Thầy cô “khơi nguồn” cho gắn kết, sáng tạo

GD&TĐ - Bằng sự chủ động “khơi nguồn” từ phía thầy cô giáo, hoạt động giáo dục trong nhiều nhà trường Thái Nguyên ngày càng tạo hứng thú hơn cho học sinh với sự gắn kết, sáng tạo.

Cô trò trường THCS Trung Lương (Định Hóa, Thái Nguyên) với cuộc thi Sáng tạo trẻ của nhà trường.
Cô trò trường THCS Trung Lương (Định Hóa, Thái Nguyên) với cuộc thi Sáng tạo trẻ của nhà trường.

Học từ hoạt động trải nghiệm

Với mong muốn để học trò chủ động tiếp cận tri thức, rèn luyện kĩ năng một cách linh hoạt, thời gian qua nhiều nhà trường trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên đã khuyến khích giáo viên tích cực đưa hoạt động trải nghiệm vào kế hoạch giáo dục. Nhiều thầy cô giáo đã tận dụng, phát huy tốt những đặc thù môn học cũng như điều kiện của nhà trường, địa phương, qua đó tổ chức được những chương trình bổ ích, hấp dẫn cho học sinh.

Cô giáo Nguyễn Thanh Thương, Tổng phụ trách trường THCS Trung Lương (Định Hóa, Thái Nguyên) hướng dẫn học sinh ươm cây cho vườn trường
Cô giáo Nguyễn Thanh Thương, Tổng phụ trách trường THCS Trung Lương (Định Hóa, Thái Nguyên) hướng dẫn học sinh ươm cây cho vườn trường

Tại trường THCS Trung Lương (huyện Định Hóa), học trò luôn hứng thú và ấn tượng khi được tham gia các hoạt động của Liên đội, với sự tận tình nhiệt huyết của cô giáo Tổng phụ trách Nguyễn Thanh Thương.

Giờ ra chơi hằng ngày, Liên đội chia thành các không gian khác nhau với các góc đọc báo thư viện ngoài trời, chăm hoa, thể dục vận động, giúp học sinh khám phá và thư giãn. Phát huy “sở trường” chuyên môn của một giáo viên âm nhạc - mỹ thuật, hằng tuần cô Thương thường dành cho Câu lạc bộ Năng khiếu những buổi sinh hoạt đầy mới mẻ ngay tại sân trường quen thuộc, khi thì tỉ mỉ dạy từng nốt nhạc với cây đàn guitar, khi say sưa với những cây bút và giá vẽ.

Không chỉ vậy, cô giáo Tổng phụ trách gần gũi nhiệt tình còn trực tiếp hướng dẫn, hỗ trợ học sinh ươm cây để góp phần tạo nên không gian sân trường xanh mát, thân thiện. Không chỉ trồng cây, các em còn tận dụng chai nhựa, vỏ lon để tái chế, tạo thành những khuôn viên vườn hoa nhỏ bắt mắt. “Học trò không những được khắc sâu hơn những kiến thức Sinh học, mà còn có dịp trổ tài khéo tay, đồng thời nhắc nhở nhau về ý thức giữ gìn bảo vệ môi trường sạch đẹp” - cô Nguyễn Thanh Thương trao đổi.

Được khích lệ tham gia những trải nghiệm thú vị, nhiều học sinh nhà trường đã mạnh dạn hơn, cảm thấy hứng thú hơn với việc học tập, nhất là rèn tập cho mình được thêm các kĩ năng cần thiết. “Em luôn chờ đợi những buổi học vẽ ngay trong khuôn viên tràn ngập tán cây của trường mình, hoặc những bản nhạc mà cô Thương dạy cũng rất thích. Đến lớp học bây giờ là một việc rất vui dành cho chúng em” - học sinh Ma Thị Hằng hào hứng chia sẻ.

