Thay đổi cả lượng và chất

GD&TĐ - Theo số liệu thống kê, đến thời điểm hiện tại, cả nước có 1.733 dự án đầu tư tại 81 quốc gia, vùng lãnh thổ với tổng số vốn gần 23 tỷ USD.

Minh họa/INT
Minh họa/INT

Trung bình mỗi năm, Việt Nam có khoảng 400 - 500 triệu USD đầu tư ra nước ngoài. Con số này nếu so sánh với quy mô của nền kinh tế của nước ta là khoảng 430 tỷ USD dẫu còn thấp nhưng cũng là bước tiến rất lớn.

Cụ thể, về cơ cấu dự án đầu tư ra nước ngoài, khối doanh nghiệp Nhà nước hiện vẫn chiếm tỷ lệ cao nhất với 52% dù năm 2023 không có dự án nào. Tiếp đó là khối doanh nghiệp tư nhân chiếm 46%, doanh nghiệp FDI là 0,5%.

Về hình thức đầu tư, có tới 91% là lập tổ chức kinh tế tại nước ngoài nhưng thời gian gần đây xu hướng doanh nghiệp tham gia hoạt động góp vốn mua cổ phần tại các tổ chức, doanh nghiệp nước ngoài gia tăng đáng kể.

Thị trường đầu tư vài năm qua cũng thay đổi đáng kể khi không còn tập trung ở các quốc gia có điều kiện cơ chế chính sách tương đồng với Việt Nam mà đã mở rộng sang các nước phát triển. Đặc biệt, hoạt động đầu tư theo chiều rộng vào các lĩnh vực như khoáng sản, nông lâm nghiệp… đã giảm.

Nhiều doanh nghiệp đang triển khai dự án theo chiều sâu, đầu tư vào các lĩnh vực có giá trị gia tăng cao như chế biến, chế tạo, dịch vụ tài chính ngân hàng, công nghệ cao, công nghệ số và bước đầu đã gặt hái được thành công.

Kể từ khi bắt đầu “manh nha” vào năm 1989 cho đến thời điểm Nghị định 22/1999/NĐ-CP quy định về đầu tư ra nước ngoài của doanh nghiệp Việt Nam được ban hành, đầu tư của các doanh nghiệp trong nước đã có những bước tiến đáng kể. Cụ thể, giai đoạn 1999 - 2004, hoạt động đầu tư ra nước ngoài bắt đầu khởi động.

Giai đoạn 2005 - 2010 là bùng nổ - khi Luật Đầu tư 2005 được thông qua và Nghị định số 78/2006/NĐ-CP quy định về đầu tư trực tiếp ra nước ngoài của doanh nghiệp Việt Nam được ban hành. Giai đoạn 2010 - 2016, đầu tư ra nước ngoài tiếp tục duy trì ở mức cao và giai đoạn từ 2017 - 2022 có xu hướng suy giảm…

Có thể thấy, hoạt động đầu tư ra nước ngoài đã có bước chuyển đáng kể cả về lượng và chất, qua đó khẳng định uy tín, vị trí, vai trò của Việt Nam là khu vực kinh tế năng động, đóng góp tích cực vào thành tựu tăng trưởng, phát triển và hội nhập kinh tế thế giới, thúc đẩy chuyển đổi cơ bản nền kinh tế. Bên cạnh đó, cũng khẳng định khả năng kinh doanh, quản trị, tầm nhìn và chiến lược của các doanh nghiệp Việt Nam trong đầu tư các dự án ở nước ngoài.

Dù vậy, thực tế, hoạt động đầu tư ra nước ngoài của các doanh nghiệp Việt Nam vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro, thách thức và những hạn chế cần sớm khắc phục. Đầu tiên phải kể đến là những vấn đề về pháp lý khi đầu tư tại nước sở tại, dẫn đến các tranh chấp ngoài mong muốn.

Tiếp đó là thời gian để có giấy phép đầu tư còn dài; hoạt động của các doanh nghiệp còn mang tính tự phát, thiếu liên kết, giúp đỡ, hỗ trợ lẫn nhau trong hoạt động đầu tư, kinh doanh trên cùng địa bàn.

Bởi vậy, để hoạt động đầu tư ra nước ngoài đạt hiệu quả hơn nữa, về phía doanh nghiệp cần chuẩn bị kỹ lưỡng về cơ sở pháp lý, có định hướng hoạt động kinh doanh lâu dài, tạo dựng uy tín và thương hiệu. Chủ động phòng ngừa các tranh chấp có thể phát sinh; tăng cường liên kết, chia sẻ thông tin; nâng cao vai trò của các đại sứ và tham tán thương mại tại nước ngoài.

Chính phủ, các bộ, ngành chức năng cần có tầm nhìn dài hạn về đầu tư ra nước ngoài. Xây dựng, bổ sung các chính sách thiết thực, hấp dẫn hơn nữa nhằm hỗ trợ, thúc đẩy đầu tư ra nước ngoài.

Ngoài ra, cần tăng cường giám sát chất lượng dòng vốn; kịp thời nắm bắt, giải quyết các khó khăn, vướng mắc, rủi ro trong hoạt động đầu tư ra nước ngoài, bảo đảm phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội trong nước cũng như xu thế hội nhập quốc tế hiện nay.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