Từ chối mổ vì nghĩ con còn quá bé không đủ sức phẫu thuật
Bệnh nhân C.T.X (7 tuổi- dân tộc Nùng ở Chi Lăng- Lạng Sơn) nhập viện trong tình trạng khối u tuyến giáp khổng lồ mọc ở vùng cổ, giống với một cái bướu ở cổ cùng các biểu hiện lâm sàng như: Cảm giác căng tức ở vùng cổ, khó thở, khó nuốt, hay khàn tiếng.
Qua khai thác thông tin tình trạng bệnh từ phía gia đình, người nhà bệnh nhi cho biết: Ngay từ khi còn nhỏ bố mẹ đã thấy con gái mình có khối u nhìn thấy rõ ở cổ, nhưng do là người dân tộc thiểu số chưa có nhiều hiểu biết nên bố mẹ cũng không cho con đi khám ở bệnh viện, chỉ quanh quẩn ở nhà và hy vọng lớn lên khối u sẽ hết.
Thế nhưng càng lớn khối u của con ngày càng to thêm, bố mẹ bệnh nhi X. mới đưa cháu đi khám ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Tại đây các bác sĩ khuyên gia đình nên cho cháu phẫu thuật, nhưng bố mẹ cháu từ chối vì nghĩ thương con còn bé quá không đủ sức để phẫu thuật.
Bệnh nhi với khối u tuyến giáp có kích thước lớn trước khi phẫu thuật
Sau khi thấy khối u của cháu càng ngày càng to ra, ảnh hưởng đến sức khỏe và sinh hoạt. Gia đình mới nghĩ đến phương án chuyển tuyến Trung ương để được khám và điều trị. Với sự giúp đỡ của bạn bè, gia đình đã đưa cháu đến khám tại Bệnh viện K.
Tại Bệnh viện, sau thăm khám và làm các xét nghiệm, siêu âm cần thiết, hình ảnh cho thấy bệnh nhân mắc ung thư tuyến giáp, với khối u có kích thước lớn khoảng 10cm, ngoài ra có rất nhiều u nhỏ kèm theo, kích thước u lớn nhất 3cm. Tuyến thùy này thòng xuống trung thất trước trên, hầu như không còn nhu mô lành của thuỳ phải tuyến giáp.
Sau khi hội chẩn, nhận thấy đây là một khối u tuyến giáp có kích thước lớn lại thòng xuống trung thất. Hơn thế bệnh nhi còn nhỏ tuổi nên các bác sỹ quyết định sử dụng những kỹ thuật hiện đại và khéo léo nhất để bóc tách khối u và giữ thẩm mỹ cho bé.
Sau phẫu thuật, thùy phải đã được cắt bỏ, bảo tồn được tuyến cận giáp và thần kinh thanh quản quặt ngược bên phải cho bệnh nhi.
Ung thư tuyến giáp ở trẻ em – Bệnh có nguy cơ liệt dây thanh âm và giảm canxi máu
Ung thư tuyến giáp là loại ung thư nội tiết thường gặp nhất và cũng là loại ung thư dạng đặc thường gặp thứ 3 ở trẻ em. Nó xảy ra ở trẻ nữ nhiều hơn ở trẻ nam, với tỉ lệ 4:1, và có đặc điểm tương tự như ung thư tuyến giáp ở người lớn.
Mặc dù thủ thuật thường không gây biến chứng, nguy cơ của phẫu thuật tuyến giáp bao gồm liệt dây thanh âm và giảm canxi máu.
Ung thư tuyến giáp thường xuất hiện khối cục ở cổ như bướu
Phân loại ung thư biểu mô tuyến giáp theo nguồn gốc tế bào:
Ung thư biểu mô dạng nhú: Thể ung thư này xảy ra ở những tế bào sản xuất hormone tuyến giáp có chứa iodine. Đây là dạng thường gặp nhất của ung thư tuyến giáp ở trẻ em và phát triển rất chậm. Thể ung thư này lan đến các hạch bạch huyết thông qua mạch bạch huyết ở cổ và đôi khi di căn xa hơn.
