Thầy cô Nghệ An dạy phụ đạo học sinh ôn thi tốt nghiệp THPT miễn phí

GD&TĐ - Giai đoạn nước rút ôn thi tốt nghiệp THPT, nhiều trường tại Nghệ An dạy học ca 3, phụ đạo “chống trượt”, mở cửa lớp buổi tối hỗ trợ học sinh miễn phí.

Lớp học ca 3 phụ đạo môn Lịch sử tại Trường THPT Nghi Lộc 5, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An. Ảnh: Hồ Lài
Lớp học ca 3 phụ đạo môn Lịch sử tại Trường THPT Nghi Lộc 5, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An. Ảnh: Hồ Lài

Lớp học ca 3 “chống trượt” tốt nghiệp THPT

Từ cuối tháng 2, ngoài giờ chính khóa và buổi học thêm, Trường THPT Nghi Lộc 5 bắt đầu tổ chức dạy học ca 3 miễn phí cho học sinh. Đây là các lớp phụ đạo học sinh yếu kém, có nguy cơ trượt tốt nghiệp. Thời gian học thường bắt đầu từ 4 – 5h chiều, ngay sau khi kết thúc lớp ôn thi vào buổi chiều các ngày trong tuần.

Trước đó, Trường THPT Nghi Lộc 5 đã sàng lọc phân loại học sinh lớp 12 qua các lần thi thử, khảo sát định kỳ. Những em có kết quả thấp, lực học trên lớp hạn chế được xếp vào lớp phụ đạo để tăng cường ôn tập thêm miễn phí.

Lớp phụ đạo "chống trượt" tốt nghiệp THPT môn tiếng Anh tại Trường THPT Nghi Lộc 5 có nhiều học sinh đăng ký tham gia. Ảnh: Hồ Lài

Lớp phụ đạo "chống trượt" tốt nghiệp THPT môn tiếng Anh tại Trường THPT Nghi Lộc 5 có nhiều học sinh đăng ký tham gia. Ảnh: Hồ Lài

Cô Nguyễn Thị Hồng Anh - giáo viên môn tiếng Anh cho biết: “Tiếng Anh là môn khó khăn nhất đối với học sinh trường vùng nông thôn nói chung và trường Nghi Lộc 5 nói riêng. Phần lớn các em đều không có nền tảng từ vựng, ngữ pháp ở THCS. Đến khi lên THPT khả năng có cải thiện hơn nhưng cũng không đáng kể. Điểm khảo sát cuối học kỳ I của lớp 12A5 do tôi chủ nhiệm cũng chỉ đạt 4,06 điểm. Vì vậy, cả cô và trò đều dốc sức bổ sung, tăng cường kiến thức ở học kỳ II này”.

Theo cô Hồng Anh, song song với dạy học chương trình chính khóa, ôn thi buổi chiều trên lớp, thì cô thường xuyên ra bài tập để các em luyện đề ở nhà. Yêu cầu học sinh làm các bài thi thử trên hệ thống LMS của sở GD&ĐT Nghệ An. Bài làm của các em được giáo viên chấm, sửa lỗi sai kỹ càng để học sinh rút kinh nghiệm. Bên cạnh đó, lớp học phụ đạo sau giờ học dù giới hạn số lượng chỉ từ 15 – 20 em thuộc diện có nguy cơ bị điểm dưới 3, nhưng vẫn có nhiều học sinh xin tham gia để được rèn luyện thêm.

Kiến thức dạy học ở các lớp phụ đạo dừng lại ở mức nhận biết, thông hiểu với mục tiêu giúp học sinh đủ điểm tốt nghiệp. Ảnh: Hồ Lài

Kiến thức dạy học ở các lớp phụ đạo dừng lại ở mức nhận biết, thông hiểu với mục tiêu giúp học sinh đủ điểm tốt nghiệp. Ảnh: Hồ Lài

Em Nguyễn Nhất Huy cho biết đặt mục tiêu vào ngành sư phạm thể dục thể thao, xét tuyển điểm học bạ môn Toán, Ngữ văn và thi năng khiếu. Vì vậy, kỳ thi sắp tới Huy chỉ đặt mục tiêu tốt nghiệp THPT, trong đó môn tiếng Anh là môn mà em lo lắng nhất. “Em tham gia lớp học phụ đạo hơn 2 tháng và bài luyện đề gần nhất trên lớp đã được 52 điểm/100 điểm. Em sẽ cố gắng ôn luyện thêm, mục đích đạt 6 điểm tiếng Anh thi thử mới yên tâm tham gia thi thật”, Huy chia sẻ.

