Thầy cô xây lớp học hạnh phúc bắt nguồn từ đam mê nghề giáo

GD&TĐ - Áp lực học hành, thi cử, sự kỳ vọng của cha mẹ, từ cuộc sống xung quanh khiến nhiều HS không cảm thấy hạnh phúc khi đến trường.

Cô Nguyễn Thị Lan Phương đem niềm vui học tập đến học trò.
Cô Nguyễn Thị Lan Phương đem niềm vui học tập đến học trò.

Nhận biết được điều này, nhiều thầy cô giáo đã thay đổi để xây dựng những giờ học hạnh phúc, xây dựng trường học hạnh phúc. Sự thay đổi ấy bắt nguồn từ niềm đam mê và tình yêu nghề.

Học dạy khi còn là học sinh

Từ nhỏ, cô học trò Nguyễn Thị Lan Phương (hiện là GV Trường THPT Thanh Oai A - Hà Nội) ước mơ trở thành cô giáo. Chính vì vậy, Lan Phương luôn để ý quan sát GV của mình (cách cô giáo giảng bài, tác phong, ứng xử...), từ đó rút dần cho mình những bài học. Có lẽ chính điều đó đã giúp cô Lan Phương có được bản lĩnh, sự khéo léo trong các tình huống sư phạm. 

Dạy THPT, HS độ tuổi mới lớn, tâm sinh lý đang ở giai đoạn thay đổi thất thường, nhưng cô Phương được HS lớp mình chủ nhiệm và các lớp khác yêu quý. Các em coi cô như chuyên gia tâm lý, mỗi khi có những tâm sự, trắc trở trong học tập, tư vấn chọn trường và cả những xúc cảm tuổi mới lớn đều không ngần ngại chia sẻ. Những mâu thuẫn gia đình, bạn bè, hiểu nhầm thầy cô, tình cảm tuổi mới lớn mà các em đang gặp phải nhờ cô đều được hóa giải. 

Cô Phương cho biết: “Tôi không chỉ đặt mình ở cương vị một nhà giáo, mà còn là người bạn để chia sẻ với các em. Dùng tấm lòng chân thành, lắng nghe, chia sẻ, giúp các em rút cho mình những bài học, cảm thấy hạnh phúc hơn trong cuộc sống. Tôi thường để ý tới HS, nhìn vào ánh mắt để biết em nào đang có khúc mắc, nỗi buồn cần chia sẻ. Điều này rất quan trọng bởi các em có vui vẻ mới học tốt được”. 

Cô Phương không chỉ chuyển tri thức đến cho HS qua phấn trắng - bảng đen, mà còn thường xuyên dùng Facebook để giao tiếp với HS bởi qua đây có thể đoán được tâm trạng của trò, từ đó kịp thời quan tâm, góp ý tế nhị. Facebook trở thành cầu nối, giúp cô trò hiểu nhau hơn. 

Theo cô Phương, học trò hiện nay có cơ hội tiếp cận kiến thức từ nhiều nguồn, trong đó nhiều em học từ Internet. Hiểu được điều này, cô Lan Phương cũng dành nhiều thời gian để đọc tài liệu trên mạng cùng học trò. Cô cho biết: Học trò học online, cô giáo cũng phải học online để làm giàu kiến thức của bản thân. Đồng thời, GV kết hợp cả kiến thức được học, kiến thức trong sách và trên mạng để tổng hợp, so sánh, giúp HS biết được thế nào là đúng, sai. Chính điều đó giúp cô tự tin trong mỗi bài giảng, khiến học trò phải “tâm phục khẩu phục”.

Nét riêng trong bài giảng của cô chính là không giống với bất kỳ bài giảng nào đã có sẵn. Không đi theo lối mòn, cô Lan Phương tự sáng tạo ra bài giảng của riêng mình. Cô luôn đặt ra câu hỏi: Bài giảng này phục vụ cho ai? HS sẽ học được những gì, học được bằng cách nào? Truyền tải kiến thức cho các em thế nào cho dễ hiểu, thú vị? 

