Thay đổi cách tiếp cận để có chính sách phù hợp

GD&TĐ - Nhà giáo là yếu tố quyết định trong việc bảo đảm chất lượng GD. Tuy nhiên, trên thực tế, chính sách nhà giáo đã không theo kịp yêu cầu đặt ra. Nhìn nhận vấn đề này, TSKH Phạm Đỗ Nhật Tiến - nguyên Trợ lý Bộ trưởng Bộ GD&ĐT - khi góp ý sửa Luật GD cho rằng, cần thay đổi không chỉ trong cách tiếp cận xây dựng chính sách mà cả vị thế nhà giáo trong Luật GD (sửa đổi), cũng như trong việc tổ chức thực hiện chính sách nhà giáo.

Chính sách là đòn bẩy để thu hút nguồn lực và nhân tài đóng góp cho GD.	Ảnh: Đức Chiêm
Chính sách là đòn bẩy để thu hút nguồn lực và nhân tài đóng góp cho GD. Ảnh: Đức Chiêm

Tiếp cận tổng thể

Theo TSKH Phạm Đỗ Nhật Tiến, cách tiếp cận bấy lâu nay trong xây dựng chính sách nhà giáo là từng bước, nặng về giải quyết tình thế trước những vấn đề đặt ra. Đó là cách tiếp cận chung trong đổi mới GD suốt hơn 30 năm qua. Dù đã góp phần quan trọng trong việc đổi mới GD nói chung, công tác nhà giáo nói riêng, nhưng cũng dẫn tới tình huống luẩn quẩn, gọi là “cái bẫy của sự đổi mới”, tức là giải quyết được cái này thì lại nảy sinh cái khác.

Vì vậy, cần chuyển từ cách tiếp cận từng phần sang tổng thể mà các quan điểm chỉ đạo của Nghị quyết 29/NQ-TW về đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT là minh chứng. Đối với nhiệm vụ xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo cũng cần một tiếp cận mới mang tính tổng thể như vậy.

  • Thay đổi cách tiếp cận trong tổ chức thực hiện chính sách nhà giáo
Nhắc đến khoảng cách từ chính sách đến tổ chức thực hiện, theo TSKH Phạm Đỗ Nhật Tiến, cần sớm xúc tiến xây dựng cơ chế giám sát và đánh giá theo kết quả đầu ra. Có vậy mới khắc phục được bệnh thành tích và rút ngắn khoảng cách từ chính sách đến tổ chức thực hiện.

Muốn vậy, cần thể chế hóa các chủ trương của Đảng về công tác nhà giáo trong một văn bản luật là Luật Nhà giáo. Chính việc không có Luật Nhà giáo đã làm nảy sinh một số lượng lớn các văn bản dưới luật về nhà giáo. Thực tế các văn bản dưới luật này đã ở mức tới hạn, có nguy cơ dẫn tới chồng chéo, mất hiệu lực, và vì vậy đã hội đủ các điều kiện cần, theo thông lệ quốc tế, để ban hành luật có liên quan. Khi đó Luật Nhà giáo sẽ là pháp luật cao nhất về nhà giáo thể hiện nhất quán chủ trương của Đảng về xây dựng, nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo.

Ảnh minh họa
 Ảnh minh họa

Những nhà chuyên nghiệp

TSKH Phạm Đỗ Nhật Tiến dẫn trong Luật GD hiện hành, vị thế nhà giáo đã được khẳng định qua quy định tại Điều 15 với tư cách là chủ thể quyết định trong việc bảo đảm chất lượng GD, được xã hội quý trọng và tôn vinh. Theo các khuyến nghị của UNESCO/ILO thì khái niệm vị thế nhà giáo không chỉ nói lên vị trí của nhà giáo được xã hội công nhận mà còn bao hàm cả các yếu tố cần thiết để nhà giáo hoàn thành được nhiệm vụ của mình, cụ thể là năng lực giảng dạy, điều kiện làm việc, tiền lương, lợi ích vật chất khác mà nhà giáo được hưởng trong tương quan so sánh với các nghề khác.

Ông cũng cho biết, mới đây trong Chương trình hành động thực hiện nghị trình giáo dục 2030, điều này đã được nhắc lại như sau: “Vì nhà giáo là điều kiện căn bản bảo đảm chất lượng giáo dục nên nhà giáo và các nhà GD phải được trao quyền, được tuyển dụng và trả lương xứng đáng, được động viên, có bằng cấp chuyên môn, và được hỗ trợ trong khuôn khổ các hệ thống quản trị có đủ nguồn lực, có hiệu lực và hiệu quả”.

Với cách tiếp cận như vậy về vị thế nhà giáo, báo cáo 2016 của UNESCO/ILO khuyến nghị chính phủ các nước cần coi nhà giáo như là các nhà chuyên nghiệp trong nghề dạy học, được tạo điều kiện trong phát huy quyền tự chủ học thuật, được hợp tác trong quá trình xây dựng chính sách, được trả lương tương xứng với tầm quan trọng của nghề dạy học và vị thế xã hội của nhà giáo, được làm việc trong môi trường an toàn và khích lệ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