Ngoài môn tiếng Anh thì môn Lịch sử cũng có nhiều lớp phụ đạo “chống trượt tốt nghiệp THPT”, với 6/9 lớp 12 của Trường THPT Nghi Lộc 5. Cô Nguyễn Thị Hồng – giáo viên Lịch sử chia sẻ, học sinh đăng ký thi tổ hợp Khoa học xã hội của trường chiếm tỷ lệ lớn. Trong 3 phân môn của tổ hợp, Lịch sử là môn được các em đánh giá là khó nhất trong ôn tập, và e ngại việc ghi nhớ chính xác sự kiện, kiến thức. Thực tế điểm trung bình kiểm tra môn Lịch sử cũng thấp hơn so với môn Địa lý và Giáo dục công dân, vậy nên số em đăng ký học phụ đạo cũng nhiều hơn.

Nhiều học sinh được giáo viên sát hạch qua lớp chống trượt nhưng vẫn xin ở lại tham gia ôn tập vì thấy hiệu quả. Ảnh: Hồ Lài

Nhiều học sinh được giáo viên sát hạch qua lớp chống trượt nhưng vẫn xin ở lại tham gia ôn tập vì thấy hiệu quả. Ảnh: Hồ Lài

“Với các lớp phụ đạo, chúng tôi chỉ dạy kiến thức cơ bản, ở mức nhận biết và thông hiểu. Mục tiêu lấp lỗ hổng kiến thức để các em có thể chắc chắn đạt 5 điểm. Giáo viên cũng không dạy các kiến thức vận dụng, hoặc mở rộng hơn, vì như vậy không phù hợp với mức độ tiếp nhận của học sinh, không hiệu quả và lãng phí thời gian cho cả cô lẫn trò”, cô Nguyễn Thị Hồng chia sẻ.

Quá trình dạy học, cô cũng thường xuyên cho học sinh luyện đề, nếu em nào tiến bộ, có thể dừng không cần học phụ đạo nữa, trở về lớp ôn thi bình thường. Đổi lại, nếu phát hiện học sinh nào lơ là, tụt dốc thì lại được bổ sung vào lớp “chống trượt”. Cũng có em đã vượt qua bài đánh giá của giáo viên, nhưng vẫn tiếp tục xin ở lại lớp phụ đạo vì thấy hiệu quả.

Thầy Nguyễn Anh Dương - Phó Hiệu trưởng Trường THPT Nghi Lộc 5 cho biết, hiện qua rà soát vẫn còn khoảng 20 em có nguy cơ trượt tốt nghiệp. Ngoài tăng cường phụ đạo, nhà trường giao cho mỗi giáo viên “đỡ đầu”, giúp đỡ trực tiếp 1 học sinh. Giáo viên vào dịp cuối năm học rất bận rộn, và cũng chịu nhiều áp lực chuyên môn trong dạy học, kiểm tra đánh giá, ôn thi. Tuy nhiên tất cả đều đang nỗ lực vì học trò, vì chất lượng giáo dục. Kỳ thi Tốt nghiệp THPT được tổ chức khách quan, nghiêm túc theo quy chế. Chỉ có dạy học thực chất, nghiêm túc, kiên trì mới đem lại kết quả tốt. Mục đích cuối cùng là để học sinh đạt được mục tiêu và có nhiều cơ hội, lựa chọn ngành nghề trong tương lai.

Phát huy tâm huyết, tấm lòng thầy cô

Cứ vào buổi tối, học sinh lớp 12, Trường THPT Con Cuông (huyện Con Cuông, Nghệ An) lại tự giác đến trường tự học, ôn thi với sự hướng dẫn, kèm cặp của thầy cô giáo. Các lớp này được bắt đầu từ giữa tháng tư, thời gian là 19h – 22h các buổi tối trong tuần.

Trường THPT Con Cuông (huyện Con Cuông, Nghệ An) mở cửa, sáng điện đón học trò đến ôn tập buổi tối. Ảnh: Hồ Lài

Trường THPT Con Cuông (huyện Con Cuông, Nghệ An) mở cửa, sáng điện đón học trò đến ôn tập buổi tối. Ảnh: Hồ Lài

Đặc thù của Trường THPT Con Cuông là chiếm phần lớn học sinh người dân tộc thiểu số, ở các xã bản xa xôi đang ở trọ xung quanh khu vực thị trấn của huyện để đi học. Điều kiện sinh hoạt ở phòng trọ chật chội, bàn ghế, ánh sáng không đảm bảo nên nhà trường tạo điều kiện để các em được đến lớp học ôn thi. Đồng thời, kêu gọi giáo viên tình nguyện phụ đạo hướng dẫn và quản lý học sinh trong các buổi học ôn này.

Thầy Đặng Trọng Quang (giáo viên dạy Toán) mặc dù năm nay dạy học khối 11 nhưng vẫn cùng đồng nghiệp tham gia hỗ trợ, bồi dưỡng miễn phí cho học sinh khối 12 chuẩn bị thi tốt nghiệp. Trong tuần, thầy sắp xếp thời gian để hỗ trợ học sinh 1 – 2 buổi , mỗi buổi từ 2 – 3 lớp.

