Thầy cô vùng khó vượt khó ôn thi cùng học sinh

GD&TĐ - Để trang bị cho học sinh ở vùng khó khăn tỉnh Quảng Trị đủ kiến thức bước vào kỳ thi THPT Quốc gia 2016, các thầy cô giáo tại những trường vùng khó đã tập trung ôn luyện cho học sinh…

Giờ phụ đạo môn Sinh học cho học sinh trường THPT A Túc huyện Hướng Hóa tỉnh Quảng Trị
Giờ phụ đạo môn Sinh học cho học sinh trường THPT A Túc huyện Hướng Hóa tỉnh Quảng Trị

Trăn trở vùng khó…

Có thể nói, việc dạy học ở vùng cao như huyện Đarkrông; Hướng Hóa tỉnh Quảng Trị luôn gặp phải những khó khăn nhất định bởi điều kiện kinh tế của người dân và mặt bằng chung ở các địa phương miền núi còn khó khăn. Nhiều bậc cha mẹ không quan tâm đến việc học tập của con cái, nhận thức về việc học của các em còn chưa cao...

Đây chính là rào cản không nhỏ trong việc nâng cao chất lượng giáo dục cho con em đồng bào dân tộc Vân Kiều của các thầy cô giáo đã và đang công tác tại nơi này. Vượt qua tất cả những khó khăn đó, bằng tình yêu thương học sinh và trách nhiệm của nhà giáo, nhiều thầy cô giáo ở các trường vùng cao vẫn động viên nhau để hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Trường THPT A Túc các trung tâm huyện Hướng Hóa tỉnh Quảng Trị chừng 30km, ở đây học sinh chủ yếu là con em đồng bào dân tộc Vân Kiều và thuộc vùng kinh tế khó khăn nên các em sinh buổi đến trường, buổi lên rẫy làm giúp gia đình. Ý thức tự học của nhiều em còn hạn chế, khi về nhà ít học sinh chủ động ôn luyện bài vở.

Thầy giáo Phạm Xuân Thảo -  Hiệu trưởng trường THPT A Túc - tâm sự: Hàng năm, xác định rõ ràng việc tập trung ôn luyện kiến thức để các em học sinh cuối cấp có đủ tự tin về kiến thức đó là “trận đánh” cực kỳ khó khăn. Muốn các em thành công và có kết quả tốt trong các kỳ thi thì nhà trường cần phải có “chiến lược” cụ thể và đội ngũ giáo viên cần có sự bền bỉ lâu dài may ra mới hi vọng củng cố được kiến thức cho học sinh mình.

Ngay tại nhà trường, từ giai đoạn cuối học kỳ 1, trường đã lên kế hoạch ôn tập để củng cố thêm kiến thức cho học sinh. Ngoài thời gian dạy chính khóa, nhà trường tiến hành lồng ghép để thực hiện ôn luyện kiến thức cho các em tất cả các buổi trong tuần.

Nội dung ôn tập sẽ dựa vào lực học của các em để dạy, xây dựng phương án ôn tập chú trọng việc củng cố kiến thức cơ bản. Trong quá trình ôn tập, các giáo viên sẽ bám sát kiến thức các em đã được học, cho học sinh làm các đề thi của những năm trước để sàng lọc, đánh giá năng lực.

Trường THPT A Túc là một trong những trường gặp nhiều khó khăn “đặc trưng” ở vùng cao của huyện Hướng Hóa tỉnh Quảng Trị. Tuy nhiên, nhiều trường khác như trường số 2 Đakrông, THPT Tà Rụt thuộc huyện Đakrông thì các thầy cô giáo cũng gặp phải không ít những khó khăn và lo lắng tương tự cho học sinh của mình mỗi khi bước vào các kỳ thi cuối cấp… 

Chia lửa cùng vùng khó…

Để có kết quả tốt cho học sinh, ngoài việc chủ động đánh giá, phân loại cho học sinh thì các giáo viên còn phải “cam kết” trước nhà trường về việc đảm bảo kiến thức cho học sinh. Việc cam kết này không phải là sự ràng buộc nào đó mà chính là thể hiện sự cố gắng, nỗ lực vượt khó của giáo viên và học sinh.

Học sinh được đánh giá năng lực qua từng tháng cuối cấp đồng thời đến thời gian “chạy nước rút” thì giáo viên cũng tự mình đánh giá được năng lực của từng em học sinh để có những kế hoạch cụ thể hơn nữa bồi dưỡng kiến thức vào những ngày giáp kỳ thi…

Có thể nói, vào thời điểm tháng 5,6 này là thời điểm “căng thẳng” của thầy giáo và học sinh lớp 12 ở những vùng khó khăn ở tỉnh này. Nhiều giáo viên tại các trường vùng khó phải tăng thêm thời gian để bồi dưỡng từng nhóm học sinh riêng theo năng lực của các em. Nhiều giáo viên tự khắc phục khó khăn của mình để dành thêm thời gian phụ đạo cho học sinh yếu ngoài giờ lên lớp.

Bên cạnh các giáo viên trực tiếp tại các trường thì nhiều giáo viên ở trường trung tâm, trường có điều kiện tốt hơn đã tình nguyện về vùng khó để cùng chung sức với đồng nghiệp tăng tiết dạy bồi dưỡng kiến thức cho học sinh với mong muốn các em sẻ bước qua được kỳ thi này.

Thầy giáo Nguyễn Văn Phướng - Hiệu trưởng Trường THPT Hướng Hóa - cho biết: Từ đầu tháng 5, nhà trường đã chủ động liên hệ với các trường khác ở vùng sâu, vùng xa như trường THPT A Túc để đưa các giáo viên bộ môn của mình tăng cường cùng đồng nghiệp ở trường A Túc bồi dưỡng thêm kiến thức cho học sinh.

 Còn thầy Lê Chí Thông - Hiệu trưởng trường THPT Đakrông - tâm sự: Trường THPT Đakrông là một trường trung tâm của huyện nhưng mặt bằng chung về kiến thức học sinh đã không đồng đều. Việc ôn luyện cho các em được chính các giáo viên chủ động đề xuất để nhà trường bố trí thời gian hợp lý nhất cho học sinh. Bên cạnh đó, các thầy cô giáo của  nhà trường cũng sẵn sàng chia sẻ khó khăn của đồng nghiệp tại các trường ở vùng lân cận

“Cày ngày” không được thì “cày đêm”, cứ thế đội ngũ giáo viên nhà trường thay nhau tập trung trang bị kiến thức cho học sinh. Những học sinh yếu kém thì nhà trường tổ chức các lớp học bồi dưỡng buổi tối để  đến ngày thi các em có thể tự tin vào kiến thức của mình khi bước vào kỳ thi tốt nghiệp THPT Quốc gia năm 2016.

Việc “chia lửa” này xuất phát từ tình cảm của các giáo viên dành cho học sinh vùng khó đồng thời đây cũng là sự quan tâm, tình cảm của những trường có điều kiện tốt hơn và trở thành phong trào được nhân rộng trên địa bàn huyện vùng khó này...

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