Thầy, cô đừng tước đi hạnh phúc của mình!

Ảnh minh họa/internet
Ảnh minh họa/internet

Cho đến nay, câu chuyện cô giáo Trần Thị Minh Châu ba tháng liền không giảng bài tại lớp 11A1, Trường THPT Long Thới (Nhà Bè, TP Hồ Chí Minh), cô chỉ viết toàn bộ bài giảng lên bảng, không nói với học trò một lời nào, vẫn là chủ đề được dư luận đặc biệt quan tâm.

Sự im lặng của cô suốt 90 ngày đã khiến em Phạm Song Toàn, học sinh lớp 11A1, và là học sinh tiêu biểu, 5 tốt, một Bí thư Đoàn trường, đã phải bật khóc khi kể lại sự việc trong buổi đối thoại với Sở Giáo dục và Đào tạo TP Hồ Chí Minh. Giọt nước mắt của em Song Toàn đã chảy vào lòng chúng ta mặn chát và xót xa.

“Chúng em cảm thấy việc giáo viên đến lớp chỉ để giảng bài là một việc vô cùng nhàm chán. Em mong muốn cô nói chuyện với lớp dù chỉ một lần vì ngoài giảng bài ra, cô không nói gì cả. Em không hiểu sao cô lại không nói gì với chúng em. Cô chỉ đến lớp viết bài. Tụi em đến lớp đâu phải để viết bài không. Hơn một học kỳ nay, chúng em hầu như phải tự học…”.

Tôi đã đọc đi đọc lại tâm sự này của em Song Toàn và cảm thấy một điều gì đó đè nặng trong lòng. Chỉ cần đặt vị thế vào em Song Toàn và các em học sinh lớp 11A1 một ngày thôi, một ngày có một giờ học Toán, để được sống trong cảm giác cô giáo dạy Toán ra, vào lớp như một cái bóng, im lặng tuyệt đối, không một giao tiếp dù nhỏ nhất, mới thấy “nỗi buồn” mà các em đã nếm trải.

Nỗi buồn hay “nỗi cực hình” đó kéo dài tận 90 ngày, ngột ngạt vô cùng và nếu không có buổi đối thoại kia, không có em Song Toàn mạnh dạn nói lên tâm tư chất chứa của mình, thì “cuộc bạo lực tinh thần” đó có lẽ vẫn cứ tiếp diễn.

Trong cuộc sống bình thường, đôi khi chỉ vì sự hiểu lầm, chưa kịp thanh minh, để bạn bè, đồng nghiệp hiểu sai mình trong vài giờ đồng hồ, chúng ta – những người có lòng tự trọng đã cảm thấy tổn thương. Vậy mà các em lớp 11A1, Trường THPT Long Thới còn không biết được vì sao, cô giáo lại “im lặng một cách đáng sợ” với mình như thế. Tiết học đó đúng nghĩa là “tiết học đã chết”.

Khi viết những dòng này, tôi nhớ một chị bạn thân của tôi đã từng kể rằng: Ngày chị vào học lớp 6 của một trường chuyên nổi tiếng của tỉnh Hà Tây (cũ), cô giáo chủ nhiệm trong ngày đầu gặp gỡ học sinh đã bảo chị lấy chổi trực nhật lớp. Nhưng chị không nghe rõ cô nói gì nên chị cứ đứng im. Vậy là cô hiểu lầm chị “chống đối”. Và những ngày sau đó, đúng ra là tròn một năm rưỡi, cô chủ nhiệm đã đối xử với chị như một người dưng, không coi chị là một học sinh của lớp.

Một năm rưỡi, cô chủ nhiệm không bao giờ nhìn về phía chị mỗi khi cô giảng bài, dù ánh mắt chị thường xuyên như van lơn: “Cô ơi, cô hãy nhìn em đi, dù chỉ một lần!”. Không những thế, cô còn tỏ ra ân cần với các học sinh khác ngồi cạnh chị, làm lòng chị đau nhói.

Có những buổi học, vì không chịu nổi sự “lạnh lùng” của cô, mà sau khi tan học, chị đã lao ra khỏi lớp, chạy một mạch, vừa chạy vừa khóc, chị về trường cũ, ôm lấy cổng trường tiểu học đã gắn tuổi thơ chị mà khóc.

Nước mắt chị cứ thể chảy dài trong những trang sách và cả trong những giấc ngủ chập chờn của chị. Nhưng trong hoàn cảnh ngặt nghèo, những con người hướng thiện luôn tìm ra lối thoát. Chị bạn tôi đã vượt lên trên nỗi đau đớn tinh thần đó để học hành tốt nhất có thể. Chị nhẫn nhịn và xác định, chỉ có học tốt mới giúp chị thoát khỏi cơn “bạo hành tinh thần”. Chị học đêm, học ngày. Kết quả học tập của chị vươn lên ngoạn mục. Chị luôn lọt tốp 5 học sinh ưu tú của lớp.

Và ngày lớp chuẩn bị tổng kết năm học lớp 7, cô chủ nhiệm bất ngờ đi xuống chỗ chị ngồi. Cô vén tóc chị và nói: “Để cô cặp lại tóc cho em”… Người chị như đông cứng lại. Đó là giao tiếp lần đầu tiên cô dành cho chị. Lần đầu tiên chị cảm nhận bàn tay cô đang nhẹ nhàng cặp lại mái tóc lòa xòa của mình. Tim chị đập thình thịch. Chị quá hạnh phúc…

Những ai đã chọn nghề giáo là đã xác định, học trò là lẽ sống, là đời sống của mình. Gần như là bổn phận và thiên chức, những người thầy, người cô phải yêu thương học trò. Đó cũng là lý lẽ từ bao đời nay được ca ngợi trong tình cảm thầy trò. Được yêu thương học trò, được trò chuyện, được giao tiếp với học trò trong mỗi giờ giảng, mỗi tiết học, đó chính là hạnh phúc của những người thầy.