Việc đến học tại trường giúp các em có không gian học tập, được trao đổi kiến thức với các bạn. Ảnh: Hồ Lài

Việc đến học tại trường giúp các em có không gian học tập, được trao đổi kiến thức với các bạn. Ảnh: Hồ Lài

“Giáo viên lớp 12 phụ trách công tác dạy học, ôn tập theo kế hoạch. Còn tôi sẽ trực tiếp chữa bài cho từng nhóm học sinh khi các em gặp vướng mắc hoặc chưa hiểu bài. Đây cũng là thời gian để các em tự học, rà soát lại kiến thức bản thân, rèn luyện kỹ năng, ghi nhớ kiến thức vững vàng với sự hỗ trợ sát sao của thầy cô”, thầy Quang nói.

Là nữ sinh tộc người Đan Lai, đến từ xã Châu Khê (huyện Con Cuông) cách trường hơn 20km, em Lê Thị Đào cùng bạn ở trọ gần trường để đi học. Em cho biết mình học theo khối C và đang nỗ lực để thi vào ngành sư phạm Tiểu học, Trường ĐH Vinh. Với các môn thi để xét tốt nghiệp, em lo lắng nhất là môn Toán, các lần thi thử gần đây em chỉ mới đạt gần 4 điểm. Vì vậy, em sắp xếp thời gian biểu hợp lý để vừa ôn thi đại học, vừa dành mỗi tuần 2-3 buổi để học Toán. Nữ sinh chia sẻ, khi đến trường học, được thầy cô và các bạn trực tiếp giúp đỡ, giảng bài cụ thể, em thấy yên tâm và có tiến bộ hơn.

Giáo viên Trường THPT Con Cuông, Nghệ An tình nguyện hướng dẫn, ôn thi miễn phí vào buổi tối cho học sinh. Ảnh: Hồ Lài

Giáo viên Trường THPT Con Cuông, Nghệ An tình nguyện hướng dẫn, ôn thi miễn phí vào buổi tối cho học sinh. Ảnh: Hồ Lài

Cô Nguyễn Thị Hồng Ngọc đang chủ nhiệm lớp 12 và phụ trách ôn thi môn Địa lý cho hay, học sinh của chúng tôi đa số có hoàn cảnh khó khăn, nhiều em phải đi học xa nhà, không có bố mẹ hỗ trợ bên cạnh nên rất vất vả, thiệt thòi.

"Là giáo viên chủ nhiệm lớp cuối cấp, mặc dù công việc bận rộn, nhưng nếu đặt cái tâm, trách nhiệm vào học trò thì sẽ không thấy khó khăn nữa. Ngoài việc hỗ trợ học sinh về kiến thức, chúng tôi còn định hướng, tư vấn ngành nghề phù hợp với năng lực, nguyện vọng và hoàn cảnh của mỗi em", cô Nguyễn Thị Hồng Ngọc chia sẻ.

Hiện nhiều trường THPT tại Nghệ An đã hoàn thành chương trình năm học 2023 – 2024, và chuyển sang giai đoạn ôn thi “tăng tốc” cho học sinh khối 12 chuẩn bị dự thi tốt nghiệp. Trong đó, nhiều trường vùng cao, vùng xa mở cửa lớp vào buổi tối cho học sinh đến tự học như: Trường THPT Quế Phong, THPT Quỳ Châu, THPT Kỳ Sơn… Công đoàn các trường cũng phát động giáo viên tình nguyện dạy ôn, phụ đạo miễn phí. Mục đích đồng hành, tiếp sức cho sỹ tử đến tận ngày thi.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Beethoven đời thực luôn trong bộ dạng cáu bẳn. Ảnh: Stock.adobe.com.

Nửa... nhiều tật của Beethoven

GD&TĐ - Beethoven là cháu nội của Lodewijk van Beethoven (1712 – 1773), nhạc sĩ tài năng và được kính trọng nhất ở Bonn (Đức).

Ảnh: Quốc Bình.

Bâng khuâng chanh đào

GD&TĐ - Năm nào chẳng thế, cứ độ cuối tháng 8 sang đầu tháng 9 âm lịch là nó lượn vòng chợ tạm dặn mấy bà bán rau lấy giúp vài ba cân để ngâm.

Tạp chí Rolling Stone từng vinh danh Lana Del Rey là 'Nghệ sĩ người Mỹ xuất sắc nhất thế kỷ 21'.

'Sầu nữ' Lana Del Rey

GD&TĐ - Danh hiệu 'Nữ hoàng của dòng nhạc sadcore' từng thuộc về Cat Power vào năm 2006.

Châu Phi là khu vực bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi sốt rét. Ảnh: ITN

'Gánh nặng' sốt rét

GD&TĐ - Trong thập kỷ qua, tình trạng kháng thuốc điều trị được coi là mối đe dọa đối với các nỗ lực kiểm soát sốt rét toàn cầu.