Thầy cô chủ nhiệm thay đổi, học trò hạnh phúc

GD&TĐ - Với lòng nhiệt huyết, yêu nghề, muốn dành những điều tốt đẹp nhất cho học sinh thân yêu, nhiều thầy cô giáo trong ngành Giáo dục Hải Phòng đã có thay đổi tích cực.

Học sinh trường THCS cùng đập lợn góp vào phong trào chung.
Học sinh trường THCS cùng đập lợn góp vào phong trào chung.

Nhờ đó mà mối quan hệ thầy - trò trở nên tốt đẹp, học trò cảm thấy hạnh phúc mỗi khi đến trường.

Lan toả yêu thương

Công tác chủ nhiệm lớp có một vai trò quan trọng trong quá trình thực hiện nhiệm vụ giáo dục của nhà trường. Thầy cô chủ nhiệm được ví như người cha, người mẹ của học sinh mà trường học chính là ngôi nhà thứ 2 của các em. Trong thực tế, nhiều thầy cô giáo đã làm tốt công tác chuyên môn nhưng rất e ngại làm chủ nhiệm. Và cũng không ít học sinh lo sợ đến tiết sinh hoạt lớp mỗi tuần bởi đó là giờ thầy cô “xử tội”.

Tuy nhiên, cùng với đổi mới trong hoạt động chuyên môn, công tác chủ nhiệm có sự chuyển biến tích cực. Thầy cô chủ nhiệm đã thay đổi, dần xa lối giáo dục “dập khuôn” với những lời nói giáo điều, răn đe trong tiết sinh hoạt lớp. Từ đó, các tiết sinh hoạt trở nên sôi động, các hoạt động ngoại khoá, trải nghiệm được tăng cường, cô trò hiểu nhau, gần gũi hơn.

Cô giáo Vũ Thị Phượng, chủ nhiệm lớp 7A8, Trường THCS Đằng Hải, quận Hải An có 19 năm công tác trong ngành Giáo dục. Cô từng là Tổng phụ trách Đội, làm công tác chủ nhiệm nhiều năm. Trong vai trò chủ nhiệm lớp, cô luôn tận tâm, dốc sức cho học sinh và coi các em như những đứa con của mình.

Cô Phượng từng phát hiện một học sinh thường xuyên cầm nhiều tiền đến lớp và xao nhãng học tập bởi các trò chơi qua mạng. Ngay lúc đó, cô liên lạc với phụ huynh để trao đổi. Cha mẹ em đã không sát sao con, thấy mất tiền trong ví nhưng không hoài nghi, để ý. Cô và phụ huynh đã phối hợp uốn nắn, giúp em có nhận thức đúng đắn, chăm học hơn.

Trong quá trình chủ nhiệm lớp, nhiều học sinh tâm sự với cô rằng em chán học, cha mẹ cứ ép học trong khi em không tiếp thu được, không muốn thi THPT mà cha mẹ kì vọng làm em bị áp lực. Được cô động viên, các em đã cố gắng hơn, có em đã lấy lại được sự hứng thú trong học tập để thi đỗ THPT. Với học sinh không đủ năng lực để thi cô cũng trao đổi để phụ huynh nắm được, định hướng khác cho con.

Phạm Minh Hương, học sinh lớp 7A8, Trường THCS Đằng Hải hào hứng, cô chủ nhiệm của em rất tâm lý, cô luôn vui vẻ nhưng cũng chừng mực và nghiêm khắc đúng lúc. Quá trình học tập, em cùng các bạn luôn được cô dạy bảo ân cần. Nhờ thế, cả lớp bạn nào cũng chăm ngoan, học giỏi và không có ai vi phạm nội dung lớp học hay quy định của nhà trường.

Lớp 7A8 đưa ra sáng kiến phong trào “Mỗi ngày một câu chuyện tốt, mỗi tuần một câu chuyện đẹp”, để các thành viên phấn đấu xây dựng. Phong trào của lớp luôn đứng trong tốp đầu của trường. Chương trình văn nghệ chào mừng ngày 20/11 vừa qua của lớp được giải Nhì. Các em tự tay chuẩn bị quà tri ân thầy cô và bí mật tổ chức cho cô giáo chủ nhiệm một buổi lễ 20/11 thật ngọt ngào,  hạnh phúc.

