Thầy cô làm điểm tựa giúp học sinh lớp 9 giải tỏa áp lực thi cử

GD&TĐ - Trong giai đoạn ôn tập nước rút trước kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 các trường THPT công lập, thầy cô các trường THCS đã giúp học sinh ổn định tâm lý.

Học sinh lớp 9, Trường THCS Ngô Thì Nhậm (quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng) trong những ngày ôn tập nước rút.
Học sinh lớp 9, Trường THCS Ngô Thì Nhậm (quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng) trong những ngày ôn tập nước rút.

Những câu chuyện tiếp sức từ anh chị khóa trước

Cô Phan Lê Quỳnh Trang, giáo viên Ngữ văn, Trường THPT Chuyên Lê Quý Đôn (Đà Nẵng) cho biết: “Một trong những khó khăn của học sinh khi viết nghị luận xã hội – một nội dung quan trọng trong chương trình Ngữ văn bậc THCS và THPT - chính là hệ thống lí lẽ và dẫn chứng”.

Với sự hỗ trợ của một nhóm học sinh, cô Phan Lê Quỳnh Trang đã xây dựng kênh podcast Có hẹn với bình yên. Kênh podcast gồm các video thuộc nhiều chủ đề do các bạn trẻ đang là học sinh thiết kế. Các video xoay quanh những giá trị sống như: yêu thương, biết ơn, tôn trọng, khoan dung, trung thực, khiêm tốn, hợp tác, hạnh phúc, trách nhiệm, giản dị, lạc quan, ý chí, nỗ lực, niềm tin, ước mơ, trân quý thời gian, trân trọng sự sống…

Học sinh lớp 9 Trường Tiểu học - THCS Đức Trí đặt câu hỏi trong buổi giao lưu chia sẻ kinh nghiệm ôn thi vào lớp 10 với các anh chị khóa trước.

Học sinh lớp 9 Trường Tiểu học - THCS Đức Trí đặt câu hỏi trong buổi giao lưu chia sẻ kinh nghiệm ôn thi vào lớp 10 với các anh chị khóa trước.

“Kênh podcast hy vọng những nội dung trong các chủ đề sẽ giúp thí sinh vượt qua khó khăn trong các bài nghị luận xã hội một cách thật nhẹ nhàng. Mỗi podcast thể hiện góc nhìn của những học sinh đang là cộng tác viên của kênh thông qua hệ thống lí lẽ và dẫn chứng khá phong phú, được thiết kế cô đọng bằng hình ảnh và từ khoá” – cô Quỳnh Trang cho biết. Mỗi video dài khoảng 10 phút. Cuối mỗi video là một món quà âm nhạc phù hợp với từng chủ đề để tạo những dư âm ngọt lành trong cảm xúc.

Cô Lê Thị Nga, Hiệu trưởng Trường Tiểu học – THCS Đức Trí cho biết: “Các anh chị tận tình chia sẻ, giải đáp từng thắc mắc nhỏ của các em. Buổi gặp nhỏ nhưng thắp lên những niềm tin lớn. Chúng tôi hy vọng rằng, những câu chuyện thành công của các anh chị cựu học sinh sẽ thắp lên những nguồn năng lượng tích cực, tiếp thêm động lực, để các em vững tâm trước kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 sắp tới”.

Hiện kênh podcast này đã có 18 video. Trong những ngày ôn tập nước rút cho kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT công lập có tính chất cạnh tranh cao, thí sinh có thể nghe để vừa thu thập thêm kiến thức, vừa cảm nhận được những năng lượng tích cực, bình an, niềm tin yêu vào những giá trị tốt đẹp của cuộc sống.

Học sinh khối lớp 9 của Trường Tiểu học – THCS Đức Trí (Q. Hải Châu, TP Đà Nẵng) được các anh chị khóa trước “vượt vũ môn” thành công, trở về chia sẻ kinh nghiệm ôn thi vào lớp 10. Từ những kinh nghiệm học tập hiệu quả, những bí kíp để cân bằng học tập, giải trí cho các sĩ tử hay những tình huống học sinh cuối cấp có thể phải đối mặt cũng như cách vượt qua chúng như thế nào…

Nhà trường đẩy mạnh tư vấn tâm lý

Theo thống kê của Sở GD&ĐT Đà Nẵng, Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 các trường THPT công lập năm học 2024 – 2025 có 16.500 thí sinh đăng kí nguyện vọng 1, có 16.479 thí sinh đăng ký nguyện vọng 2. Trong khi đó chỉ tiêu phân bổ cho 21 trường THPT công lập là 11.616 chỉ tiêu.

