Việc đổi mới Chương trình, SGK phổ thông kèm theo những thay đổi cách đánh giá, nhận xét HS cho thấy những nỗ lực của ngành Giáo dục trong hành trình phát triển phẩm chất, năng lực của người học, góp phần tạo ra những thế hệ công dân toàn cầu trong tương lai.
GS.TS Nguyễn Công Khanh- giảng viên Trường Đại học Sư phạm Hà Nội đã chia sẻ quan điểm về đánh giá HS tiểu học theo Thông tư 27:
Thông tư 27 chuyển đánh giá HS theo hướng tiếp cận năng lực và phẩm chất của HS; coi trọng đánh giá thường xuyên. Đây là 2 vấn đề cốt lõi của đánh giá theo yêu cầu mới.
Thông tư 27 quy định rõ thời điểm đánh giá định kỳ về nội dung học tập các môn học, hoạt động giáo dục vào giữa học kỳ I, cuối học kỳ I, giữa học kỳ II và cuối năm học. Giáo viên dạy môn học căn cứ vào quá trình đánh giá thường xuyên và yêu cầu cần đạt, biểu hiện cụ thể về các thành phần năng lực của từng môn học, hoạt động giáo dục để đánh giá HS đối với từng môn học, hoạt động giáo dục theo các mức Hoàn thành tốt, Hoàn thành và Chưa hoàn thành.
Đánh giá là một bộ phận không thể tách rời của quá trình dạy học, diễn ra trong suốt quá trình dạy học, giúp HS nhận ra mình đang ở đâu trên con đường đạt đến mục tiêu bài học và yêu cầu cần đạt; giúp GV kịp thời điều chỉnh hoạt động dạy học cũng như giúp HS điều chỉnh phương pháp học.
Qua việc phân tích, so sánh, GV nắm chắc mục đích, đặc điểm, sự khác biệt giữa đánh giá thường xuyên với đánh giá định kì. Với triết lý đánh giá để phát triển người học, vì người học thì đánh giá thường xuyên có tác dụng tốt hơn.
Yêu cầu mới đòi hỏi GV phải học cách nhận xét tích cực người học, sử dụng công cụ đánh giá đa dạng (câu hỏi, tình huống, bài tập, trò chơi…), đặc biệt là đánh giá thường xuyên, chú ý phân hóa từng HS. Nếu không sẽ không tạo ra sự công bằng, không vì sự tiến bộ của người học.
Việc đánh giá thường xuyên nhằm mục đích phát hiện lỗi, sai sót, thiếu hụt… cả sự tiến bộ, sáng tạo của mỗi HS nhằm cải tiến, điều chỉnh các hoạt động, kế hoạch dạy học, không nhằm phân loại, xếp hạng HS.
Dạy học và đánh giá theo định hướng phát triển năng lực, phẩm chất người học được thể hiện bằng việc GV: sử dụng những lời nói tích cực; Khơi gợi những cảm xúc tích cực; Tạo ra những tương tác xã hội tích cực; Tăng cường các trải nghiệm tích cực.
Để đạt thành công trong dạy HS tiểu học, điều quan trọng nhất là GV phải thiết kế được không khí buổi học trong lớp mang tính tương tác, khơi được sự hứng thú của HS, HS được đánh giá lẫn nhau, được tăng cường làm việc nhóm… Kết quả học tập của HS tiểu học bị ảnh hưởng sâu sắc bởi không khí lớp học. GV cần tôn trọng, truyền cảm hứng, tạo môi trường thân thiện với HS. Qua đó, GV tổ chức được giờ dạy hiệu quả và quan sát được khả năng nhận thức, phẩm chất của từng HS. Từ đó có những nhận xét thường xuyên khách quan, đúng với từng HS và có hướng dạy học phù hợp với năng lực của mỗi em.
Tăng cường đánh giá thường xuyên bằng nhận xét, phản hồi có tính xây dựng (dựa trên những cảm xúc tích cực) sẽ là một chiến lược dạy học và đánh giá khác biệt để phát triển năng lực trong những năm tiếp theo của thế kỷ 21.