Thay đổi chính sách để nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo

GD&TĐ - Đại biểu Quốc hội Đinh Thị Bình - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Phú Thọ - cho rằng: Dự thảo Luật Giáo dục sửa đổi lần này đã đưa ra hai nội dung liên quan trực tiếp đến việc chuẩn bị đội ngũ trong ngành Giáo dục, thể hiện tại quy định thay chính sách miễn học phí bằng cho vay tín dụng đối với sinh viên sư phạm và quy định về chuẩn trình độ đào tạo của giáo viên.

Thay đổi chính sách để nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo

Đồng tình thay miễn học phí bằng tín dụng sư phạm

Theo quy định hiện hành, sinh viên sư phạm không phải đóng học phí, kinh phí thực hiện chính sách không thu học phí sư phạm được ngân sách cấp bù cùng với kinh phí chi thường xuyên của cơ sở giáo dục. Quy định trên, theo Đại biểu Quốc hội Đinh Thị Bình, đã thể hiện sự quan tâm đặc biệt của Nhà nước với sự nghiệp GD-ĐT nói chung, với sinh viên sư phạm nói riêng. Trải qua hàng chục năm thực hiện, chính sách miễn học phí đã góp phần quan trọng để thu hút sinh viên giỏi, hỗ trợ những sinh viên khó khăn theo đuổi lý tưởng vào ngành sư phạm.

Tuy nhiên, quy định này đến nay tồn tại một số hạn chế, bất cập, như học sinh ra trường không làm đúng ngành, dẫn đến chính sách hỗ trợ của Nhà nước không hiệu quả; đồng thời không còn phù hợp với xu hướng tự chủ đại học hiện nay, trong đó có trường sư phạm, không thúc đẩy các trường sư phạm tích cực, chủ động khai thác nguồn thu để tăng cường cơ sở vật chất và nâng cao chất lượng đào tạo do phụ thuộc tâm lý chờ đợi ngân sách bao cấp, cấp bù học phí sư phạm.

Bởi vậy, quan điểm của Đại biểu Đinh Thị Bình, nếu thực hiện chính sách tín dụng sư phạm sẽ mang lại nhiều ưu điểm như: Sinh viên sẽ được vay tín dụng để nộp đủ học phí, có đủ chi phí sinh hoạt để yên tâm theo học; khi ra trường làm đúng nghề sư phạm được xóa khoản vay. Như vậy, có đủ thời gian cống hiến trong ngành sư phạm thì sinh viên vẫn không phải chi trả học phí - đảm bảo được những ưu tiên đặc thù cho sinh viên sư phạm mà Nhà nước đã thực hiện trước đây.

Đối với trường sư phạm, khi sinh viên đóng học phí đầy đủ cho nhà trường sẽ đảm bảo trường có nguồn thu trực tiếp để chủ động trang trải chi phí. Đối với Nhà nước, quy định đó sẽ thực hiện hỗ trợ đúng đối tượng, không còn tình trạng hỗ trợ kinh phí cho những người được đào tạo sư phạm nhưng ra trường đi làm ngành nghề khác, khiến cho chính sách hỗ trợ không hiệu quả, gây lãng phí nguồn lực đầu tư.

“Với những phân tích trên đây, chúng tôi cho rằng, việc sửa đổi quy định miễn học phí bằng học sinh, sinh viên sư phạm được vay tín dụng sư phạm để đóng học phí và chi trả sinh hoạt phí trong toàn khóa học như trong Dự thảo Luật là hoàn toàn phù hợp với bối cảnh đất nước, với quy định về tự chủ ở các trường đại học trong Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục Đại học và các luật khác có liên quan. Như vậy mới đảm bảo tính thống nhất của hệ thống pháp luật.

Tuy nhiên, bên cạnh đó cần phải có những thay đổi căn bản trong quy hoạch lại mạng lưới các trường sư phạm và chính sách đãi ngộ thỏa đáng cho đội ngũ nhà giáo mới có thể thu hút được những sinh viên giỏi vào ngành sư phạm, tạo động lực cho giáo dục phát triển mạnh trong thời gian tới” – Đại biểu Đinh Thị Bình cho hay.

