Không muốn các em bỏ dở việc học, giáo viên đến từng làng, có khi lên tận nương rẫy vận động, chở học sinh ra lớp.
Học sinh… ngại đến trường
Một buổi học của tháng 9, lớp 4A3 - Trường Tiểu học xã Đắk Hà (huyện Tu Mơ Rông, Kon Tum) của thầy A Dung có vỏn vẹn 7 em trên sĩ số 25 học sinh. 18 em còn lại vắng học vì trời mưa.
Thầy A Dung trầm ngâm, như thường lệ, cứ vào ngày mưa, các em ở làng xa như Ngọc Leang, Kon Pia lại nghỉ học. Các em vắng một phần do nhà cách trường hơn 7km, đường khó đi. Phần còn lại đa số phải đi bộ đến trường, có những em chẳng có nổi chiếc áo mưa lành lặn.
“Đa số phụ huynh đi làm nương rẫy từ sáng sớm đến tối mịt mới về. Cũng có trường hợp ở trên nương rẫy cả tháng trời, việc học tập của con em phó mặc cho giáo viên và nhà trường. Chính vì vậy, ngày mưa học sinh thường ngại đến trường”, thầy A Dung bộc bạch.
Kết thúc buổi học, thầy A Dung vội leo lên chiếc xe máy cà tàng rong ruổi đến các thôn làng, nơi có nhiều học sinh vắng. Dừng xe trước căn nhà nhỏ lưng chừng dốc vào làng Ngọc Leang, thầy Dung dẫn chúng tôi tới nhà em Y Lái - học sinh thường xuyên vắng học ngày mưa.
Trong căn nhà lụp xụp, tài sản giá trị duy nhất là chiếc bóng đèn chữ U le lói sáng. Chị Y Nhâm - mẹ Y Lái đang ngồi bên góc bếp tắm cho đứa con mới lên 2. Chồng mất cách đây 2 năm vì bệnh gan, mình chị Y Nhâm gồng gánh nuôi 7 mụn con. Thế nhưng gần 2 sào đất rẫy cũng chẳng đủ lo toan cho các con được ăn học đủ đầy. Do đó, người con đầu vừa tròn 15 tuổi phải nghỉ học đỡ đần mẹ lo cho các em.
Với nét mặt ngại ngùng, chị Y Nhâm trầm giọng “Thầy, cô đến nhà vì Y Lái vắng học phải không?”. Sau khi nhận được câu trả lời “Đúng rồi chị”, mẹ nữ sinh ngại ngùng nói “Nhà nghèo, chẳng có xe đưa đón nên con phải đi bộ đến lớp. Những ngày mưa, tôi làm áo mưa từ núi nilon ở bao phân bón cho con mặc đến trường. Thế nhưng, chẳng được mấy buổi, áo mưa lại rách tan nên Lái ngại đến lớp”.
Phụ huynh chủ yếu làm nương rẫy xa nhà nên đa số đều giao phó con mình cho giáo viên Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú Tiểu học Nay Der. |
Thương cho số phận học trò, thầy A Dung căn dặn gia đình phải quan tâm đến việc học của con cái hơn. Còn vấn đề áo mưa, nhà trường sẽ cố gắng vận động mạnh thường quân hỗ trợ.
Cách nhà Y Lái không xa là nhà của Y Mai. Mấy ngày mưa, Mai cũng chẳng đến lớp. Nhà Mai có 9 anh chị xem nên cha mẹ đi làm quần quật từ sáng đến tối cũng chẳng đủ ăn. 2 người con đầu chỉ học đến lớp 9 rồi nghỉ ngang phụ giúp gia đình.
Mấy ngày qua, trời mưa, trường lại xa nên Y Mai xin mẹ ở nhà trông em. Thương con lội bộ, đường lại hay sạt lở nên chị Y Hoan (35 tuổi) đành để con ở nhà.
“Hàng ngày cứ 5 giờ 30 phút sáng em cùng các bạn thức dậy ăn sáng, chuẩn bị sách vở rồi ra lớp. Ngày mưa chúng em phải dậy sớm hơn để kịp đến trường. Thế nhưng có hôm mưa to, đến lớp thì cả người và sách vở đều ướt hết”, Y Mai bộc bạch.