Trong mỗi bài giảng trên lớp hàng ngày, cô giáo Lan Phương đều nghĩ đến tinh thần đổi mới. Đối tượng quan trọng nhất là HS, mọi phương pháp dù là truyền thống hay hiện đại đều phải hướng tới chủ thể này. Người GV không chỉ giảng bài giống như trả bài, xong là xong mà cần phải tự báo cáo xem HS tiếp thu được gì. Để giảm áp lực học tập cho trò, việc đầu tiên GV cần làm là khiến học sinh yêu quý thầy cô, thích môn học. Bí quyết của cô Lan Phương chính là cố gắng cười thật nhiều, biến kiến thức khó trở nên đơn giản bằng cách gắn với thực tiễn. 

Đảm nhận dạy bộ môn Hóa học, theo cô Lan Phương, thuận lợi là kiến thức gắn với thực tiễn. Khó khăn là trang thiết bị dạy học chưa được hiện đại, HS đông nên việc hướng dẫn thực hành thí nghiệm vất vả, chính vì vậy nhiều GV e ngại cho HS thực hành mà chủ yếu là xem video mà không cho trải nghiệm thực tiễn. Bản thân cô phải tự vượt qua những hạn chế đó bằng cách kết hợp hợp lý giữa việc cho HS xem video minh họa, đồng thời tận dụng tối đa thời gian, trang thiết bị cho các em thực hành thí nghiệm.

Thầy cô giáo Trường THPT Hoàng Cầu hòa mình vào các hoạt động với HS.
Thầy cô giáo Trường THPT Hoàng Cầu hòa mình vào các hoạt động với HS.

Lùi lại để gần học trò

Cô Nguyễn Thị Hiền - GV môn Hóa học, Trường THPT Hoàng Cầu (Đống Đa, Hà Nội) chia sẻ: Trong bốn năm trở lại đây, tôi liên tục là chủ nhiệm lớp 12. Đó là lớp chất lượng của nhà trường, tuy nhiên điều đó không có nghĩa tôi không gặp phải những khó khăn… Những HS của lớp tự nhiên, phần lớn thông minh, nhanh nhẹn nhưng cũng không kém phần cá tính. Nhiều GV đã chia sẻ khi tôi chuẩn bị đón lớp: “HS cứng đầu lắm, không bảo được”, “Lớp có một số HS đặc biệt đấy”… Khi nghe được những lời đó, bản thân tôi chỉ mỉm cười, suy nghĩ “sẽ làm gì để lớp học thay đổi”. Tôi cho rằng chỉ cần thật lòng mong muốn điều tốt đẹp cho HS sẽ làm được và tôi bắt đầu tiếp xúc với lớp từ những điều nhỏ nhất.

Hơn 10 năm làm GV chủ nhiệm, cô Hiền không ít lần gặp những “ca” khó của HS. Cô chia sẻ: Có HS đáng bị phạt, nhưng tôi không đề nghị phạt ngay mà lùi lại vài ngày. Tôi không chỉ cho HS cơ hội mà cũng cho mình cơ hội để nghĩ thêm, tìm hiểu nguyên nhân dẫn đến hành động của HS từ phía thầy cô, cán bộ lớp và rồi tôi hẹn gặp riêng HS đó để nói chuyện, tháo gỡ... Và thông thường, sau buổi nói chuyện với tôi, HS đó tự nguyện đưa ra hình thức xử lý cho mình. Bằng cách này, không ít lần tôi đã thu phục được các em cá biệt.

Nếu được hỏi chọn cho con mình thành công hay hạnh phúc, là một người mẹ, tôi sẽ chọn cho con tôi hạnh phúc. Vì thế, tôi ủng hộ mục tiêu mang đến cho HS cảm giác hạnh phúc. Nhưng thực tế, đó là điều rất khó khăn nếu như bản thân mỗi thầy, cô giáo khi đến trường cũng đều mang theo bao nỗi niềm, sự mệt mỏi, lo âu, buồn bực... Tôi nghĩ bản thân người thầy phải tự rèn mình, rèn tâm tính mình để làm sao có thể lan tỏa đến HS một trạng thái bình an. Lan tỏa nụ cười, đó là điều cần thiết nhất. - Cô Nguyễn Thị Hiền

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