Chắp cánh sức sáng tạo của học trò

Nhằm tránh gây ra sự khuôn ép người học vào những kiến thức khô cứng đơn điệu, nhiều thầy cô giáo đã chủ động tạo ra những diễn đàn, sân chơi để giúp học trò thỏa sức sáng tạo, phát huy năng khiếu sở trường.

Tại trường THCS Hoàng Ngân (huyện Định Hóa), Câu lạc bộ Nghệ thuật dưới sự gợi dẫn, tổ chức của thầy giáo mỹ thuật Nguyễn Doãn Long đã có nhiều hoạt động rất hữu ích cùng kết quả đầy ấn tượng.

CLB Nghệ thuật trường THCS Hoàng Ngân (Định Hóa, Thái Nguyên) tham dự lớp bồi dưỡng năng khiếu tác giả trẻ do Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Thái Nguyên tổ chức
CLB Nghệ thuật trường THCS Hoàng Ngân (Định Hóa, Thái Nguyên) tham dự lớp bồi dưỡng năng khiếu tác giả trẻ do Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Thái Nguyên tổ chức

Nhằm phát hiện, bồi dưỡng những em học sinh có năng khiếu, CLB Nghệ thuật đã được ra đời từ năm 2017, với hơn 30 học sinh tham gia ở lĩnh vực mỹ thuật. Từ năm 2019, CLB mở thêm lĩnh vực văn chương, thu hút được tổng số trên 50 em học sinh tham gia, trở thành nơi nuôi dưỡng tâm hồn, phát triển tài năng và là sân chơi bổ ích cho nhiều lứa học sinh.

Là người đam mê vẽ tranh và sáng tác thơ, thầy Long đã tổ chức nhiều buổi nói chuyện giao lưu, trao đổi hướng dẫn chuyên môn, khơi gợi hứng thú của học sinh. Nhờ sự kết nối của thầy Long, các thành viên CLB đã được tham gia miễn phí một số lớp bồi dưỡng năng khiếu tác giả trẻ do Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Thái Nguyên tổ chức.

Từ niềm vui có tác phẩm được đăng báo và xuất bản thành sách của bản thân, thầy Long còn khích lệ học trò sáng tác, góp ý và giúp các em gửi dự thi, đăng báo. Học trò đạt giải hoặc có tác phẩm đăng báo sẽ được thầy cô biểu dương trước toàn trường, đặc biệt, tác phẩm còn được lưu giữ trưng bày trang trọng trong không gian thư viện.

“Đều đặn 1 lần sinh hoạt mỗi tháng, với sự phong phú đến từ các nội dung chuyên đề, việc tổ chức hoạt động CLB đã góp phần đáng kể cho việc nâng cao chất lượng dạy - học của nhà trường, nhất là với bộ môn Mỹ thuật và Ngữ văn. Thật vui khi đã có hàng chục học sinh trong CLB đã có tranh, thơ, truyện ngắn, bài viết được đăng tải trên báo, tạp chí của tỉnh Thái Nguyên” - thầy giáo Nguyễn Doãn Long tự hào về những kết quả tích cực của học trò.

“Chúng tôi luôn khuyến khích các nhà trường trên địa bàn tích cực xây dựng kế hoạch, tổ chức các hoạt động trải nghiệm sáng tạo cho học trò, bởi đây là một cách thức góp phần quan trọng vào công tác nâng cao chất lượng dạy học, đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục. Học trò không chỉ cần tiếp cận kiến thức kỹ năng, mà còn cần có niềm vui, hạnh phúc trong học tập”

Bà Nguyễn Thị Thu Hoài, Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Định Hóa, Thái Nguyên

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Lực lượng chức năng duy trì công tác tuần tra, kiểm soát khép kín địa bàn. Ảnh: TT

Giữ bình yên trên cao nguyên M’Nông

GD&TĐ - Bước vào thu hoạch cà phê niên vụ 2024, người dân trên cao nguyên M’Nông (Đắk Nông) đang hân hoan phấn khởi vì sản phẩm được giá.