Cô Hồ Thị Thùy Vân, Hiệu trưởng Trường Tiểu học xã Đắk Hà cho hay, học sinh nghỉ học nhiều nhất rơi vào 2 làng Kon Pia và Ngọc Leang. Bởi từ 2 làng này đến trường phải hơn 7km. Đặc biệt học sinh ở thôn Kon Pia muốn đến lớp phải leo qua 4 quả đồi cao khiến các em ngại đi học.
Do đó, cứ sáng sớm hoặc chiều tối giáo viên thường vào làng vận động, đưa các em ra lớp. Thế nhưng, chỉ được ít hôm trò lại nghỉ học do mưa và nhà xa. Để giữ chân học sinh ở trường, UBND huyện Tu Mơ Rông đang lên phương án xây dựng dãy nhà bán trú cho học sinh 2 làng Kon Pia và Ngọc Leang ở lại trường từ thứ 2 - 6.
Chỉ có 7/25 học sinh lớp 4A3, Trường Tiểu học xã Đăk Hà đến trường. |
Đưa trò ra lớp
Không chỉ tại Kon Tum, học sinh Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú Tiểu học Nay Der (xã Chư A Thai, huyện Phú Thiện, Gia Lai) chủ yếu đi bộ đến lớp.
Cô Hồ Thị Năm – Hiệu trưởng nhà trường cho hay, năm học 2022 - 2023, toàn trường có 256 em, đa số là người Banar và Jrai. Ngoài trường chính, còn có 2 điểm trường ở làng Trớ và Hek, cách trung tâm xã từ 4 - 8 km. “Sĩ số năm nay tăng 33 em so với năm học 2021 - 2022. Thế nhưng, con số này thay đổi theo từng năm học. Bởi gia đình các em chỉ tạm trú, nếu không làm ăn được lại di dời đi nơi khác. Do đó ít nhiều ảnh hưởng đến chất lượng học tập”, cô Năm nói.
Theo cô Năm, đời sống của người dân nơi đây còn nhiều khó khăn nên nhà trường thường xuyên vận động nhà hảo tâm hỗ trợ, giúp đỡ để các em đủ đầy khi đến lớp. Đầu năm học 2022 - 2023, nhà trường xin được 80 bộ quần áo mới và sách vở để phát cho những em có hoàn cảnh khó khăn.
Tuy nhiên, vẫn chưa đáp ứng đủ, bởi trường có rất đông học sinh thiếu thốn. Vừa qua, để thực hiện Chương trình GDPT 2018, nhà trường đã chuyển học sinh lớp 3 ở điểm làng ra trường chính nhằm thuận lợi học môn Tin học. Mặc dù được hưởng chế độ bán trú, thế nhưng quãng đường đi lại xa nên ban giám hiệu đã kêu gọi nhà hảo tâm hỗ trợ 10 chiếc xe đạp cho học sinh.
Cũng theo cô Năm, chính vì điều kiện khó khăn nên đa số phụ huynh giao phó con em cho giáo viên, nhà trường. Nhiều em nhà xa, ngại đến lớp lại nghỉ học ở nhà hoặc theo cha mẹ lên nương rẫy. Để việc học không bị gián đoạn, giáo viên thường xuyên phối hợp với chính quyền địa phương đến nhà tuyên truyền, vận động đưa các em ra lớp.
Mỗi buổi lên lớp, cô Mai Thị Hường, giáo viên điểm trường làng Hek đến sớm hơn thời gian quy định, đặc biệt là những ngày mưa. Sau khi điểm danh, thấy học sinh nào vắng, cô Hường tranh thủ vào tận nhà chở các em ra lớp.
Theo ông Trần Quang Hùng, Bí thư Đảng ủy xã Chư A Thai, toàn xã có trên 30% hộ nghèo. Người dân chủ yếu làm nương rẫy xa nhà nên nhiều học sinh theo cha mẹ rồi ở lại khiến công tác vận động gặp khó khăn. Do đó, địa phương thường xuyên phối hợp với nhà trường vào nhà, lên nương rẫy vận động và chở các em xuống trường. Như vậy, mới có thể nâng cao chất lượng giáo dục và từng bước phát triển kinh tế địa phương.