Bản báo cáo được công bố trên tuần báo “Lancet” có đoạn viết: “Sự thay đổi khí hậu là thách thức quan trọng nhất mà chúng ta phải đối mặt trong thế kỷ 21. Nếu chúng ta bỏ qua mối nguy hiểm này thì thế hệ con cháu sẽ lên án chúng ta tương tự như chúng ta từng lên án những người trước đây ủng hộ chế độ nô lệ”.
Bản báo cáo là tác phẩm chung của các nhà báo thuộc tạp chí “Lancet” và các chuyên gia trường ĐH London. “Chúng ta phải biết rằng sự nóng lên toàn cầu không chỉ là vấn đề bảo vệ môi trường, cũng không chỉ là vấn đề những con gấu trắng và những cánh rừng nhiệt đới đang mất đi. Sự thay đổi khí hậu còn ảnh hưởng đến sức khỏe hàng tỷ người”. Các tác giả bản báo cáo nhấn mạnh.
Triển lãm hỗ trợ dự án bảo vệ trái đất trước sự nóng lên toàn cầu (Los Angeles Mỹ) |
Chúng ta có thể chờ đợi điều gì?
1-Các tác giả bản báo cáo cho rằng, các dự đoán liên quan đến vấn đề thải khí nóng, nhiệt độ gia tăng, mực nước biển dâng hay tần suất các cơn bão do Ủy ban quốc tế về biến đổi khí hậu soạn thảo, là quá thận trọng. Trên bình diện một thế kỷ rưỡi, có 12 năm thời tiết nóng nực khác thường và chỉ xảy ra trong những năm gần đây.
2-Theo ước tính chỉ trong năm 2003 các đợt nóng bất thường ở châu Âu đã làm hơn 70.000 người chết. Đến năm 2100 nhiệt độ mùa hè tại đông bắc Ấn Độ và Australia sẽ vượt quá 50 độ C.Tại tây nam và nam châu Âu, nhiệt độ sẽ lên tới 40 độ C.
3-Những căn bệnh hiện nay đang hoành hành chủ yếu tại các khu vực nhiệt đới và cận nhiệt đới như sốt rét, viêm màng não, sốt xuất huyết.. sẽ lan rộng ra trên phạm vi toàn cầu. Đến năm 2080 số người mắc bệnh sốt rét sẽ tăng thêm 260-320 triệu người. Sẽ có 6 triệu người mắc bệnh sốt xuất huyết ( hiện tại con số này là 3,5 triệu người). Điều này đòi hỏi phải có sự tổ chức lại hệ thống chăm sóc sức khỏe, trong đó có huấn luyện nhân viên y tế để họ có thể đối phó với những căn bệnh nguy hiểm nói trên.
4- Các nhà khoa học ước tính rằng sự tăng nhiệt độ lên 1 độ C sẽ khiến cho năng lực sản xuất lương thực giảm tới 17%. Do vậy, giá lương thực sẽ tăng cao và nạn đói sẽ gia tăng ở các quốc gia hiện đang phải đối mặt với những vấn đề này. “Ngày nay có một tỷ người đang thiếu dinh dưỡng. Nếu như xuất hiện bùng nổ dân số ở Trung Quốc hay Ấn Độ vào cuối thế kỷ này thì một nửa dân số thế giới có thể lâm vào tình trạng thiếu ăn”- GS. Anthony Costello, tác giả chính của bản báo cáo, đưa ra nhận định như vậy.
5- Băng tan chảy, sự thay đổi dòng chảy các con sông, mưa lũ sẽ gây ra hoặc cảnh khô hạn hoặc ngập lụt kinh hoàng.
Đến năm 2020 trên 250 triệu dân châu Phi sẽ không được đáp ứng đầy đủ nhu cầu về nước sạch . Việc thiếu nước làm gia tăng các bệnh truyền nhiễm và các bệnh về đường hô hấp. Tổ chức WaterAid từng thông báo rằng bệnh tả do thiếu vệ sinh và thiếu nước sạch là nguyên nhân làm gia tăng tỷ lệ tử vong ở trẻ em và tỷ lệ này còn cao hơn tỷ lệ tử vong do AIDS, sốt rét và lao cộng lại.
Trên thế giới hiện có khoảng 1,5 tỷ người không tiếp cận được với nguồn nước sạch.
6-Tại các nước đang phát triển hoặc kém phát triển đang diễn ra quá trình đô thị hóa mãnh liệt. Tuy nhiên, thật đáng tiếc là trong nhiều trường hợp việc đô thị hóa lại dựa trên việc mở rộng các khu nhà ổ chuột. Hàng triệu người sống trong các khu nhà ổ chuột đó trở thành nạn nhân tiềm tàng của các cơn bão hoặc cuồng phong.
Cơn bão Katrina đã làm thiệt mạng 1850 người ở Mỹ, còn cơn bão Nargis đã lấy đi sinh mạng của gần 150.000 người ở Birma.
