Thay đổi hình thức học: Thầy - trò chủ động tâm thế đón nhận

GD&TĐ - Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhiều cơ sở giáo dục thường xuyên phải thay đổi hình thức học từ trực tuyến sang trực tiếp và ngược lại.

Một lớp học của Trường Tiểu học Hải Hà (thị xã Nghi Sơn, Thanh Hoá). Ảnh: NVCC
Một lớp học của Trường Tiểu học Hải Hà (thị xã Nghi Sơn, Thanh Hoá). Ảnh: NVCC

Theo đó, cần chuẩn bị tốt tinh thần cho học sinh, để các em chủ động đón nhận và thích nghi với sự thay đổi này.

Không để bị động, bất ngờ

Trở lại với lớp học trực tuyến, nhưng lớp học của cô Phạm Minh Huệ - giáo viên Ngữ văn, Trường THCS Chí Minh (Tứ Kỳ, Hải Dương) diễn ra ổn định và sôi nổi không kém so với thời điểm học trực tiếp ở trường. Cô Huệ cho biết: Sáng 2/11, nhà trường nhận được thông báo tạm dừng đến trường và chuyển sang hình thức dạy – học trực tuyến từ ngày 3/11.

“Thông tin này không khiến cô – trò chúng tôi nao núng. Bởi ngày từ đầu năm học, nhà trường đã làm công tác tư tưởng với giáo viên, phụ huynh, học sinh về việc sẵn sàng thích ứng trong mọi trường hợp. Thậm chí, sáng dạy – học trực tiếp, nhưng chiều có thể chuyển trạng thái sang dạy - học trực tuyến” – cô Huệ khẳng định, đồng thời cho biết:

Trong những ngày lên lớp, thi thoảng cô cũng “dự lệnh” về việc dạy – học trực tuyến bất cứ lúc nào. Việc này, giúp học sinh có tâm thế sẵn sàng đón nhận những thay đổi do khách quan mang lại. Khi đó, các em sẽ không hoang mang, bị động và lúng túng khi thay đổi hình thức dạy – học.

Tận dụng thời gian “vàng”, thầy – trò Trường Tiểu học Hải Hà (thị xã Nghi Sơn, Thanh Hoá) đang thực hiện dạy – học trực tiếp. Theo cô Hiệu trưởng Phan Thị Hải Yến, việc giảng dạy và học tập vẫn diễn ra ổn định. Dù chưa phải chuyển sang trạng thái hình thức dạy – học trực tuyến, nhưng nhà trường luôn trong tâm thế chủ động, sẵn sàng thích ứng.

“Từ thực tế của nhà trường và các địa phương, chúng tôi đã rút ra những bài học kinh nghiệm. Song song với dạy – học, chúng tôi hướng dẫn giáo viên là làm tốt công tác tư tưởng cho phụ huynh, học sinh nếu phải chuyển sang trạng thái mới.

Qua đó, không để học sinh “chệch choạc” nếu phải chuyển sang dạy học online; đồng thời giữ vững tinh thần, thái độ tích cực trong học tập. Cùng với đó, giáo viên phải chủ động, tận dụng tối đa thời gian trên lớp” – cô Phan Thị Hải Yến nhấn mạnh, đồng thời khẳng định: Việc khó nhất là ổn định tâm lý của phụ huynh, học sinh và nhà trường đã làm tốt việc này.

Cô Phạm Minh Huệ dạy trực tuyến tại nhà. Ảnh: NVCC
Cô Phạm Minh Huệ dạy trực tuyến tại nhà. Ảnh: NVCC

Đồng hành cùng học trò

Có con học lớp 6, Trường THCS thị trấn Sóc Sơn (Hà Nội), anh Ngô Đoài chia sẻ: Dù chưa có thông báo chính thức từ phía nhà trường, nhưng đối chiếu với hướng dẫn của Sở GD&ĐT Hà Nội, rất có thể ngày 8/11 tới đây, nhà trường sẽ mở cửa đón học sinh trở lại trường học trực tiếp. Vì thế, mấy ngày nay, anh Đoài luôn dành thời gian trò chuyện với con về việc sắp được trở lại trường học tập.

