Thay đổi hợp lý trong Khung kế hoạch thời gian năm học 2024-2025

GD&TĐ - Khung kế hoạch thời gian năm học 2024-2025 có điểm mới, đó là đưa luôn dự kiến lịch thi tốt nghiệp THPT.

Giờ học tại Trường THCS Đống Đa, Hà Nội.
Giờ học tại Trường THCS Đống Đa, Hà Nội.

Ông Nguyễn Tân, Giám đốc Sở GD&ĐT Thừa Thiên Huế nhận định: Khung kế hoạch thời gian năm học những năm gần đây có nhiều điểm thuận lợi, hợp lý, phù hợp với tình hình thực tế từng cấp học và điều kiện từng vùng. Trong đó có chú ý đủ thời gian 3 tháng hè cho học sinh nhưng vẫn bảo đảm đủ thời gian kết thúc chương trình năm học.

Đặc biệt, năm nay Bộ GD&ĐT đưa lịch thi tốt nghiệp THPT ngay từ đầu năm học, tạo sự chủ động cho các địa phương, nhà trường, học sinh và phụ huynh.

Thuận lợi hơn nữa, với thời điểm tuần 4/6, các địa phương cũng đủ tổ chức tuyển sinh xong đầu cấp và có thời gian 3 tuần - khoảng thời gian phù hợp - để củng cố lại kiến thức cho học sinh 12 làm bài thi đạt kết quả tốt.

“Nếu Kỳ thi lùi muộn quá sẽ không bảo đảm việc ôn tập chất lượng và tạo sự chờ đợi không đáng có của học sinh. Nếu tổ chức sớm hơn, các địa phương tuyển sinh cũng vất vả do không đủ thời gian vật chất”, ông Nguyễn Tân cho hay.

Cùng quan điểm, ông Trần Tuấn Khanh, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT An Giang cho biết: Bộ GD&ĐT ban hành Khung kế hoạch thời gian năm học 2024-2025 đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên; trong đó đưa các mốc thời gian quan trọng như tổ chức khai giảng, ngày kết thúc học kỳ, kết thúc năm học, dự kiến ngày thi tốt nghiệp THPT…

Bộ GD&ĐT giao trách nhiệm thực hiện khung thời gian này đối với UBND tỉnh, Giám đốc sở GD&ĐT trong những trường hợp cụ thể, phù hợp với thực tiễn của địa phương.

Đối với cấp THPT, thời gian thi tốt nghiệp THPT năm 2025 dự kiến diễn ra trong ngày 26 và ngày 27/6/2025. Điều này tạo điều kiện thuận lợi cho các trường và các cấp quản lý.

Cụ thể, đối với cấp quản lý dự kiến được khung thời gian phù hợp, các trường tổ chức xây dựng Kế hoạch giáo dục của nhà trường từ đầu năm học, sắp xếp việc tổ chức dạy học và ôn tập,tổ chức kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 …

Đối với giáo viên và tổ chuyên môn, chủ động xây dựng kế hoạch giáo dục của tổ chuyên môn, của giáo viên, sát với thực tế, ít điều chỉnh..

Với điểm mới đưa thời gian tổ chức thi tốt nghiệp THPT vào Khung kế hoạch thời gian năm học, ông Phùng Quốc Lập, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Phú Thọ đánh giá, việc này giúp các địa phương chủ động trong thực hiện chương trình giáo dục, công tác tổ chức ôn thi tốt nghiệp và chuẩn bị các điều kiện cho tổ chức Kỳ thi.

Cách làm mới này đồng thời giúp địa phương chủ động tính toán thời gian tổ chức Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 phù hợp, không ảnh hưởng đến Kỳ thi tốt nghiệp THPT được thực hiện trên toàn quốc.

Đồng tình với việc sớm đưa thời gian thi tốt nghiệp THPT, thầy Lê Văn Hòa, Giám đốc Trung tâm GDTX – Tin học, Ngoại ngữ tỉnh Quảng Trị cho rằng, việc này giúp các trường THPT chủ động bố trí công việc hơn.

“Thực tế, nếu công bố sớm thì các trường sẽ chủ động bố trí lịch học chương trình chính khoá và ôn tập hài hoà, không gây áp lực cho học sinh. Nếu công bố muộn thì có trường, có nơi sẽ bố trí dồn ép việc dạy chương trình chính khoá xong sớm để tập trung cho ôn tập. Điều này vừa gây áp lực cho học sinh và giáo viên, có khi còn xảy ra tiêu cực "hợp lý hoá dạy chương trình chính khoá"”, thầy Lê Văn Hòa chia sẻ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Thị Thu Vân - Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, TP Điện Biên Phủ (Điện Biên). Ảnh: NVCC

'Trái ngọt' từ tình yêu nghề

GD&TĐ - Hơn 20 năm công tác, cô Nguyễn Thị Thu Vân - giáo viên Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Điện Biên) có nhiều đóng góp cho sự nghiệp “trồng người”.