Thầy cô đã quen với minh chứng của hệ thống quản lý bồi dưỡng cán bộ, giáo viên

GD&TĐ - Sau 2 năm thực hiện, giáo viên (GV) đã hình thành thói quen lưu giữ minh chứng và thành thạo tải minh chứng lên Hệ thống thông tin quản lý bồi dưỡng GV, cán bộ quản lý (CBQL) cơ sở giáo dục phổ thông (TEMIS).

Cô trò Trường Tiểu học Liên Bảo (TP Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc) trong một giờ học nhóm.
Cô trò Trường Tiểu học Liên Bảo (TP Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc) trong một giờ học nhóm.

Không khó nếu GV có ý thức lưu giữ minh chứng

“Có thể nói Hệ thống TEMIS có nhiều nét ưu việt. Sử dụng hệ thống này, một phần giúp nhà trường lưu trữ các thông tin một cách khoa học, để bất cứ lúc nào cần có thể kiểm tra. Qua việc cập nhật cũng giúp các cấp quản lý có cái nhìn tổng quát, xem tiêu chí nào còn nhiều hạn chế để có kế hoạch tập huấn, bồi dưỡng nâng cao chuyên môn cho GV, CBQL” - cô Trịnh Thị Diệu Thúy cho hay.

Cô Trịnh Thị Diệu Thúy, Hiệu trưởng Trường THPT Nam Đàn, Nghệ An, cho rằng: Kỹ thuật tải minh chứng lên hệ thống không khó, mà khó khăn là việc tập hợp được các minh chứng phù hợp với tiêu chí cần có. Với Trường THPT Nam Đàn, các CBQL, GV đã thực hiện tải minh chứng lên hệ thống và 100% thầy cô hoàn thành. Lãnh đạo nhà trường hướng dẫn GV tìm nội dung minh chứng phù hợp với tiêu chí.

Cùng quan điểm, thầy Lê Quốc Sang, Tổ trưởng Tổ Toán, Trường THPT Chu Văn An (An Giang) đánh giá tải minh chứng lên Hệ thống TEMIS không có gì khó khăn. Việc này triển khai được 2 năm và các thầy cô nhà trường đều thực hiện thành thạo. Cách làm là thu thập các minh chứng rồi tải lên ứng với từng tiêu chí. Số minh chứng cũng không nhiều. Nếu là GV thì có 5 tiêu chuẩn, chia thành 15 tiêu chí; mỗi tiêu chí ứng với 1 hay 2 minh chứng.

“Tôi cho rằng, đây là công việc cần thiết; giúp cơ quan quản lý giáo dục, nhà trường đánh giá chuẩn GV một cách dễ dàng. Việc này cũng tạo ra sự minh bạch trong đánh giá và đồng nghiệp có thể đánh giá lẫn nhau. Đặc biệt, đây là cách tạo cho GV ý thức lưu trữ hồ sơ, thầy cô có được một kênh lưu trữ hồ sơ hết sức khoa học, tiện lợi.

Tuy nhiên, tôi cũng có một đề nghị, đó là hệ thống nên cải thiện thêm cách cập nhật dữ liệu. Ví dụ, một số tiêu chí như chứng chỉ tin học, ngoại ngữ, hay bằng cấp... đã không thay đổi thì giữ nguyên, để GV đỡ tốn công sức năm nào cũng phải nhập lại. Chỉ nên cập nhật những gì mới, thay đổi theo từng năm học” - thầy Lê Quốc Sang trao đổi.

Là trường vùng khó, nhưng toàn bộ GV Trường Tiểu học Lê Lợi (buôn M’Hăng, xã Cư Huê, huyện Ea Kar, Đắk Lắk) đã quen với việc tự đánh giá kèm theo minh chứng. Thông tin từ Hiệu trưởng Lương Thị Hồng, thời gian đầu thầy cô có gặp khó khăn, nhưng sau khi được tập huấn thì triển khai tốt hoạt động này; GV cơ bản không gặp khó khăn trong việc thu thập minh chứng.

“Kinh nghiệm của nhà trường là tổ chức tập huấn cho tất cả GV, hướng dẫn thầy cô đánh giá tiêu chí của từng mức; cho mọi người làm thử và hỗ trợ nếu cần. Nhà trường chỉ đạo rõ ràng và thầy cô cũng ý thức làm tốt lưu giữ minh chứng ngay từ đầu. Việc lưu trữ và cập nhật minh chứng phải kịp thời, nếu lưu giữ không đầy đủ thì thu thập rất khó khăn. Thực tế cho thấy, việc tải minh chứng lên TEMIS rất thuận tiện trong việc lưu trữ cho cá nhân của từng GV; nhà trường có thể cập nhật, tổng hợp nhanh chóng thuận tiện, chính xác” - cô Lương Thị Hồng cho hay.