Nhiều thầy cô từng tâm niệm, cuộc sống của họ là bài giảng, là giáo án, là học trò, cả đời họ luôn xoay xung quanh trục đó, dõi theo sự trưởng thành, thành công của học trò. Tôi đã từng viết bài về rất nhiều nhà giáo, họ đều có quan điểm giống nhau khi định nghĩa về “hạnh phúc của nghề thầy” – đó là sự trưởng thành của học trò.

Có những người thầy, cả cuộc đời dõi theo học trò, viết thư cho học trò thăm hỏi, bởi họ có nhu cầu được “giao tiếp với học trò”. Nói điều này để thấy, được lên lớp, được có hàng chục cặp mắt học trò dõi theo từng nét phấn thầy cô trên bảng, đó cũng là hạnh phúc của nghề thầy.

Nhưng tiếc thay, cô giáo Minh Châu (và cả cô chủ nhiệm của chị bạn tôi) đã tự tước đi hạnh phúc đó của mình. Họ đã “đào hố ngăn cách” giữa họ và học trò, và nếu hố ngăn cách đó ngày càng rộng, càng sâu thì thử hỏi, người thầy sẽ lấy gì để cải tiến sáng tạo phương pháp sư phạm, lấy gì để thăng hoa trong bài giảng. Họ đã tự tước đi quyền được hạnh phúc, quyền được yêu thương học trò.

Sự việc cô Minh Châu im lặng suốt 3 tháng lên lớp có thể chỉ là hi hữu, nhưng báo động nạn “bạo hành tinh thần” học trò đã xuất hiện trong môi trường giáo dục và tình trạng này đang có xu hướng tăng lên. Vì sự việc cô Minh Châu còn chưa kịp lắng xuống, thì tại Trường Tiểu học An Đồng, An Dương, Hải Phòng, cô giáo Nguyễn Thị Minh Hương phạt học sinh Phương Anh (lớp 3A5) bằng cách bắt em uống nước giẻ lau bảng, đã gây phẫn nộ dư luận.

Thêm nữa, tại Trường THPT Phú Tâm (xã Phú Tâm, huyện Châu Thành, tỉnh Sóc Trăng), thầy hiệu trưởng đã phải xin lỗi học sinh sau khi mắng các em là “quân phản bội”, chỉ vì các em ra ngoài mua nước, không mua nước trong căng tin nhà trường…

Những sự việc nói trên đã báo động sự lệch lạc trong ứng xử văn hóa tại môi trường học đường, nơi được giao nhiệm vụ ươm mầm những ứng xử chuẩn mực để lan tỏa trong cuộc sống. Nguy hại hơn, những hành vi lệch chuẩn đó còn làm ảnh hưởng tới hình ảnh người thầy, làm tổn thương đến cả những người thầy, người cô chân chính và theo như lời ông Trần Kim Tự, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục (Bộ GD&ĐT), thì những việc làm đó “đã gây tác động xấu tới môi trường giáo dục”.

Có rất nhiều nguyên nhân dẫn tới hành vi xa lạ của những người thầy, người cô kia, nhưng dù là nguyên nhân gì, thì hành vi đó là không thể chấp nhận. Những hành vi đó đã đặt ra rất nhiều vấn đề trong công tác đào tạo sư phạm, đặc biệt là đào tạo về kỹ năng ứng xử, đạo đức người thầy.

Theo Phó Cục trưởng Trần Kim Tự: “Chúng tôi sẽ suy nghĩ nghiêm túc về một số vấn đề như: Công tác đào tạo, tuyển dụng, sử dụng và quản lý”. Công tác đào tạo đã thực sự cho ra những thầy cô đáp ứng được yêu cầu công việc ngày càng có nhiều đòi hỏi mới hay chưa? Công tác tuyển dụng có đủ độ sàng lọc để người được chọn là người thực sự có trình độ chuyên môn, nhiệp vụ, kĩ năng sư phạm tốt? Việc sử dụng, quản lý - các cấp quản lý đã vào cuộc, nhạy bén dự báo những tình huống có thể xảy ra trong trường học hay chưa? Còn rất nhiều khoảng trống liên quan đến đạo đức nhà giáo, cần sớm có giải pháp. Hiện Bộ GD&ĐT đang khẩn trương rà soát nghiêm túc những quy định liên quan đến công tác đào tạo, bồi dưỡng.

Một bộ quy tắc ứng xử văn hóa trong nhà trường cũng đang được Bộ GD&ĐT gấp rút xây dựng, nhằm tạo một môi trường giáo dục lành mạnh, an lành, để việc “dạy chữ, dạy người” đạt hiệu quả cao nhất, trong đó vai trò và sự tận tâm, tận lực, thấu hiểu học trò của người thầy là vô cùng quan trọng. Người thầy sẽ thắp lửa cho học trò bằng những hình ảnh đẹp, nhân ái. Vì thế, thầy cô đừng tự tước đi hạnh phúc của mình…

Theo cand.com.vn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Rosemarie Dehesa thường đăng video về việc cô ăn nhiều loại thực phẩm. Ảnh: Rosemarie Martin Dehesa/CNN

Lo ngại trước xu hướng mukbang

GD&TĐ - Từ 'mukbang' bắt nguồn từ sự kết hợp của các từ tiếng Hàn 'meokda', có nghĩa là ăn, và 'bangsong', có nghĩa là phát sóng.