Trong câu chuyện, anh không quên chia sẻ với con về việc: Trong quá trình học tập, có thể thường xuyên phải thay đổi phương thức dạy – học từ trực tiếp sang trực tuyến hoặc ngược lại.

“Tôi muốn, chuẩn bị thật tốt tâm lý cho con để không bị hụt hẫng khi phải chuyển đổi phương thức dạy – học. Tôi muốn con hiểu rằng, việc này hoàn toàn phụ thuộc vào khách quan, không phải do giáo viên, hay nhà trường quyết định. Khi con hiểu được vấn đề sẽ chủ động đón nhận, cho dù đó là phương thức học tập nào đi chăng nữa. Điều quan trọng, các con không bị xáo trộn về tâm lý, ảnh hưởng đến học tập” – anh Đoài trao đổi.

Theo ông Đỗ Đức Quế - Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học (Bộ GD&ĐT), tới đây khi học sinh trở lại trường học tập trung, một trong những việc cần làm là bảo đảm an toàn trường học, đồng thời làm tốt công tác tư vấn học đường cho học sinh, để các em ổn định tâm lý, yên tâm học tập. Giáo viên cần nhắc nhở học sinh bảo đảm giãn cách; đồng thời giúp các em thích ứng dần với học trực tiếp. Mặt khác, sẵn sàng hợp tác khi phải thay đổi phương thức học tập do khách quan mang lại.

TS Ngô Xuân Hiếu - Phó Trưởng bộ môn Quản lý Giáo dục, Trường ĐH Thủ đô Hà Nội khuyến nghị, thầy cô cần phải học cách “làm bạn” với học sinh trong mọi hoàn cảnh. Dù là phương thức dạy – học nào thì vai trò của giáo viên chủ nhiệm rất quan trọng. Theo đó, giáo viên cần nắm bắt diễn biến tâm tư tình cảm của học sinh để có những điều chỉnh khéo léo, kịp thời, đồng thời trang bị cho các em kỹ năng thích ứng trong học tập cũng như trong cuộc sống. Khi các em đã hiểu, làm chủ tình huống, mọi việc sẽ trở nên dễ dàng, thuận tiện.

Theo đánh giá của Ủy ban Văn hoá, Giáo dục của Quốc hội, hiện nay về cơ bản, cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên ngành GD-ĐT yên tâm công tác, chủ động, tích cực ứng phó với mọi tình huống của dịch bệnh. Tuy nhiên, việc chuyển đổi hình thức dạy học trực tiếp sang các hình thức khác cũng gây tâm lý băn khoăn, lúng túng trong thực hiện, nhất là với giáo viên lớn tuổi, ở vùng khó khăn, cơ sở hạ tầng kỹ thuật chưa bảo đảm.

Bên cạnh đó, việc áp dụng đồng thời nhiều hình thức dạy học: Trực tuyến qua các hệ thống phần mềm, truyền hình, giao bài qua ứng dụng trực tuyến, email, giao bài trực tiếp… tạo nhiều áp lực cho giáo viên; việc hướng dẫn, theo dõi, giám sát hoạt động học tập của học sinh, sinh viên gặp nhiều khó khăn.

Đối với học sinh tiểu học, THCS và THPT, thay đổi hình thức học tập từ trực tiếp sang trực tuyến, học qua truyền hình có tác động tích cực đến việc duy trì thói quen học tập, khiến các em linh hoạt, chủ động học tập hơn.

Ủy ban Văn hoá, Giáo dục của Quốc hội ghi nhận, mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, nhưng Bộ GD&ĐT đã phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương chỉ đạo, hướng dẫn, tổ chức thực hiện, hoàn thành mục tiêu kép, vừa bảo đảm an toàn cho học sinh, sinh viên, đội ngũ nhà giáo trong phòng, chống dịch Covid-19, vừa hoàn thành kế hoạch năm học, đồng thời ổn định tâm lý, tinh thần cho thầy – trò trong quá trình dạy – học.

“Nếu không làm tốt công tác tư tưởng, chuẩn bị tinh thần trước cho phụ huynh, học sinh, rất có thể có những phản ứng tiêu cực, nhất là khi hình thức dạy – học thường xuyên được thay đổi” – cô Phạm Minh Huệ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