Giáo viên bậc tiểu học huyện Võ Nhai (Thái Nguyên) tham gia lớp tập huấn về Chương trình và sách giáo khoa mới.
Giáo viên bậc tiểu học huyện Võ Nhai (Thái Nguyên) tham gia lớp tập huấn về Chương trình và sách giáo khoa mới.

Công khai, minh bạch năng lực đội ngũ

Ông Trần Văn Hùng, Phó Trưởng phòng Giáo dục trung học - Giáo dục thường xuyên và bà Nguyễn Thị Oanh, chuyên viên Phòng Giáo dục tiểu học - Giáo dục mầm non (Sở GD&ĐT Đắk Lắk) đều chung nhận định về sự cần thiết của Hệ thống TEMIS.

Thông tin trên hệ thống tin cậy, các số liệu chính xác, rõ từng tiêu chí, giúp đơn vị quản lý có được cái nhìn tổng quan về năng lực đội ngũ, từ đó xây dựng chiến lược, kế hoạch bồi dưỡng đáp ứng nhu cầu thực tế. Thời gian đầu triển khai, việc tải minh chứng có gặp đôi chút khó khăn, GV chưa biết chọn minh chứng. Nhưng sau khi được tập huấn và sau quá trình làm quen, thầy cô đã quen và hài lòng với quy trình này.

Góc nhìn chuyên gia, TS Lê Thị Kim Anh, chuyên gia tư vấn của Ban Quản lý Chương trình ETEP (Bộ GD&ĐT), cho rằng: Các ngành đang thực hiện chủ trương chuyển đổi số trong quản lý. Bộ GD&ĐT cũng nỗ lực thực hiện tin học hóa công tác quản lý GV và CBQL cơ sở giáo dục phổ thông. Trong đó, triển khai Thông tư số 14/2018/TT-BGDĐT ban hành quy định chuẩn hiệu trưởng cơ sở giáo dục phổ thông và Thông tư số 20/2018/TT-BGDĐT ban hành quy định chuẩn nghề nghiệp GV cơ sở giáo dục phổ thông, Bộ GD&ĐT tổ chức cho GV, CBQL, cơ sở giáo dục phổ thông đánh giá trên cơ sở minh chứng minh bạch.

Việc này giúp quản lý hồ sơ đầy đủ hằng năm, bảo đảm minh bạch, việc cập nhật dễ dàng, tránh việc phải lưu giữ hồ sơ in, tránh lãng phí, mất nhiều công sức. Các cấp quản lý thông qua hệ thống công nghệ thông tin cũng thuận lợi hơn trong kiểm tra, giám sát. Điều này đặc biệt hiệu quả trong tình hình dịch bệnh Covid-19 kéo dài ở nhiều địa phương.

“Năm 2020, có 57/63 sở GD&ĐT hoàn thành công tác đánh giá theo Thông tư 14 và Thông tư 20, bao gồm tải minh chứng lên hệ thống công nghệ thông tin. Năm 2021, 63/63 sở GD&ĐT đang triển khai công tác đánh giá. Sang năm thứ 2 thực hiện, công việc đã giảm tải, thuận lợi hơn rất nhiều đối với thầy cô, chỉ bao gồm cập nhật các minh chứng mới, để cập nhật hồ sơ của GV” – TS Lê Thị Kim Anh chia sẻ.

Ngày 28/8/2021, Bộ GD&ĐT ban hành Công văn số 3556/BGDĐT-NGCBQLGD, tiếp tục triển khai công tác đánh giá theo chuẩn đối với GV, CBQL cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông đã đạt trình độ chuẩn được đào tạo theo Luật Giáo dục 2019 và nhập kết quả đánh giá lên Hệ thống TEMIS (đối với GV, CBQL cơ sở giáo dục phổ thông). Tạm dừng việc đánh giá theo chuẩn đối với GV, CBQL cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông chưa đạt trình độ chuẩn được đào tạo theo Luật Giáo dục 2019 đến khi có quy định mới được ban hành. - TS Lê Thị Kim Anh

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