Lý Minh Trang, lớp trưởng lớp 7A8 cũng chia sẻ, cô Phượng như người mẹ thứ 2 của lớp. Lứa tuổi mới lớn rất cần sự định hướng, giáo dục về giới tính, chính vì thế cô thường trò chuyện với học trò, đưa ra những tình huống giả định để học sinh giải quyết và cô đưa lời khuyên.

Học sinh lớp 7C2 cùng cô giáo chủ nhiệm trong Tết Trung thu.
Học sinh lớp 7C2 cùng cô giáo chủ nhiệm trong Tết Trung thu.

Yêu trò bằng cái tâm

Thầy giáo Lê Đức Vương - Hiệu trưởng Trường THCS Lê Lợi, quận Hải An cho hay, mục tiêu chính trong quá trình giáo dục là học sinh cảm thấy hạnh phúc khi đến trường. Muốn làm được điều đó, thầy cô cần thay đổi bằng chính cái tâm yêu thương học trò và phụ huynh cũng cần sự phối hợp đồng điệu để định hướng giáo dục đạt hiệu quả.

Tuy nhiên, theo thầy Vương, thầy cô giáo không chỉ làm công tác chủ nhiệm mà còn rất bận rộn, vất vả công việc chuyên môn. Nhưng nếu chỉ đầu tư vào tiết sinh hoạt đầu tuần để định hướng, giáo dục học sinh chưa đủ. Người giáo viên chủ nhiệm phải sát sao hơn nữa, giải quyết trực tiếp các tình huống phát sinh trong thực tế để định hướng phát triển nhân cách cho các em.

Ở Trường THCS Lê Lợi, thầy Hiệu trưởng công khai số điện thoại và sẵn sàng chia sẻ, lắng nghe những tâm tư, tình cảm của học sinh để cùng các em hướng tới mục đích giáo dục tốt nhất.

Tạ Phương Linh, học sinh lớp 7C1, Trường THCS Lê Lợi chia sẻ, rất hạnh phúc khi được học dưới mái trường này. Em thầm cảm ơn cô giáo chủ nhiệm Phùng Thị Hoà bởi chính cô đã dạy dỗ, dìu dắt em từ khi bỡ ngỡ bước chân vào trường với thái độ cởi mở, yêu thương.

TS Nguyễn Quỳnh Phương, Trưởng khoa Tâm lý giáo dục, Trường Đại học Hải Phòng chia sẻ, hạnh phúc luôn ở xung quanh mỗi chúng ta, nhưng hướng tới trường học hạnh phúc thì ngay trong mỗi giờ sinh hoạt lớp, thầy cô nên thay đổi, lấy khen làm chính, phê bình là phụ. Điều đó khiến học sinh hứng thú, không nhàm chán, lo lắng mỗi khi đến tiết sinh hoạt.

Thầy cô cùng học sinh cần thay đổi từ trong suy nghĩ đến hành động, để mỗi giờ sinh hoạt lớp là một diễn đàn để các em được nói những điều mình muốn nói, nghe những điều mình muốn nghe, làm những điều mình muốn làm. Lúc đó, giáo viên chủ nhiệm chỉ đứng trên vai trò định hướng, cố vấn, còn học sinh làm chủ các giờ sinh hoạt lớp, các em được bộc lộ khả năng bản thân.

Công tác chủ nhiệm sẽ phong phú, hiệu quả hơn khi giáo viên ứng dụng CNTT kết nối với phụ huynh học sinh giúp các em có thêm nhiều trải nghiệm ngay trong lớp học của mình. Từ đó, các em sẽ yêu quý thầy cô, thích thú với các giờ sinh hoạt lớp, tạo nên năng lượng tích cực cho việc dạy và học. 

Làm công tác chủ nhiệm không đơn giản, nhất là giáo viên chủ nhiệm bậc THCS, bởi giai đoạn lứa tuổi của học sinh đang phát triển, sự thay đổi tâm sinh lí mạnh mẽ. Nếu thầy cô chủ nhiệm không sát sao thì khó có thể quán xuyến, giáo dục tốt cho các em. Đặc biệt, với cách giáo dục hiện nay, nhiều phụ huynh để con phát triển theo tự nhiên trong khi sự bùng nổ về công nghệ dẫn đến các em sa đà vào trò chơi điện tử, ham chơi, lười học và hay chống đối. - Cô Vũ Thị Phượng

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.