Để giúp thí sinh giảm căng thẳng, tránh những trường hợp bị khủng hoảng tâm lý, một số trường THCS trên địa bàn thành phố đẩy mạnh công tác tư vấn.

Thầy Bùi Duy Quốc, Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Bỉnh Khiêm (quận Liên Chiểu) cho biết, nhà trường thông tin đến phụ huynh và học sinh khối lớp 9, nếu cần chia sẻ, hỗ trợ thì có thể đến gặp trực tiếp ban giám hiệu hoặc gọi điện bất kể lúc nào.

“Phòng làm việc của Ban giám hiệu luôn mở cửa để đón tiếp học sinh những ngày này. Các em chủ yếu nhờ tư vấn chọn, thay đổi nguyện vọng vào các trường, kinh nghiệm để đạt kết quả tốt trong kỳ thi... Tôi thấy các em khá băn khoăn về ngôi trường mình kỳ vọng được học tập. Do đó, năm sau, nhà trường có kế hoạch đặt hàng với các trường THPT trên địa bàn, tổ chức cho học sinh đến tham quan, trải nghiệm để các em hiểu rõ và chọn đăng ký phù hợp”, thầy Quốc chia sẻ.

Trung tâm hỗ trợ tâm lý - giáo dục Cadeaux hỗ trợ tư vấn cho học sinh một số trường THCS trên địa bàn Đà Nẵng.

Trung tâm hỗ trợ tâm lý - giáo dục Cadeaux hỗ trợ tư vấn cho học sinh một số trường THCS trên địa bàn Đà Nẵng.

Từ đầu năm học 2023 – 2024, Trường THCS Lê Độ (quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng) đã chú trọng đến vấn đề hỗ trợ học sinh trước các kỳ thi. Nhà trường đã thành lập tổ tư vấn gồm ban giám hiệu, tổng phụ trách đội, giáo viên chủ nhiệm… thường xuyên theo dõi học sinh, khi phát hiện trường hợp cần sự hỗ trợ thì tổ chức tư vấn, tham vấn riêng bằng hình thức trực tiếp hoặc qua số điện thoại của các thành viên trong tổ tư vấn hoặc qua fanpage...

Cô Phạm Thị Hoa, Hiệu trưởng nhà trường nhận xét: Kỳ thi tuyển sinh lớp 10 vào các trường THPT công lập áp lực vô cùng lớn, đến từ nhiều phía như: sự kỳ vọng rất lớn của học sinh cho mục tiêu của mình, sự kỳ vọng của gia đình… Trong giai đoạn ôn thi nước rút, tổ tư vấn tâm lý của Trường THCS Lê Độ chú trọng phối hợp phụ huynh bám sát, theo dõi biểu hiện của học sinh lớp 9; phối hợp trung tâm tư vấn tâm lý tổ chức các buổi nói chuyện giúp các em giảm lo âu, căng thẳng trước kỳ thi.

TS tâm lý Nguyễn Thị Hằng Phương (giảng viên Trường Đại học Sư phạm, ĐH Đà Nẵng) cho biết: “Học tập là cả một chặng đường dài chứ không chỉ lên cấp 3 hay vào đại học. Cha mẹ không nên tạo áp lực, đặt kỳ vọng quá nhiều vào khả năng của con. Thay vào đó, cha mẹ cần dành nhiều thời gian động viên con cố gắng, tự tin; yêu thương, quan tâm đến sức khỏe con nhiều hơn. Việc dọa hay hứa hẹn đối với các con giai đoạn này đều không tốt, lúc này việc động viên là điều tốt nhất. Đối với học sinh, các em cứ vui vẻ, tự tin, thấy sức mình đến đâu thì cố gắng đến đấy”.

Ông Mai Tấn Linh, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Đà Nẵng cho biết: "Đối với học sinh thi lớp 10, đây là lần thi đầu tiên trong đời (trừ một số hs tham gia thi học sinh giỏi, thi tin học trẻ), tuổi đời còn nhỏ, thường có tâm lý lo lắng, căng cứng khi tham gia kỳ thi. Vì vậy, cán bộ coi thi cần quan tâm tâm trạng các em, có hướng dẫn và xử lý phù hợp khi các em chưa tuân thủ đúng quy định thi, nhằm giúp các em có trạng thái tâm lý tốt nhất để làm các bài thi".

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.