Thầy cô giáo Đắk Glei góp gạo thổi cơm nuôi học sinh

GD&TĐ - Thầy cô giáo Trường tiểu học thị trấn Đắk Glei, Kon Tum, không muốn học sinh của mình bỏ trường, bỏ lớp vì cái bụng đói cồn cào nên mỗi người góp một ít gạo, ít thức ăn để thổi cơm nuôi giấc mơ con chữ cho các em.

Các em học sinh đồng bào Hà Lăng ăn uống ngon lành sau giờ học.
Các em học sinh đồng bào Hà Lăng ăn uống ngon lành sau giờ học.

Thầy cô góp gạo thổi cơm cho học sinh

Dưới cái nắng như đổ lửa những ngày cuối tháng 3, chúng tôi vượt chặng đường hàng trăm km, băng qua những đoạn đèo hiểm trở, những dốc núi cheo leo để tìm về Trường tiểu học thị trấn Đắk Glei (huyện Đắk Glei, tỉnh Kon Tum).

Khi chúng tôi đến nơi, một số thầy cô giáo đang tập trung dưới chân cầu thang của trường để chuẩn bị cơm trưa cho các em học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Còn ở các phòng học, những tiếng ê a đọc bài vẫn văng vẳng vang lên át đi tiếng ve râm ran gọi hè.

Vừa chuẩn bị cơm trưa cho các em, thầy Trần Xuân Ninh – Hiệu trưởng nhà trường vừa tâm sự với chúng tôi về cuộc sống nơi đây. Thầy Ninh cho hay, trường có 370 học sinh, nhưng trong đó có 59 học sinh là đồng bào dân tộc Hà Lăng ở thôn Long Nang có hoàn cảnh khó khăn, nhà ở xa trường. Không những thế, khi học sinh từ lớp 2 đến lớp 5 ở thôn Long Nang chuyển về điểm trường chính học thì quãng đường từ nhà đến trường của các em xa hơn nhiều.

Lương thực tự mang theo, lấy cầu thang làm bếp, các thầy cô đã cho học sinh của mình những bữa ăn no đủ, ấm tình người.
Lương thực tự mang theo, lấy cầu thang làm bếp, các thầy cô đã cho học sinh của mình những bữa ăn no đủ, ấm tình người. 

Quãng đường đi lại khó khăn, một ngày các em lại học 2 buổi nên những em nhà xa bắt buộc phải ở lại trường mới kịp giờ học buổi chiều. Bên cạnh đó,một số em lại chọn phương án đi bộ về nhà ăn cơm rồi chiều lên lớp, nhưng do đường xa nên thường xuyên bị trễ học. Không những thế, trong số 59 học sinh đó còn có những em nhịn đói ở lại trường để học buổi chiều, nhưng chỉ được một lúc thì ngất lịm đi vì đói. Chính vì cuộc sống thiếu thốn nên việc mang cơm đến trường để ăn trưa với các em là điều xa xỉ.

Vì cái đói, vì đường sá xa xôi nên những em học sinh này thường nghỉ học vào buổi chiều. Mặc dù các thầy cô giáo thường xuyên đến tận nhà vận động, nhưng các em vẫn không đến lớp.

Chính vì vậy, để động viên, giúp đỡ các em học con chữ, không bỏ trường, bỏ lớp tập thể giáo viên nhà trường đã bàn bạc và thống nhất áp dụng mô hình “bán trú tự túc”. Tại đây, các thầy cô góp gạo và thức ăn thổi cơm cho học sinh của mình vào buổi trưa.

Để bếp ăn được đủ đầy, thầy Ninh đã kêu gọi giáo viên nhà trường đóng góp từ gạo, thịt, trứng, mì tôm…mỗi ngày để nuôi học trò. Do đó, cứ sáng đến lớp ngoài giáo án trên tay các thầy cô lại san sẻ lương thực của gia đình mình để giúp đỡ các em.

Nói là bếp ăn, nhưng bếp chỉ được tận dụng khoảng trống khoảng 5m2 dưới chân cầu thang với những đồ dùng thô sơ, đơn giản.

Thời gian ban đầu các thầy cô trong trường tự nuôi bếp ăn. Tuy nhiên, một thời gian sau phụ huynh và một số nhà hảo tâm biết đến nên đã chung tay phụ giúp các thầy cô.

Bữa cơm chứa chan tình thầy

Các thầy cô chăm chút từng miếng ăn cho các em.
Các thầy cô chăm chút từng miếng ăn cho các em. 

Vừa đảo mớ rau cải trong xoong, cô Thân Thị Thủy – Hiệu phó nhà trường “khoe” hôm nay thực đơn của các em là ít thịt kho và 3 bó rau cải. Tuy nhiên, do chi có một bếp điện nên cô và thầy Ninh thay phiên nhau nấu.

Với gương mặt phúc hậu, cô Thủy nở nụ cười hiền rồi cho hay, mặc dù trưa nắng nóng, mồ hôi nhễ nhại nhưng thầy cô không cảm thấy mệt mỏi. Ngược lại cô còn cảm thấy rất vui vì bản thân mình đã góp một chút sức lực để giúp các em vững bước trên con đường học chữ.

“Các thầy cô không chỉ góp đồ tươi sống mà có những hôm còn tận tay nấu thức ăn ở nhà mang lên cho các em. Chỉ cần thấy các em ăn uống ngon lành, học tập thật tốt thì chúng tôi cũng cảm thấy ấm lòng”, cô Thủy tâm sự.

Ông A Phương - Phó Chủ tịch UBND huyện Đắk Glei cho biết, trường tiểu học thị trấn Đắk Glei có nhiều học sinh có hoàn cảnh khó khăn, gia đình nghèo khó. Bên cạnh đó, các bậc phụ huynh lại lên nương rẫy cả ngày nên không có thời gian chăm sóc cũng như lo toan bữa ăn cho các em.

Theo vị phó chủ tịch, nhà trường lập bếp ăn bán trú cho các em học sinh là việc làm rất ý nghĩa. Từ ngày có bếp ăn, các em học sinh ở lại trường buổi trưa và ít nghỉ học hơn. Đây là việc làm vô cùng ý nghĩa và cần phải nhân rộng để giúp đỡ thêm các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