Cần thực hiện nâng chuẩn trình độ giáo viên

Nghị quyết 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT nêu rõ: Tiến tới tất cả các giáo viên tiểu học, THCS, giáo viên, giảng viên các cơ sở giáo dục nghề nghiệp phải có trình độ từ đại học trở lên, có năng lực sư phạm. Giảng viên cao đẳng, đại học có trình độ từ thạc sĩ trở lên và phải được đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm.

Như vậy, việc nâng chuẩn trình độ đào tạo lên trình độ đại học với giáo viên tiểu học, trung học cơ sở; trình độ thạc sĩ với giảng viên đại học; trình độ tiến sĩ với giảng viên hướng dẫn luận văn thạc sĩ và luận án tiến sĩ được quy định trong dự án Luật sửa đổi lần này là nhằm thể chế hóa chủ trương của Đảng, là yêu cầu tất yếu và sẽ là bước đột phá nhằm tạo hành lang pháp lý cho việc đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT.

Khẳng định điều này, Đại biểu Đinh Thị Bình cho biết: Hiện nay, cả nước có 59,63% giáo viên tiểu học và 74,6% giáo viên THCS có trình độ từ đại học trở lên. Như vậy, còn 40,36 giáo viên tiểu học và 25,4% giáo viên THCS cần được bồi dưỡng nâng chuẩn. Con số đó có thể làm nảy sinh tâm lý băn khoăn về tính khả thi của phương án nâng chuẩn trình độ đào tạo của nhà giáo. Tuy nhiên, với quyết tâm chính trị cao độ, bằng những biện pháp và bước đi thích hợp, chúng tôi tin rằng việc nâng chuẩn trình độ của nhà giáo hoàn toàn có thể thực hiện được và cần phải được thực hiện.

“Thực tế trong thời gian qua, nhà giáo ở các cấp học đều nỗ lực cố gắng để nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ. Nhiều nhà giáo đã đạt trên chuẩn về trình độ đào tạo nhưng vẫn không được xếp lương ở bậc cao hơn nên rất thiệt thòi cho nhà giáo. Vì vậy, để khuyến khích sinh viên lựa chọn theo học trình độ phù hợp với khả năng, đồng thời khuyến khích nhà giáo tự nâng trình độ đạt chuẩn, Dự thảo Luật cần bổ sung quy định ưu đãi lương gắn với trình độ đào tạo hay văn bằng của nhà giáo.

Chúng ta kì vọng rằng, với sửa đổi mang tính chất đột phá bằng những quy định cụ thể như trên, việc sửa đổi Luật Giáo dục lần này sẽ tạo động lực để sự nghiệp GD&ĐT nước nhà đáp ứng được yêu cầu phát triển của đất nước trong thời kì mới” – Đại biểu Đinh Thị Bình kỳ vọng.

“Luật Giáo dục được Quốc hội khóa XI thông qua năm 2005, đã được sửa đổi, bổ sung năm 2009. Qua tổng kết thực tiễn 12 năm thi hành, Luật Giáo dục đã thực sự đi vào cuộc sống, tạo cơ sở pháp lý quan trọng cho tổ chức và hoạt động GD-ĐT, nâng cao dân trí, phát triển nguồn nhân lực, bồi dưỡng nhân tài, đáp ứng yêu cầu xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và hội nhập quốc tế. Tuy nhiên, trong giai đoạn hiện nay, khi sự nghiệp GD-ĐT nước ta đứng trước những yêu cầu mới thì việc sửa đổi Luật Giáo dục là hết sức cần thiết.

Một trong những mục tiêu khi sửa đổi Luật Giáo dục lần này là nhằm phát huy những kết quả đạt được và khắc phục những khó khăn, bất cập nảy sinh trong thực tế; đồng thời nhằm thể chế hóa những chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước về đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong giai đoạn hiện nay. Liên quan đến mục tiêu ấy, việc chuẩn bị về đội ngũ nhà giáo có ý nghĩa hết sức quan trọng”. Đại biểu Đinh Thị Bình

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

'Nỗi ám ảnh' của ông Trump

GD&TĐ - Một trong những quốc gia được nhắc nhiều và chịu ảnh hưởng ngay trong ngày nhậm chức của Tổng thống Mỹ Donald Trump là Mexico.