Vì nguyên nhân biến đổi khí hậu, tần số xuất hiện các cơn bão tương tự như vậy luôn gia tăng. Trong vòng 20 năm gần đây tần số này tăng lên 2 lần.
7-Trong số 20 thành phố lớn nhất thế giới có tới 13 thành phố nằm trên bờ biển. Một phần ba số dân sống cách bờ biền chưa đầy 100 kilômét.
Theo các nhà khoa học, sự nóng lên toàn cầu sẽ khiến cho mực nước biển và đại dương trong thế kỷ 21 này dâng cao hơn 0,5 đến 1,2 mét. Theo một số dự đoán khác có phần cực đoan hơn thì mực nước biển và đại dương sẽ lên cao tới 5 mét! “Điều đó có nghĩa là cần phải có sự di cư vào sâu trong đất liền của gần một tỷ người”- Bản báo cáo cho biết.
Trong thời gian gần đây, Ngân hàng thế giới đã ước tính rằng đến cuối thế kỷ 21 mực nước biển ở Bangladesh có thể dâng cao tới 1,8 mét. Như vậy khoảng 16% diện tích quốc gia, 13% dân số Bangladesh sẽ mất đi. Sản phẩm quốc nội theo đó cũng giảm đi 12%.
Trên thế giới, hiện có 1,5 tỷ người không được tiếp cận với nguồn nước sạch (Trong ảnh: Phụ nữ Ấn Độ đi lấy nước) |
Đối phó với những mối nguy hiểm này như thế nào?
“Giới y học sẽ phải tham gia vào cuộc chiến đối phó với sự thay đổi khí hậu và các hậu quả của nó. Điều quan trọng nhất đó là không để xảy ra sự khác biệt trong chăm sóc sức khỏe tại các quốc gia phát triển và các quốc gia nghèo.Ước tính, các hậu quả về sức khỏe do sự nóng lên toàn cầu gây ra -bệnh tật hoặc tử vong- đối với dân châu Phi sẽ khắc nghiệt hơn 500 lần so với dân châu Âu. Vậy mà các cư dân lục địa đen ít phải chịu trách nhiệm nhất về việc làm cho trái đất nóng lên. Tình trạng vô lý này không thể để tiếp tục kéo dài mãi được”- Các tác giả bản báo cáo nhấn mạnh.
Các xã hội giàu có, trong đó người ta sử dụng nhiều than và các nhiên liệu mỏ khác và do đó thải ra nhiều khí nóng, sẽ buộc phải chuyển sang lối sống “cacbon thấp”. Điều này không chỉ hạn chế việc ô nhiễm môi trường, mà còn cải thiện tình trạng sức khỏe cộng đồng của những xã hội đó, trong đó có sự giảm thiểu số ca tiểu đường, béo phì hoặc các bệnh về hệ tuần hoàn.
Cũng cần phải quan tâm đến vấn đề dân số. Theo ước tính, dân số thế giới sẽ tăng từ 6,7 tỷ người hiện nay lên đến 9,2 tỷ người vào năm 2050. Sự gia tăng lớn nhất sẽ xuất hiện tại các quốc gia đang phát triển (Từ 5,4 tỷ lên 7,9 tỷ). Vì thế mà các tác giả bản báo cáo lưu ý đến việc tăng cường các biện pháp tránh thai hiện đại.”Kế hoạch hóa gia đình không chỉ là phương thức thích ứng với sự thay đổi khí hậu, mà còn là chiến thuật giữ sự gia tăng dân số ở mức hợp lý. Hiện tại, có khoảng 200 triệu phụ nữ trên thế giới mong muốn có thai muộn hoặc không có thai, nhưng họ không được tiếp cận với các biện pháp tránh thai hiệu quả. Nếu họ được tiếp cận với các biện pháp tránh thai này ( Trị giá khoảng 3,9 tỷ USD mỗi năm) thì chúng ta có thể ngăn ngừa được 23 triệu ca có thai ngoài ý muốn, 22 triệu ca nạo phá thai, 142.000 trường hợp tử vong do thai sản ( trong đó 53.000 trường hợp là hậu quả của việc nạo phá thai bằng những biện pháp nguy hiểm).
Chúng ta cũng sẽ phải học cách tiết kiệm nước. Và đặc biệt là các cư dân của các quốc gia giàu- GS. Costello nhấn mạnh. Ba phần tư trữ lượng nước trên thế giới được dùng cho nông nghiệp. Chẳng hạn sản xuất một kg lúa mạch cần khoảng 1.000 lít nước, nhưng để sản xuất một kg thịt bò, thì phải cần 15.000 lít nước. Một bữa ăn trung bình cho người dân Mỹ hoặc châu Âu “tiêu tốn” tổng cộng 5.000 lít nước mỗi ngày, còn bữa ăn cho dân châu Á hoặc châu Phi: khoảng 2.000 lít.
Phùng Thu Nguyệt