình.
Khi dạy, giáo viên hướng dẫn HS các cách so sánh và ví dụ cụ thể để HS nhận biết và vận dụng trong khi làm bài của mình :
Có thể so sánh vật với vật, cảnh với cảnh, so sánh vật với con người, so sánh theo hướng thu nhỏ lại, so sánh theo hướng phóng đại lên, so sánh theo hướng cụ thể hoặc trừu tượng hoá.
Sau đó, giáo viên đưa ra một số hình ảnh cho các em tự đặt câu, viết đoạn có so sánh và nêu tác dụng của so sánh ấy, rồi sửa những lỗi sai cho các em khi so sánh chưa phù hợp. Trên cơ sở hướng dẫn đó, HS có được những cách so sánh khác nhau về cùng một đối tượng.
Kĩ năng nhận xét
Với kĩ năng này, cô Lan Anh chia sẻ hai cách để hướng dẫn học sinh.
Trước hết, có thể nhận xét trực tiếp bằng lời bình, những câu cảm thán, những hình ảnh so sánh. Ví dụ: “Những bông hoa rơi từ trên cao, đài hoa nặng chúi xuống, những cánh hoa đỏ rực quay tít như chong chóng, nom thật đẹp”(Vũ Tú Nam).....
Cũng có thể nhận xét gián tiếp, bộc lộ kín đáo qua việc lựa chọn hình ảnh miêu tả. Ví dụ như nhà văn Vũ Tú Nam khi quan sát và miêu tả hình ảnh những trái mướp lớn nhanh như thổi: “Rồi quả thi nhau trồi ra...bằng ngón tay...bằng con chuột. Rồi bằng con cá chuối to...”
Sau đó, tổ chức HS làm việc cá nhân, gọi từng em nhận xét đối tượng mình tả cho cả lớp nghe với yêu cầu khi nhận xét phải thể hiện những suy nghĩ, cảm nhận riêng về đối tượng; cách diễn đạt mang sắc thái cá nhân, thể hiện được những liên hệ, trải nghiệm riêng của HS;...để tạo sự mạnh dạn tự tin cho các em và uốn nắn sửa cho các em khi nhận xét chưa chính xác hoặc không phù hợp.