Ung thư biểu mô dạng nang: Thể này cũng phát triển ở những tế bào sản xuất hormone giáp có chứa iodine. Bệnh ít gặp ở trẻ em. Thể ung thư này thường lan ra cổ qua đường mạch máu, di căn đến những bộ phận khác của cơ thể, làm cho căn bệnh khó kiểm soát hơn.
Ung thư biểu mô dạng tủy: Ung thư dạng tủy ở trẻ em thường liên quan đến những bệnh di truyền đặc biệt như là hội chứng tân sinh đa tuyến nội tiết loại 2 (MEN2).
Triệu chứng của ung thư tuyến giáp
Triệu chứng của ung thư tuyến giáp rất đa dạng. Trẻ có thể có một cái bướu ở cổ, một hạch bạch huyết sưng dai dẳng, cảm giác căng tức ở vùng cổ, khó thở, khó nuốt, hay khàn tiếng.
Chẩn đoán:
Siêu âm tuyến giáp là kỹ thuật sử dụng sóng siêu âm và máy tính để tạo ra hình ảnh của tuyến giáp và những thành phần khác ở cổ như là hạch cổ trên màn hình.
Xạ hình tuyến giáp cung cấp thông tin về hình dạng và chức năng của tuyến giáp cũng như giúp xác định những khu vực tuyến giáp không hấp thụ iodine theo cách bình thường.
Sinh thiết bằng kim nhỏ đối với khối u bất thường ở tuyến giáp hay cổ.
Trong một vài trường hợp, việc cắt bỏ một phần khối u hoặc một thùy của tuyến giáp là cần thiết để phân tích giúp thiết lập chẩn đoán và lên kế hoạch điều trị.
Điều trị ung thư tuyến giáp ở trẻ em
Nếu khối u được xác định là ác tính, bác sĩ sẽ đề nghị phẫu thuật. Phẫu thuật có thể bao gồm cắt bỏ thùy tuyến giáp, cắt bỏ gần hoàn toàn tuyến giáp hoặc cắt bỏ hoàn toàn tuyến giáp.
Ở trẻ em bị ung thư tuyến giáp dạng nhú hoặc dạng nang, phẫu thuật cắt bỏ hoàn toàn hoặc gần hoàn toàn tuyến giáp được xem như là điều trị tiêu chuẩn, vì bệnh thường đã tiến triển khi phát hiện với tỉ lệ di căn cao, và phẫu thuật sẽ giảm nguy cơ tái phát.
PGS, TS Lê Văn Quảng
Ở trẻ em, việc mổ lại nhiều lần có thể cần thiết khi không phẩu thuật loại bỏ toàn bộ tuyến giáp. Hạch bạch huyết ở cổ có lẽ cần được loại bỏ vì đó là một phần của điều trị đối với ung thư tuyến giáp nếu có nghi ngờ có sự di căn đến hạch bạch huyết.
PGS, TS Lê Văn Quảng, Phó Giám đốc Bệnh viện K, kiêm Trưởng khoa Ngoại Đầu Cổ cho biết: "Tuyến giáp là tuyến nội tiết quan trọng của cơ thể. Tuy nhiên, đây là cơ quan hay xuất hiện khối u cả lành và ác tính.
Đối với ung thư tuyến giáp, chỉ định mổ gần như bắt buộc, còn đối với u lành tính, chỉ định mổ khi kích thước khối u lớn gây ảnh hưởng đến chức năng nuốt, thẩm mỹ của bệnh nhân".
Bác sỹ cho biết thêm, ung thư tuyến giáp thường gặp ở nữ giới hơn nam giới. Khi có chỉ định phẫu thuật, có hai phương pháp chủ yếu đó là mổ mở và mổ nội soi. Mổ mở là phương pháp mổ truyền thống, cần phải rạch một đường ở nền cổ với đường kính khoảng 4-6 cm.
Sau khi phẫu thuật, bệnh nhân sẽ có sẹo ở nền cổ, điều này gây mất thẩm mỹ, đặc biệt với những bệnh nhân nữ trẻ tuổi.